Hội thảo Khai thác nguồn tin khoa học và công nghệ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học

NTTU – Chiều ngày 24/04/2024, Trung tâm thông tin Thư viện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng với Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (National Agency for Science and Technology Information – NASATI) tổ chức thành công hội thảo “Khai thác nguồn tin khoa học và công nghệ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học”. Hội thảo nhằm tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực thông tin khoa học công nghệ phục vụ hiệu quả cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các trường đại học và cơ quan nghiên cứu

Các đại biểu tham dự hội thảo qua hình thức online

Tham dự hội thảo, về phía Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia có: ông Đào Mạnh Thắng – Phó cục trưởng. Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có: TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường, tham gia chủ trì hội thảo, cùng 220 đại biểu là các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, cán bộ thư viện đến từ các trường đại học và cơ quan nghiên cứu trên khắp cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Mạnh Thắng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn thông tin khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế đối với hoạt động đào tạo và nghiên cứu; chia sẻ về mô hình Liên hợp thư viện các nguồn tin điện tử hơn 100 đơn vị thành viên đã cùng nhau phối hợp, bổ sung các nguồn tin khoa học và công nghệ có giá trị trong suốt 20 năm hoạt động phục vụ cho lợi ích chung của bạn đọc sử dụng thư viện.

Thay mặt lãnh đạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TS. Trần Ái Cầm đã gửi lời cảm ơn đến Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, quý vị đại biểu đến từ các trường đại học và cơ quan nghiên cứu đã đến tham dự hội thảo. “Đối  với  Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói riêng và các trường đại học nói chung, nghiên cứu khoa học là một hoạt động thiết yếu và đóng vai trò vô cùng quan trọng, theo đó, thư viện đại học cũng được đầu tư phát triển  theo  hướng  phục  vụ  nghiên  cứu. Để  tăng  hiệu  quả  khai  thác  nguồn  học liệu, các trường cần xác định được những yếu tố tác động đến quá trình cung cấp nguồn học liệu phục vụ nghiên cứu khoa học như trình độ đội ngũ cán bộ thư viện, kỹ năng tra cứu của người sử dụng, mức độ đáp ứng nhu cầu về nguồn tin khoa học công nghệ cho các nhà nghiên cứu, quảng bá, vấn đề hợp tác chia sẻ trong hệ thống trường đại học…”, TS. Trần Ái Cầm nhấn mạnh.

Tham gia hội thảo còn có các báo cáo viên trong nước và quốc tế, gồm: PGS.TS Đinh Văn Phúc – Phó viện trưởng thường trực Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội liên ngành Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; ThS. Trần Thị Hải Yến – Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia; ThS. Đỗ Văn Châu – Trường ĐH RMIT; chuyên gia Kurinji Malar K – Giám đốc Đào tạo và Chăm sóc khách hàng, khu vực Đông Nam Á của nhà xuất bản ProQuest Central; ThS. Trần Thị Thúy Kiều – Trung tâm Thông tin Thư viện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Các báo cáo viên tập trung chia sẻ về thực tiễn khai thác nguồn tin khoa học và công nghệ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tế của các nhà nghiên cứu, tổng thể nguồn lực thông tin khoa học công nghệ của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, vấn đề sử dụng cơ sở dữ liệu quốc tế trong việc triển khai dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm khai thác các nguồn tin khoa học công nghệ phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học trong trường đại học.

Cũng tại hội thảo, bà Kurinji Malar K đã giới thiệu chuyên sâu về hệ thống tài liệu, hướng dẫn cách tra cứu, các tiện ích, tính năng ưu việt hỗ trợ giàng viên và nhà nghiên cứu thuận lợi trong việc tiếp cận tài liệu của cơ sở dữ liệu ProQuest Central.

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đòi hỏi các trường đại học cần có những chính sách, giải pháp công nghệ, các dịch vụ tiện ích hỗ trợ cho người sử dụng, đặc biệt là sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu ở các trường đại học tiếp cận, tra cứu và khai thác sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu để tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Hội thảo đã giúp cho Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói riêng và các trường đại học nói chung mang lại cơ hội hợp tác, liên kết để cùng khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin khoa học công nghệ trong và ngoài nước để triển khai các dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học.

Tin bài: ThS. Trần Thị Thúy Kiều

Tin tức khácXem thêm