Hành trình “Về nguồn” Côn Đảo của Đảng bộ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
NTTU – Những ngày này, trong tiết trời tháng ba âm lịch, mọi người thường nhắc nhau câu chuyện tưởng nhớ, tôn vinh nguồn cội. Về với nguồn cội là về với khởi sinh gốc gác, dòng dõi, là về với những gì là tạo lập, là gầy dựng cho sự tồn tại, vươn tới của đất nước, cộng đồng và gia đình. Về nguồn cội không chỉ là về với những giá trị, vẻ đẹp của một địa danh, điểm đến, mà về với bao nhiêu câu chuyện lịch sử, truyền thống đan xen, trải qua những thời gian, không gian xưa, đến gần đây, bây giờ và cả sau này. Hoà cùng ý nghĩa của nguồn cội và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức hành trình “Về nguồn” tại vùng đất linh thiêng Côn Đảo
Trên bản đồ địa lý, Côn Đảo có hình thể rất giống một con trâu cày ruộng của nhà nông. Lưng trâu quay về phía cửa sông Hậu. Bụng là vùng mặt tiền của thị trấn, nhìn ra biển Đông. Cổ là vùng Cỏ Ống, giáp vịnh Đông Bắc. Đầu là vùng Đầm Tre. Hai chân trước là mũi Cỏ Ống và mũi Lò Vôi. Hai chân sau vươn ra mũi Cá Mập và Hòn Bà. Côn Đảo nằm ở vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Châu Âu và Châu Á, chỉ cách đường hàng hải Quốc tế (trục Bắc – Nam) có 60 km. Từ Côn Đảo, tàu thuyền ngược lên phía Bắc Á như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hải Nam, Thẩm Quyến, Hồng Kông. Nếu xuôi xuống Nam là đến các nước Đông Nam Á như: Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan. Về lịch sử hình thành Côn Đảo, qua các di chỉ khảo cổ cho thấy, cách đây bốn năm ngàn năm, Côn Đảo đã có những cộng đồng người Việt định canh, định cư. Dấu tích những làng xưa nhất còn để lại ở vùng An Hải, An Hội, Cỏ Ống trên Côn Lôn hay xóm Bà Thiết ở Hòn Cau. Tuy nhiên, đến thế kỷ 19 thực dân Pháp xâm chiếm, biến Côn Đảo thành một nhà tù khổng lồ, trở thành “địa ngục trần gian” giam giữ hàng trăm nghìn người yêu nước Việt Nam.
Bản đồ mô phỏng vùng đất Côn Đảo được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo
Chuyến “Về nguồn” 3 ngày, từ ngày 01/04/2022 đến 03/04/2022, tuy đã kết thúc nhưng cảm xúc vẫn lắng đọng mãi trong lòng các cán bộ, đảng viên của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Đó là sự bồi hồi, là khoảnh khắc nghẹn lòng khi đặt chân đến vùng địa linh Côn Đảo. Có đến nơi này, chúng ta mới thấy hết được sự tàn bạo của ngục tù Côn Đảo. Trong chốn lao tù này, các chiến sĩ cách mạng không chỉ mất tự do mà còn chịu nhiều nhục hình dã man, đày đoạ khổ sai, đói khát và bệnh tật hành hạ kéo dài ngày này qua ngày khác. Mỗi nhà lao ở Côn Đảo thật sự là một tầng địa ngục với những kiểu tra tấn, áp đảo tinh thần lẫn thể xác.
Cán bộ Đảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chụp hình tưởng nhớ tại Trại Phú Tường
Được nghe thêm qua lời kể truyền cảm của thuyết minh viên, mỗi cán bộ, đảng viên Trường, ai cũng bồi hồi, xúc động và đã có lúc bật khóc khi được chứng kiến những di tích “địa ngục trần gian”: Trại tù Phú Hải, trại Phú Tường, trại giam Phú Bình, khu chuồng cọp Mỹ, khu biệt lập chuồng bò… Hình ảnh những phòng giam tập thể với cùm sắt, dây kẽm gai, xà lim đá ngột ngạt, chuồng cọp, hầm xay lúa… với những đòn tra tấn dã man, rắc vôi bột, tạt nước để thân thể người tù bị bỏng, hay như ngâm thân thể dưới hầm phân bò cho lở loét …cùng những câu chuyện mà chúng ta càng nghe càng cảm phục tinh thần yêu nước, sự quả cảm, ý chí bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cách mạng, của các bậc anh hùng tụ hội với những tên tuổi gắn với lịch sử của cách mạng Việt Nam như: Lê Hồng Phong, Phan Chu Trinh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu,… cùng biết bao chiến sĩ cách mạng đã hy sinh thầm lặng cho dân tộc Việt Nam:
“Trước cái chết con người vĩ đại
Bao nhỏ nhen, tầm thường không đất sống
Hàng trăm con người trong xà lim, chuồng cọp
Nhường cho nhau chút ít ỏi nắng trời
Nhường cho nhau chút gió thoảng qua
Nhường cho nhau từng nắm cơm, tấm áo
Trước mặt kẻ thù lại khác
Giành nhau đỡ làn roi vọt
Giành nhau lên đoạn đầu đài
Mà lòng không một chút đắn đo”.
