Giảng viên khoa Kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giảng bài trực tuyến cùng giảng viên các trường đại học tại Đông Nam Á
NTTU – Trong ba ngày 09, 13 và 14/05/2025, khoa Kỹ thuật xây dựng (KTXD) – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU) đã đồng tổ chức thành công chương trình “2025 ASEAN Online Lecture Exchange in Structural Engineering” cùng với Bộ môn Kỹ thuật xây dựng – Adamson University (AdU) – Philippines và khoa Kỹ thuật xây dựng và quy hoạch – Petra Christian University (PCU) – Indonesia. TS. Lê Hải Đăng, đại diện khoa KTXD – NTTU, cùng với TS. Nolan Concha (AdU) và TS. Jimmy Chandra (PCU) đã mang đến một bầu không khí trao đổi học thuật và chuyên môn sôi nổi giữa các giảng viên, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận kiến thức mới cho sinh viên của ba trường với những chủ đề quan trọng và thú vị trong lĩnh vực Kết cấu công trình. Chương trình được tổ chức với hình thức trực tuyến.
TS. Nolan Concha – Bộ môn Kỹ thuật xây dựng – AdU – Philippines trình bày chủ đề “Development of Interaction Diagrams for the Analysis of RC Columns”
Buổi giảng bài đầu tiên do TS. Nolan Concha từ AdU trình bày với chủ đề “Development of Interaction Diagrams for the Analysis of RC Columns”. Đây là một chủ đề rất quan trọng trong lĩnh vực thiết kế công trình bê tông cốt thép và hiện nay đang được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học trên khắp thế giới. TS. Nolan Concha đã trình bày từ các kiến thức nền tảng đến nâng cao, tạo nên bầu không khí trao đổi học thuật và chuyên môn sôi nổi, hấp dẫn. Nhiều câu hỏi thú vị đã được đặt ra, xoay quanh ý nghĩa thực tiễn của phương pháp biểu đồ tương tác trong thiết kế cột bê tông cốt thép. Hiện nay, nội dung này cũng đã được lồng ghép vào chương trình giảng dạy của khoa, cụ thể là trong học phần Kết cấu bê tông cốt thép 1. Nhiều sinh viên của khoa KTXD đã áp dụng phương pháp này trong Đồ án tốt nghiệp, nhằm so sánh kết quả tính toán với các phương pháp thiết kế thông dụng khác.
Tiếp sau đó, ngày 13/05/2025, TS. Lê Hải Đăng (NTTU) đã mang đến nhiều kiến thức thú vị trong bài giảng về “Wind Tunnel Testing for Highrise Buildings and Bridges”. Bài giảng khơi gợi niềm đam mê về thiết kế nhà nhiều tầng và cầu trong sinh viên khi mô hình thí nghiệm hầm gió được áp dụng trên những công trình thực tế được giới thiệu. Cụ thể, TS. Lê Hải Đăng cũng đã tham gia thí nghiệm hầm gió trên mô hình của cầu dây văng South Channel Bridge có chiều dài 1800 m bắc ngang Vịnh Manila (Philippines) với nhịp chính dài đến 900 m cũng được đề cập. Thử nghiệm trong hầm gió được sử dụng để đánh giá tải trọng gió tác động lên công trình, phân tích dao động, phản ứng động học (dynamic response), kiểm tra sự ổn định kết cấu, phát hiện hiện tượng cộng hưởng, rung xoáy (vortex shedding) cho các công trình cao, mảnh, đặc biệt là các công trình có hình dạng đặc biệt. Đây là một chủ đề mang tính thời đại vì hiện nay chỉ có một số phòng thí nghiệm lớn mới có đủ điều kiện để trang bị hầm gió.
TS. Lê Hải Đăng đại diện khoa KTXD – NTTU trình bày chủ đề “Wind Tunnel Testing for Highrise Buildings and Bridges”
Cuối cùng, TS. Jimmy Chandra (PCU) đã kết lại chuỗi sự kiện với bài giảng về “Precast Concrete Element Connections” đã thu hút sự chú ý đặc biệt vì tính mới mẻ và có nhiều ý nghĩa thực tiễn trong lĩnh vực xây dựng hiện nay khi đáp ứng các yêu cầu cơ bản như rút ngắn tổng tiến độ dự án, chất lượng các cấu kiện được quản lý hiệu quả trong nhà xưởng và đặc biệt là giảm các tác động lên môi trường. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho TS. Jimmy Chandra. Bạn Phạm Đức Tấn, sinh viên lớp 22DXD1C – Khoa KTXD, đã đặt câu hỏi về những bất lợi khi áp dụng công nghệ đúc sẵn, lắp ghép trong xây dựng công trình bêtông cốt thép, đặc biệt là tại Indonesia, được biết đến là khu vực thường xuyên xảy ra động đất. Đáp lại, TS. Jimmy Chandra cho biết so với công trình đổ tại chỗ, công trình lắp ghép sẽ gặp vấn đề tại các vị trí nối các cấu kiện làm giảm tính toàn khối của toàn công trình. Hiện nay, công nghệ này cũng chưa được sử dụng rộng rãi tại Indonesia. Việc nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ này đang được thực hiện. TS. Jimmy Chandra đã giới thiệu nhiều nghiên cứu quy môn được thực hiện bài bản trong phòng thí nghiệm. Ví dụ, TS. Jimmy Chandra đã chia sẻ các thí nghiệm về khả năng chịu tải của cấu kiện cột bê tông cốt thép dưới các điều kiện như: “static monotonicanalysis”, “cyclic pushover analysis” và “time-history analysis”. Bài giảng đã giúp sinh viên có thể tiếp cận được với các cơ chế làm việc và phá hoại thực tế của các cấu kiện như cột bêtông cốt thép dưới tác động của tải trọng động đất.
TS. Jimmy Chandra – Khoa Kỹ thuật xây dựng và quy hoạch – Petra Christian University (PCU) – Indonesia nhận được nhiều câu hỏi từ sinh viên khoa KTXD – NTTU trong chủ đề về “Precast Concrete Element Connections”
Giảng viên và sinh viên các bên chụp hình lưu niệm trong chuỗi sự kiện “2025 ASEAN Online Lecture Exchange in Structural Engineering”
Với hơn 100 sinh viên đăng ký tham gia chuỗi sự kiện này, sinh viên khoa KTXD đã thể hiện tinh thần ham học hỏi và tiếp cận với kiến thức mới từ các chuyên gia và giảng viên quốc tế. Chuỗi giảng bài trực tuyến trong khuôn khổ chương trình “2025 ASEAN Online Lecture Exchange in Structural Engineering” với sự tham gia của Khoa/Bộ môn từ ba trường đại học tại khu vực Đông Nam Á đánh dấu một bước tiến quan trọng trên con đường quốc tế hóa của Khoa KTXD – NTTU. Sự kiện lần này là cơ hội cho sinh viên khoa tiếp cận và làm quen với môi trường học tập quốc tế qua đó khích lệ tinh thần học tập và nâng cao khả năng tiếng Anh cho sinh viên.
Nguyễn Thuế Quý (khoa Kỹ thuật xây dựng)