Hội thảo phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long

NTTU – Trong không khí hướng tới Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V năm 2022 với chủ đề “Trí thức trẻ thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần phục hồi phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch”, chiều ngày 26/10/2022, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức thành công Hội thảo phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, chương trình được tổ chức trực tiếp, trực tuyến trên tảng ứng dụng Zoom và livestream trên fanpage Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Đại biểu và sinh viên tham dự Hội thảo

Hội thảo do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Cơ quan Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia, do Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt – Úc hỗ trợ bởi tổ chức nhằm tăng cường kết nối, hợp tác giao lưu giữa thanh niên, trí thức trẻ của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với thanh niên, trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước.

Toàn cảnh Hội thảo trực tiếp tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 

Tham dự chương trình, về phía khách mời có sự hiện diện của ông Nguyễn Phúc Bình – Chủ nhiệm Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt – Úc; ông Huỳnh Tấn Đạt – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia; TS. Nguyễn Hoàng Nam – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; TS. Nguyễn Diệu Hằng – Giảng viên Khoa Môi trường Biến đổi khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; ThS. Trần Hương Giang – Chuyên gia kinh tế và chính sách Công ty tư vấn Quốc tế enCity; ThS. Lê Bá Nhật Minh – Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

ThS. Lê Bá Nhật Minh – Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự tham dự và chủ trì của PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; TS. Nguyễn Hữu Thuần Anh – Phó trưởng Phòng Khoa học Công nghệ; TS. Nguyễn Thành Nho – Trưởng Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường; đặc biệt là sự có mặt của gần 80 cán bộ – giảng viên, nghiên cứu sinh và hơn 150 sinh viên thuộc các khối ngành tham gia.

PGS.TS. Trần Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng đã chia sẻ “Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), quy hoạch tích hợp vùng đang được các địa phương thực hiện với kỳ vọng góp phần chuyển đổi mô hình phát triển mới cho vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội ĐBSCL”. Bên cạnh đó, PGS.TS. Trần Thị Hồng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đối tác, báo cáo viên đã dành thời gian quý báu chia sẻ kiến thức bổ ích góp phần giúp đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu và các bạn sinh viên trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng về hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giải pháp hoàn thiện và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số tại Việt Nam; tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khoa học công nghệ, khởi nghiệp quốc gia, vùng, địa phương góp phần phục hồi phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch.

ĐBSCL là khu vực địa lý chịu ảnh hưởng nặng nề các tác động tiêu cực của BĐKH như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, nước dâng do bão và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác. Do vậy, việc phân tích và nhận biết được những nguy cơ BĐKH sẽ giúp các địa phương chủ động những kế hoạch và phương án ứng phó hợp lý, giảm thiểu thiệt hại và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo hướng tới các góc nhìn khác nhau về việc phát huy các tiềm lực nhằm phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL đồng thời hướng đến các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

ThS. Trần Hương Giang – Chuyên gia kinh tế và chính sách Công ty tư vấn Quốc tế enCity

Tại hội thảo, đại biểu và sinh viên tham gia đã được nghe phần trình bày đến từ các diễn giả nhiều chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững: (1) ThS. Trần Hương Giang – Chuyên gia kinh tế và chính sách Công ty tư vấn Quốc tế enCity trình bày “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến nền tảng kinh tế – xã hội của đồng bằng sông Cửu Long và dự báo những xu hướng thay đổi trong tương lai”, qua đó cho thấy xu hướng phát triển của ĐBSCL cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh đảm bảo đáp ứng các chuẩn mực tiêu chuẩn chung về xanh – sạch – chất lượng cao, thị trường nội địa cần có trách nhiệm và hướng đến bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng, ban hành cơ chế vận hành mang tính thích ứng có tính đàn hồi với các thay đổi, liên kết vùng – kết nối với thế giới theo mô thức phù hợp, tạo được mô hình kinh tế cụm ngành và thiết lập chuỗi giá trị sản phẩm; (2) TS. Nguyễn Thành Nho – Trưởng Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường “Khả năng đáp ứng sinh kế người dân và dịch vụ môi trường của hệ sinh thái rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long”, cụ thể như: rừng ngập mặn phân bố và chiếm diện tích lớn ở ĐBSCL nhưng việc khai thác giá trị kinh tế phục vụ sinh kế người dân và dịch vụ môi trường chưa được khai thác hiệu quả, hiện tại các địa phương chỉ chủ yếu sử dụng dịch vụ cung ứng môi trường nuôi trồng thuỷ sản, một phần nhỏ cho mục đích đánh bắt tự nhiên cho người dân. Trong thời gian sắp tới các nhà quản lý, nhà nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường cần kết nối để có kế hoạch khai thác giá trị dịch vụ sinh thái hiệu quả, song song đó là bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu; (3) TS. Nguyễn Hoàng Nam – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày về “Chính sách kinh tế tuần hoàn và cơ hội của vùng ĐBSCL” cùng với những định hướng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, phù hợp với chiến lược, đề án, chương trình hiện có (SCP, quản lý tổng hợp chất thải, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững); (4) TS. Nguyễn Diệu Hằng – Giảng viên Khoa Môi trường Biến đổi khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích về “Kinh tế và giải pháp thích ứng với khí hậu ở công trình cống Cái Lớn – Cái Bè, tỉnh Kiên Giang” nhằm tăng tính toàn diện và hợp lý của quá trình ra quyết định bổ sung góc nhìn kinh tế và xã hội bên cạnh kỹ thuật đã có, cung cấp một cách nhìn nhận nhanh và trực quan cho các nhà đầu tư và nhà quản lý, tăng sự đồng thuận của cộng đồng đối với việc xây dựng, vận hành, quản lý các công trình hạ tầng công cộng.

TS. Nguyễn Thành Nho – Trưởng Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường

Qua những chia sẻ của báo cáo viên tại hội thảo đã giúp cho các bạn sinh viên hiểu rõ về vai trò và lợi ích của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp kinh tế tuần hoàn mang lại trong các lĩnh vực của đời sống, lan truyền cảm hứng tích cực và gia tăng khả năng tác động của kinh tế tuần hoàn đến sự phát triển của xã hội với 3 từ khóa: “Đổi mới sáng tạo – Truyền cảm hứng – Tác động tích cực” (Innovation – Inspiration – Impact) để từ đó làm tiền thúc đẩy công nghiệp hóa, bảo vệ môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững, truyền đến cho các bạn nguồn năng lượng tích cực nhất để tiếp tục theo đuổi đam mê và tiến tới thành công với lựa chọn của bản thân, đồng thời cũng giúp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tế trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

PGS.TS. Bạch Long Giang đại diện nhà trường tặng quà lưu niệm cho đại biểu

Ngọc Giàu (Phòng Khoa học Công nghệ)

Tin tức khácXem thêm