Hội thảo giải pháp gia tăng nguồn lực thông tin, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
NTTU – Nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo cho đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu để từ đó phục vụ cho việc công bố khoa học thuộc các tạp chí uy tín, đánh giá và thăng bậc xếp hạng kiểm định trong và ngoài nước, vừa qua, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Phát triển văn hóa (CDIMEX) tổ chức thành công Hội thảo “Giải pháp gia tăng nguồn lực thông tin, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành”. Chương trình được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom thu hút sự tham dự của hơn 200 giảng viên, nhà nghiên cứu phụ trách hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Tham dự chương trình, về phía đại biểu đối tác có sự hiện diện của ông Ing Benn – Đại diện Viện Thông tin Khoa học (ISI) tại khu vực Đông Nam Á; Bà Nguyễn Thị Bạch Dương – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Phát triển văn hóa (CDIMEX), cùng các chuyên gia Công ty CDIMEX.
Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự tham dự và chủ trì của PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; ThS. Trần Thị Thúy Kiều – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Thư viện; đại diện Trưởng/Phó các Khoa/Viện nghiên cứu, đặc biệt là sự có mặt của gần 200 giảng viên và cán bộ nghiên cứu toàn trường tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Như chúng ta biết, nguồn tin khoa học và công nghệ là nguồn lực đầu vào quan trọng phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, góp phần xây dựng nền kinh tế – xã hội của đất nước. Trong thời đại công nghệ số việc phát triển nguồn tin khoa học công nghệ tại các Trung tâm Thông tin – Thư viện có sự thay đổi lớn; điển hình như từ mô hình xuất bản nguồn tin khoa học tới phương thức bổ sung, khai thác là nền tảng vững chắc để hỗ trợ cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên có thêm nguồn lực thực tế thực hiện các nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm ứng dụng, đồng thời đảm bảo ngưỡng an toàn thông tin KHCN quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng tin khai thác sử dụng trong thời đại công nghệ số.
Hội thảo nhằm hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện công cụ Web of Science, đồng thời chia sẻ và giải đáp, tìm ra các giải pháp tối ưu nhằm thúc đẩy công trình nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên để từ đó gia tăng nguồn lực nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Đồng thời, hỗ trợ tối ưu hóa chất lượng công trình nghiên cứu theo các tiêu chuẩn học thuật quốc tế trong việc công bố quốc tế/xuất bản công trình nghiên cứu.
PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại hội thảo có 3 tham luận được trình bày:
(1) Ông Ing Benn – Đại diện Viện Thông tin Khoa học (ISI) tại khu vực Đông Nam Á chia sẻ các công cụ và dữ liệu của WOS dành cho nghiên cứu viên và toàn thể người dùng; vấn đề liên quan đến xếp hạng trường đại học; đánh giá và xếp hạng chi tiết từng công bố quốc tế của Nhà trường. Để từ đó nâng cao vị trí, thứ hạng và tầm vóc của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trên các bảng xếp hạng trong nước và quốc tế, khẳng định được chất lượng và sự đầu tư trong khoa học của Nhà trường;
Ông Ing Benn – Đại diện Viện Thông tin Khoa học (ISI) tại khu vực Đông Nam Á
(2) Bà Trương Thị Thanh Ngân – Chuyên viên WoS Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Phát triển văn hóa tham luận chuyên đề: “Công cụ hữu ích trong phát triển nghiên cứu khoa học trường đại học” nhằm gia tăng nguồn lực, trang bị về nguồn tài liệu khoa học chất lượng cao; đối sánh hiệu suất khoa học giữa các cơ sở nghiên cứu/đào tạo,…
Bà Nguyễn Thị Bạch Dương – Phó Tổng Giám đốc CDIMEX
(3) ThS. Trần Thị Thuý Kiều – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Thư viện với chuyên đề: “Nguồn lực thông tin KHCN hỗ trợ hoạt động nghiên cứu tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành”, cụ thể như: cơ sở dữ liệu nội sinh, cơ sở dữ liệu uy tín trong và ngoài nước được Trường mua quyền truy cập, cơ sở dữ liệu quốc tế được thụ hưởng từ dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hệ thống dữ liệu thông tin KHCN của trường đã kết nối với Mạng thông tin KHCN Thành phố Hồ Chí Minh và thư viện số dùng chung của các trường đại học Việt Nam, các cơ sở dữ liệu Open Access. Để từ đó cung cấp một cái nhìn thực tế về việc ứng dụng thư viện số trong hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học tại Trường. Với hệ thống này, giảng viên – cán bộ nghiên cứu và sinh viên sẽ rất thuận tiện trong truy xuất tiếp cận với những nguồn tài liệu tin cậy để có được những thông tin chính xác và chất lượng về đề tài nghiên cứu của mình; Thư viện cũng chủ động hơn trong việc phục vụ nhu cầu bạn đọc một cách chính xác, kịp thời. Đồng thời khuyến nghị người dùng tìm kiếm, thu thập nguồn tài liệu số miễn phí và hợp pháp sẵn có để làm phong phú thêm nguồn thông tin cho sản phẩm khoa học.
ThS. Trần Thị Thuý Kiều – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Thư viện trình bày tham luận
Cùng với sự phát triển của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong suốt chặng đường 23 năm, Trung tâm Thông tin – Thư viện đã có nhiều bước phát triển vượt bậc cùng với việc đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật theo tiêu chuẩn hiện đại, đội ngũ cán bộ yêu ngành, yêu nghề và sự quan tâm đầu tư đúng mức của lãnh đạo Nhà trường đã góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi lớn chuyển đổi một thư viện truyền thống lạc hậu đến thư viện điện tử. Nhà trường đã đầu tư xây dựng 3 Thư viện với hơn 5000 m2 khang trang, hiện đại với khoảng 100.000 bản sách, 18 cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế có uy tín, là thành viên của mạng Thông tin khoa học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và dự án thư viện điện tử dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Qua đó có thể thấy, nguồn lực thông tin đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý và nghiên cứu khoa học là cơ sở để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông tin, căn cứ để hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thông tin thư viện. Mọi lĩnh vực hoạt động của giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học sẽ không thực hiện được hoặc thực hiện không có hiệu quả nếu thiếu thông tin và tri thức. Vì vậy, vai trò của nguồn lực thông tin trong hoạt động của Trung tâm Thông tin – Thư viện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Ngọc Giàu (Phòng Khoa học Công nghệ)