Hội thảo khoa học Kinh nghiệm quốc tế về tự chủ đại học

Vào ngày 27/10/2018, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH NTT và NCS.ThS. Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng cơ sở An Phú Đông, đã đến tham dự chương trình hội thảo khoa học Kinh nghiệm quốc tế về tự chủ đại học tại Đại học Ngoại thương. Đây là chương trình do Trường Đại học Ngoại thương phối hợp cùng Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam cùng tổ chức. Chủ trì hội thảo là PGS.TS. Bùi Thị Thu Giang, Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại thương.

PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng (hàng đầu tiên: thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng BTC và các đại biểu tham dự chương trinh

Đến tham dự và đồng chủ trì chương trình hội thảo có TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học; PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; và GS. Nguyễn Đức Khương, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam. Đặc biệt, hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về tự chủ đại học còn có sự hiện diện của 35 đại biểu là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng của các trường đại học, học viện trên cả nước.

Nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, hội thảo tập trung vào chủ đề chính là về tự chủ đại học như Quản trị hệ thống giáo dục đại học: khung pháp lý cho tự chủ đại học; Tự chủ và quản trị trường đại học: từ lý thuyết đến thực tiễn; Mối quan hệ trường đại học – ngành/doanh nghiệp; Các thành tố của tự chủ đại học: tự chủ về bộ máy, tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính, tự chủ về học thuật

Ngày nay, trước sự phát triển không ngừng của lĩnh vực khoa học công nghệ cộng với yêu cầu về toàn cầu hóa thì giáo dục đại học cũng đòi hỏi phải liên tục đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài mà đặc biệt là đưa đất nước vươn lên hội nhập, cạnh tranh trên phạm vi quốc tế. Giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng do đó cần phải hội nhập vào lộ trình phát triển chung của thế giới. Với nội lực và điều kiện của nước ta hiện nay thì đại chủ đại học là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ đại học của các cơ sở giáo dục – đào tạo đã và đang cho thấy các trường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí lúng túng trong việc làm thế nào để tự chủ và tự chịu trách nhiệm thành công, hiệu quả. Vấn đề gây áp lực nhất đối với các nhà quản lý là làm thế nào để tìm ra con đường tự chủ phù hợp nhất cho các trường đại học và cả các trường đại học, cao đẳng.

Liên quan đến vấn đề này, hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về tự chủ đại học đã nhận được 20 bài viết chuyên sâu, cùng 10 phần trình bày của các chuyên gia trong và ngoài nước dưới góc độ kinh nghiệm quốc tế bao gồm các vấn đề lý luận chung, thực tiễn tại các quốc gia tương ứng với 4 mô hình quản trị tiên tiến hiện nay, các kiến nghị cho tự chủ đại học tại Việt Nam. Hội thảo cũng đã luận bàn nhiều vấn đề thời sự hiện nay như việc giải trình của giáo dục đại học trong điều kiện thực hiện quyền tự chủ, hay cách thay đổi để thích ứng của giáo dục đại học trong điều kiện hội nhập quốc tế và cuộc CMCN 4.0.

Với nội dung chuyên sâu và bổ ích, hội thảo lần này được kỳ vọng sẽ đóng góp thiết thực vào công tác nghiên cứu và hoàn thiện cơ sở thực tiễn tự chủ đại học, từ đó giúp các cơ sở giáo dục đại học đưa ra được những quyết định khách quan, đồng thời hoạch định được chiến lược phát triển đúng đắn cho đơn vị.

ĐH Nguyễn Tất Thành

Tin tức khácXem thêm