Đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Đã đến lúc phải để cho sinh viên tự làm
Hiện nay, nhiều trường, cơ sở đào tạo các ngành về dịch vụ du lịch vẫn đang chú trọng quá nhiều vào đào tạo lý thuyết mà ít có thực hành… đúng nghĩa. Đây cũng là điều hạn chế xưa nay, đã được bàn – nói đến rất nhiều.
Nhóm sinh viên thực hiện “Gala” tốt nghiệp với chủ đề: “Ambition – Theo đuổi đam mê”
Làm “Gala” để tốt nghiệp
Tình trạng trên dẫn tới hậu quả là khi sinh viên tốt nghiệp, đến các doanh nghiệp làm việc thì đều phải đào tạo lại. Theo phản ánh của các doanh nghiệp thì công đoạn này tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí… dẫn tới họ không hài lòng về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong nước.
Trước thực trạng đó, một số trường, cơ sở đào tạo về du lịch đã chú trọng nhiều hơn đến “thời gian thực hành của sinh viên”. Thực tế, điều này đã giúp cho các em trưởng thành rất nhanh và có thể bắt kịp với sự phát triển của ngành Du lịch nói chung và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nói riêng.
Chúng tôi có dịp dự đêm Gala tốt nghiệp của sinh viên năm cuối của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTT), chuyên ngành Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống. Thay vì phải thi tốt nghiệp như truyền thống xưa nay hay nhiều đơn vị hiện đang áp dụng thì các em phải phải lên kế hoạch để tổ chức Gala này.
Để tổ chức đêm Gala, sinh viên Nguyễn Văn Giang (quê Tiền Giang), thành viên của nhóm thực hiện cho biết: “Chúng em phải lên kế hoạch tổ chức thực hiện, tìm nhà tài trợ, thiết kế chương trình và quan trọng là phải bán vé chương trình. Dù rất khó khăn nhưng ngoài chuyên môn thì cần phải có đam mê, như chính slogan mà nhóm đã đặt thì chúng em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Theo đó, đêm Gala Follow Your Passion với chủ đề “Ambition – Theo đuổi đam mê” được nhóm 14 sinh viên lên kế hoạch từ 3 tháng trước. “Ai cũng có nhiệm vụ riêng của mình, tuy nhiên, khâu khó khăn nhất đối với chúng em chính là kêu gọi tài trợ và bán vé. Và rồi, cuối cùng chúng em đã tìm kiếm được các nhà tài trợ bằng bản proposal đầy thuyết phục và ý nghĩa”, Quốc Vy – Nhóm trưởng cho biết.
“Thừa thắng xông lên, ngoài là thực đơn buffet với các món ăn, thức uống phong phú, chúng em còn lên kịch bản chương trình với nhiều nội dung hấp dẫn như: mời một số diễn viên, nghệ sĩ đến để biểu diễn nghệ thuật pha chế (Bartender), ca nhạc, kịch, DJ… trong đêm Gala. Chính vì nội dung hấp dẫn, lại có giá mềm, chỉ với 279 nghìn đồng/vé, nên trong thời gian ngắn, chúng em đã hoàn thành 100% kế hoạch, khi bán sạch 250 vé chỉ sau một thời gian ngắn”, Vy cho biết thêm.
Có mặt tại đêm Gala, chúng tôi ghi nhận sảnh Hoa Sứ, với sức chứa khoảng 300 chỗ ngồi gần như kín hết. Thành công của đêm Gala tốt nghiệp trở nên ý nghĩa hơn, vì đây là biểu hiện cho thấy, sinh viên đã hết sức năng động, sáng tạo trong việc học cũng như thực hành.
Thạc sỹ Phan Thị Ngàn, Trưởng Khoa Du lịch và Việt Nam học (NTT) cho biết: “Lên một dự án và thực hiện thành công chính là bước kiểm duyệt lại tất cả quá trình của các em đã học ở trên giảng đường và thời gian thực tập ở các doanh nghiệp. Các em được vận dụng các kiến thức để làm từ một nhân viên, quản lý bộ phận cho đến khởi nghiệp. Buổi báo cáo chuyên đề ngày hôm nay, có rất nhiều doanh nghiệp tham dự, đây cũng là một kênh quảng cáo năng lực của sinh viên đến với nhà tuyển dụng”.
Thực tập ngay từ năm nhất
Cũng theo Thạc sỹ Ngàn thì: “Sinh viên của trường, khi vào học năm nhất đã có thể thực hành ngay. Hiện, chúng tôi đã xây dựng hệ thống căn tin, nhà hàng hiện đại tại các cơ sở ở quận 12, 4, 7 – là nơi dành cho sinh viên từ năm nhất làm quen với môi trường thực tế. Đến năm thứ 2, cho tới khi tốt nghiệp, các em còn phải trải qua rất nhiều đợt thực tập tại các doanh nghiệp hàng đầu, uy tín trong nước cũng như ở nước ngoài, đặc biệt là chương trình thực tập tại Nhật Bản có lương”.
Căn tin nơi dành cho sinh viên từ năm nhất làm quen với môi trường thực tế
Cũng có mặt trong đêm Gala này, ông Lê Tấn Thành, nguyên Giám đốc khách sạn Continental (Tp.HCM) nhận xét: “Sinh viên của NTT hết sức năng động và sáng tạo, đã dám nghĩ, dám làm và thực hiện được Gala tốt nghiệp như thế này là rất thành công. Điều đó cho thấy, NTT đã chú trọng đến công tác thực hành cho sinh viên, đến khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội”.
Chúng tôi cũng cho rằng, đây có thể là mô hình hay cho các đơn vị, cơ sở đào tạo về du lịch học tập, làm theo, thay vì chỉ có một học kỳ doanh nghiệp hoặc đợt thực tập ngắn ngủi như nhiều nơi đang làm hiện nay.
Ai cũng thấy rằng, khi các em học ở giảng đường là hoàn toàn khác so với những việc làm trong thực tế nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều đơn vị, cơ sở đào tạo chưa dành nhiều thời gian cho sinh viên thực hành. Tuy nhiên, nếu như sinh viên được thực tập ngay từ khi bước chân vào giảng đường thì lại có cách tiếp cận khác. Lúc này sinh viên trở nên “lì đòn” hơn, mạnh dạn hơn, tự tin hơn và ứng xử tốt hơn đối với các tình huống xảy ra trong thực tế.
Theo Baodulich.net
Hồng Quang tổng hợp