Giảng viên Khoa truyền thông sáng tạo tham dự hội thảo về truyền thông ở ĐH Đà Nẵng

NTTU – Trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời đã tạo nhiều cơ hội, giải pháp và những sáng kiến ấn tượng đối với những người làm truyền thông nói chung, truyền thông trường đại học nói riêng, nhưng cạnh đó vẫn còn rất nhiều thách thức. Đó là một trong những nội dung được bàn thảo trong hội thảo “Truyền thông trường đại học trước xu hướng phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo” do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng vừa tổ chức

Với gần 50 bài báo của 89 tác giả đến từ 38 cơ quan chuyên môn, hội thảo là nơi để các nhà nghiên cứu cởi mở trao đổi, bàn luận về truyền thông, về AI và những vấn đề liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông tại các trường đại học trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.

Tại hội thảo, nhiều tác giả trình bày quan điểm, lập luận cũng như ý tưởng về các vấn đề xoay quanh truyền thông trường đại học như: AI và ứng dụng AI trong giảng dạy truyền thông, một số biện pháp nâng cao hiệu quả truyền thông trường đại học và cả những vấn đề đang được nhiều người quan tâm như đạo đức truyền thông, khủng hoảng truyền thông tại các trường đại học…

Nhóm giảng viên Khoa Truyền thông sáng tạo – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham dự hội thảo

Trong số các bài báo nói trên, có đến 4 bài báo của 5 giảng viên khoa Truyền thông sáng tạo, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Cụ thể, ThS. Nguyễn Đức Dũng và ThS. Lê Kim Hậu có bài viết “Xu hướng đào tạo sinh viên ngành truyền thông theo mô hình đa phương tiện”; ThS. Nguyễn Thị Phương Dung đóng góp bài viết “Truyền thông đa phương tiện: Loại hình nghệ thuật mới”; ThS. Nguyễn Thị Huỳnh Giao với bài viết “Đào tạo nguồn nhân lực sản xuất sản phẩm truyền thông số trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu” và TS. Nguyễn Thị Thoa là tác giả của “Tiếp cận công chúng truyền thông hiệu quả ở các trường đại học trong bối cảnh công nghệ số”.

Những bài viết của các giảng viên Khoa Truyền thông sáng tạo đều bám sát một trong những vấn đề cốt lõi của hội thảo. Trong đó, nhấn mạnh các yếu tố liên quan đến tiếp cận công chúng truyền thông và cách thức đào tạo Truyền thông đa phương tiện mang tính mới mẻ, hiện đại.

Tại hội thảo, PGS.TS. Phan Cao Thọ – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Hội thảo là cơ hội để các đại biểu tham dự cùng nhau chia sẻ, tiếp thu những vấn đề mới và đưa vào hoạt động thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông tại mỗi đơn vị, phục vụ mọi hoạt động, đặc biệt công tác tuyển sinh và xây dựng, phát triển học hiệu của các cơ sở giáo dục đại học”. “Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, vấn đề truyền thông trường đại học đóng vai trò then chốt, không chỉ trong việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu của nhà trường, mà còn góp phần nâng cao uy tín, vị thế của trường trong cộng đồng”, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn – Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh.

ThS. Nguyễn Thị Huỳnh Giao, giảng viên Khoa Truyền thông sáng tạo trao đổi ý kiến tại hội thảo

PGS.TS. Phan Cao Thọ trao giấy chứng nhận cho các giảng viên Khoa Truyền thông sáng tạo – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham dự hội thảo

Tin: TS. Nguyễn Thị Thoa

Tin tức khácXem thêm