ĐH Nguyễn Tất Thành: Đào tạo gắn với nghiên cứu, sản xuất và cung ứng sản phẩm

Sáng 09/09/201, các thầy cô trong Ban lãnh đạo Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và sinh viên khoa Công nghệ sinh học đã có buổi tham quan, trải nghiệm và thu hoạch nông sản ở Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ĐH Nguyễn Tất Thành tại Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh Đắk Nông.

Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Đại học Nguyễn Tất Thành có tổng diện tích là 2.8 ha. Trong đó 1,1 ha là trồng cà phê TR4. Giống cà phê TR4 là một trong những chọn lựa hàng đầu của bà con nông dân với khả năng sinh trưởng mạnh, kháng bệnh gỉ sắt tốt và cho năng suất cao, có thể lên tới 10 tấn nhân/ha.

Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Đại học Nguyễn Tất Thành còn dành 0.7 ha trong tổng diện tích đất canh tác để trồng giống bơ BLĐ 034. Giống bơ này hiện đang được bà con nông dân phản hồi rất tốt vì đem lại năng suất cao, chịu được sâu bệnh, tỷ lệ đóng trái cao và cho thu hoạch gần như quanh năm, có thể xem là giống bơ trái vụ nên hiệu quả kinh tế rất lớn. Hệ thống tưới cây cà phê và bơ mà trung tâm sử dụng là hệ thống tưới tự động quấn gốc, tiết kiệm nước, và có thể tưới phân qua hệ thống tưới.

PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng và SV khảo sát giống bơ BLĐ 034 1 năm tuổi tại  Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao ĐH NTT

Tại đây còn có một khu Thực nghiệm Nông nghiệp Công nghệ cao trồng rau sạch theo mô hình nhà kính rộng 1.0 ha. Khu nhà kính này hiện có 1.000 cây cà chua beef  và 1.000 cây ớt nhật. Hai loại cây trồng này đều được trồng theo công nghệ của Hà Lan, sử dụng hệ thống tưới của Israel, và bón phân bằng hệ thống nhỏ giọt tự động.

Sinh viên đang thu hoạch cà chua beef 

Tổng sản lượng cà và ớt mà trung tâm thu hoạch được là gần 1 tấn mỗi tháng, có thể thu liên tục trong vòng tám tháng. Vì trồng trong nhà kính nên có thể cách ly các loại sâu bọ, côn trùng và độc tố gây hại đến rau quả. Trường hợp có sâu bệnh, các kỹ sư tại trung tâm chỉ sử dụng thuốc sinh học PV2 của công ty Biocon. Do đó, sản phẩm được thu hoạch tại Cơ sở Nông nghiệp Công nghệ cao Đại học Nguyễn Tất Thành hoàn toàn là sản phẩm sạch, không hề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành,

giới thiệu về giống ớt Nhật cho sinh viên 

Ngoài Cơ sở Nông nghiệp Công nghệ cao Đại học Nguyễn Tất Thành, Viện Sinh học Nông nghiệp Tất Thành của trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có nhiều năm nghiên cứu và đưa mô hình trồng rau thủy canh vào ứng dụng thực tiễn. Viện còn trực tiếp ươm tạo giống, nghiên cứu điều kiện canh tác, nhiệt độ, chế độ dinh dưỡng… để tìm phương pháp tối ưu cho năng suất cao. Tất cả những điều này chính là nỗ lực không ngừng nghỉ của Ban lãnh đạo nhà trường nói chung, của khu Nông nghiệp Công nghệ cao Đại học Nguyễn Tất Thành, cũng như Viện sinh học Nông nghiệp Tất Thành nói riêng trong việc đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn rau quả sạch cho người dân.

Sinh viên đến với trường ĐH Nguyễn Tất Thành không chỉ được trang bị kiến thức về lý thuyết mà còn được rèn luyện về kỹ năng, được thực hành thực tế ngay trong quá trình học. Đặc biệt, Khoa Môi trường – Thực phẩm – Hóa đã đồng hành cùng nông dân với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến được cập nhật từ Thái Lan, tạo ra các sản phẩm từ nguồn nông sản cho năng suất cao như: chanh sấy đen nguyên trái, dưa chuột An Giang dầm giấm với hạt mù tạc, tương ớt, tương cà miền Tây, bưởi Bến Tre tách múi đóng hộp, cider táo xanh Ninh Thuận… Đặc biệt, sinh viên ngành Công nghệ Thực phẩm với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các thầy cô trong khoa hiện có thể tự làm bánh mì và bán thực nghiệm tại trường.

TS. Lê Quốc Tuấn, Trưởng Khoa Môi trường – Thực phẩm – Hóa, hướng dẫn SV ngành Công nghệ Thực phẩm

làm bánh mì tại dây chuyền sản xuất bánh mì của Khoa

Ngoài ra, nhiều mô hình khởi nghiệp của sinh viên Khoa Môi trường – Thực phẩm – Hóa dưới sự hướng dẫn của TS. Lê Quốc Tuấn đã cho ra mắt nhiều ý tưởng khởi nghiệp mang tính đột phá từ những sản phẩm truyền thống, ứng dụng công nghệ tiên tiến và cập nhật phù hợp với điều kiện, con người Việt Nam.

ĐH Nguyễn Tất Thành không chỉ là nơi đào tạo, mà còn là môi trường nghiên cứu hiện đại cho sinh viên, cán bộ giảng viên nhà trường theo đúng triết lý đào tạo: “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp”.

Bài: Thanh Hương

Ảnh: Tiến Thành

Tin tức khácXem thêm