Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa Viện Vi mạch bán dẫn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Bệnh viện Thống Nhất

NTTU – Ngày 22/7 vừa qua, tại Bệnh viện Thống Nhất đã diễn ra buổi làm việc giữa Viện Vi mạch Bán dẫn – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Bệnh viện Thống Nhất, nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động y tế, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển đội ngũ nhân lực và gia tăng giá trị thực tiễn cho cộng đồng.

Về phía Bệnh viện Thống Nhất, buổi làm việc có sự tham dự của PGS.TS.BS. Lê Đình Thanh – Giám đốc Bệnh viện, PGS.TS.BS. Võ Thành Toàn – Phó Giám đốc Bệnh viện cùng lãnh đạo các khoa, phòng chuyên môn. Đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Trần Viết Thắng – Viện trưởng Viện Vi mạch Bán dẫn kiêm Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, TS. Nguyễn Hữu Thuần Anh – Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, cùng các nghiên cứu viên và nghiên cứu sinh thuộc Viện.

Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng và đại diện lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất trao đổi thông tin về các nội dung hai bên sẽ hợp tác 

Tại buổi làm việc, hai bên đã giới thiệu những tiềm năng nổi bật trong nghiên cứu và ứng dụng, đồng thời chia sẻ các định hướng hợp tác chiến lược trong thời gian tới. Đại diện Viện Vi mạch Bán dẫn, PGS.TS. Trần Viết Thắng đã trình bày ba hướng nghiên cứu trọng điểm hiện nay của Viện, bao gồm: ứng dụng IoT và AI trong công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các thiết bị y tế thông minh; và thiết kế – chế tạo vi mạch bán dẫn. Trong đó, Viện đã và đang triển khai nhiều đề tài cấp Bộ và cấp tỉnh, tiêu biểu như hai bằng độc quyền sáng chế liên quan đến thiết bị đo điện tâm đồ (ECG) sử dụng năng lượng thu hoạch – một bước tiến nổi bật trong việc hiện thực hóa các thiết bị y tế không dây, tiết kiệm năng lượng và dễ triển khai ở nhiều môi trường khác nhau.

Vi mạch bán dẫn hiện đang đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các thiết bị y tế thông minh, từ máy đo sinh hiệu, cảm biến đeo theo dõi sức khỏe, đến các thiết bị cấy ghép điều trị. Với khả năng xử lý tín hiệu nhanh và tiêu thụ điện năng thấp, các chip bán dẫn cho phép thu thập, phân tích và truyền tải dữ liệu sinh học theo thời gian thực – điều đặc biệt quan trọng trong việc giám sát và điều trị từ xa. Trên thế giới, vi mạch còn được ứng dụng trong các thiết bị xét nghiệm di động (lab-on-a-chip), hỗ trợ chẩn đoán sớm, điều trị cá nhân hóa và giảm tải cho các cơ sở y tế truyền thống. Tại Việt Nam, một số đơn vị nghiên cứu đã bước đầu làm chủ thiết kế các vi mạch chuyên dụng phục vụ đo sinh hiệu và kết nối thiết bị với hệ thống quản lý y tế thông minh – mở ra nhiều tiềm năng ứng dụng trong bệnh viện và cộng đồng.

Xuất phát từ những nền tảng đó, hai bên đã thống nhất chủ trương sớm ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các nội dung cụ thể như: phối hợp thử nghiệm lâm sàng các thiết bị công nghệ do Viện nghiên cứu phát triển; cùng nhau đề xuất, thiết kế các thiết bị trị liệu hoặc hỗ trợ điều trị phù hợp với nhu cầu thực tế tại bệnh viện; hợp tác công bố quốc tế các công trình nghiên cứu liên ngành; và tổ chức các hội thảo chuyên đề xoay quanh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực y tế hiện đại.

Buổi làm việc diễn ra trong không khí chân thành, cởi mở và mang tính xây dựng, thể hiện rõ tinh thần cầu thị và khát vọng phát triển của cả hai đơn vị. Sự kết nối giữa khối nghiên cứu – đào tạo và khối điều trị – ứng dụng thực tiễn hứa hẹn sẽ mang đến những đổi mới đột phá, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, phục vụ hiệu quả cho sự phát triển bền vững của ngành y tế trong kỷ nguyên số.

Viết Phan – Phòng KHCN

Tin tức khácXem thêm