Cầu tàu 914, cũng là một minh chứng lịch sử nổi tiếng cho cuộc vượt ngục đầu tiên của những người chiến sĩ cách mạng bị đày ra Côn Đảo. Con số 914 được đặt tên cho cầu tàu này là do những người tù còn sống nhẩm tính từng đó người tù đã ngã xuống trong quá trình xây dựng cầu tàu này, nhưng thực tế con số người ngã xuống lớn hơn nhiều.
Cán bộ Đảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dâng hoa viếng thăm và dâng hương tại Nghĩa Trang Hàng Dương
Tại Nghĩa trang Hàng Dương, sau những lời điếu văn cảm động, tri ân sâu sắc của đồng chí Nguyễn Mai Lan – Bí thư Đảng uỷ Trường, Đoàn đã xúc động dâng hương tưởng nhớ hàng nghìn chiến sĩ cách mạng, những người tù yêu nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mỗi nấm mộ là một chứng tích về thời kỳ hào hùng và bất khuất với những đòn tra tấn nhục hình, đói khát và bệnh tật hành hạ nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn nuôi dưỡng ý chí, niềm tin và biến nơi đây thành trường học cách mạng, là nơi rèn luyện ý chí đương đầu với kẻ thù. Bài hát “Nhớ ơn Chị Võ Thị Sáu” thầm vang trong lòng, càng làm xao xuyến thổn thức đến tận cùng trong không gian linh thiêng của Nghĩa trang. Bức di ảnh được tạc bằng đá trắng, với hình ảnh lá cờ Đảng và cờ Tổ Quốc đang tung bay trước mộ Cô Sáu, đã làm nhiều thành viên trong Đoàn phải bùi ngùi thán phục sự trắng trong, khí phách dũng cảm của người con gái miền Đất đỏ, khi mới 16 tuổi đã làm bao kẻ thù run sợ và hi sinh anh dũng khi tuổi đời tròn 19.
Ngày nay, Côn Đảo còn xứng danh là một di sản văn hóa tâm linh hướng thiện và nhân văn của cộng đồng cùng nhiều di tích lịch sử như: Chùa Miên (ở Sở Tiêu), chùa Hoà Hảo (trên đường đi Bến Đầm), Hoà Sơn Tự (khởi công năm 1967), Vân Sơn Tự (trên núi Một, khởi công năm 1965); miếu Bà An Hội (thờ bà Nguyễn Thị Thân, còn gọi là chùa Bà), miếu Bà – Cậu (An Hải, thờ bà Phi Yến và con trai là Hoàng tử Cải), miếu Cậu (Cỏ Ống, thờ Hoàng tử Cải), miếu Bà (Cỏ Ống, thờ bà Phi Yến), miếu Cô Sáu (nghĩa địa Hàng Dương), miếu Bà – Cậu (Bến Đầm)… Đây là những địa chỉ văn hoá tâm linh không chỉ Đoàn cán bộ, đảng viên của Trường mà du khách cả trong và ngoài nước thường viếng thăm khi đến với Côn Đảo và trò chuyện cùng những con người Côn Đảo hiền hoà, thân thiện, yêu lao động.
Cán bộ Đảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chụp hình kỉ niệm tại di tích Thiếu Gia Miếu (Miếu Cậu)
Tạm biệt Côn Đảo, Đoàn trở về đất liền, tạm biệt một phần máu thịt của non sông, tạm biệt những người con ưu tú của Tổ quốc… Hành trình “Về nguồn” Côn Đảo đã mang lại ý nghĩa thiết thực, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành, thấu hiểu sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và tự nhủ lòng sẽ cố gắng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để tiếp nối ngọn lửa nhiệt huyết, cống hiến hết sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với bao xương máu cha anh đã đổ xuống cho sự nghiệp giải phóng quê hương.
Một số hình ảnh khác của hoạt động
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành