(Dân trí) – 6 trường đại học Việt Nam lọt top 400 châu Á
Theo bảng xếp hạng World University Rankings (QS), Việt Nam có 6 trường lọt top 400 đại học châu Á (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, ĐH Bách khoa Hà Nội, Đà Nẵng). Dữ liệu của tổ chức QS còn liệt kê 5 trường đại học năng động và có tiềm năng, trong đó có ĐH Nguyễn Tất Thành
Tại hội thảo: “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam” do Bộ GD&ĐT phối hợp với ĐH QGHN tổ chức sáng nay 11/4, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH QGHN cho biết, hiện nay Việt Nam có 6 trường lọt top 400 đại học châu Á. Đó là: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH QG TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, ĐH Bách khoa Hà Nội, Đà Nẵng.
“Vào năm 2020 Việt Nam có hơn 10 trường đại học vào nhóm 400 đại học Châu Á, 1-2 trường vào nhóm 100 châu Á và 1-2 trường vào nhóm 1000 thế giới” – GS Đức nói.
GS. Đức cho hay, tôi đã nghiên cứu và có nhiều cơ sở để khẳng định đại học Việt Nam đạt mức như vậy vì cả châu Á có 11.900 trường đại học thì top 400 đã vào nhóm 3,5% rồi. Còn trên thế giới có hơn 23.000 trường thì vào nhóm 1.000 tức là đã vào nhóm 5%.
Với mức đầu tư như hiện nay mà có trường đại học được như vậy đã là một nỗ lực lớn. Quyết tâm xa hơn, đến năm 2025 Việt Nam phải có vài trường vào nhóm 500 thế giới.
Theo GS. Đức, trong cơ sở dữ liệu của tổ chức QS, ngoài 6 trường đã nêu ở trên, họ còn liệt kê một số trường đại học năng động và có tiềm năng là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân, ĐH FPT, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, theo thống kê thì Việt Nam vẫn còn nhiều trường có năng lực nghiên cứu tốt hơn nữa như Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Vinh, Học viện Bưu chính Viễn thông… Gần đây, mỗi trường đều công bố được xấp xỉ 100 bài báo trong CSDL Scopus.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội thảo
Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam”, đã tập trung vào việc lựa chọn tổ chức xếp hạng đại học nào cho phù hợp với các trường đại học Việt Nam.
Được biết, trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics…, Việt Nam chưa có trường ĐH nào lọt vào danh sách Top 1000.
Trong khi đó, bảng xếp hạng phân tầng đại học thành ba hạng theo Nghị định do Chính phủ ban hành từ năm 2015 cũng chưa được công bố. Mặt khác, cho đến nay, các cơ sở đại học Việt Nam chưa được xếp hạng một cách có định lượng.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, số lượng trường đại học Việt Nam hiện nay so với 90 triệu dân không phải là nhiều bên cạnh những trường hoạt động tốt thì có điều đáng ngại nhiều trường hoạt động rất kém chất lượng. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm kiểm soát chất lượng thông qua kiểm định chất lượng và yêu cầu các trường phải minh bạch chất lượng.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, giáo dục đại học là bậc đào tạo bậc cao, có vai trò đặc biệt quan trọng với tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội. Do đó, một trong những giải pháp hết sức quan trọng là phải thực hiện xếp hạng đại học một cách minh bạch, tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, sẽ có một tiêu chuẩn chung, chính thức hóa mang tầm quốc gia chứ không phải mạnh trường nào trường đó làm.
Mục tiêu quan trọng nhất trong xếp hạng đại học là chất lượng vì gắn chất lượng với xếp hạng thì mới biết chúng ta đang ở đâu so với thế giới để phấn đấu thêm. Thông qua chất lượng, các trường sẽ tạo được thương hiệu, uy tín nhưng điều quan trọng nhất với trường đại học là phải có trách nhiệm với cộng đồng để xây dựng văn hóa chất lượng.
Bộ trưởng Nhạ đã đưa ra một số vấn đề cần thảo luận liên quan đến tiêu chí xếp hạng, xếp hạng theo tiêu chuẩn nào để phù hợp với Việt Nam? Trong đó lưu ý tới tiêu chí của tổ chức xếp hạng QS vì theo tiêu chí xếp hạng của QS là tập trung nhiều vào trách nhiệm với cộng đồng, đào tạo, khoa học công nghệ. Đây là 3 trụ cột quan trọng đối với giáo dục đại học. Các trường đại học Việt Nam làm sao phải nâng cao chỉ số xếp hạng quốc tế và chỉ số trích dẫn; làm sao để người sử dụng lao động đánh giá tốt về chất lượng lao động…
“Các trường ĐH Việt Nam đang đào tạo những gì mình có thế mạnh chứ không đào tạo theo xu hướng thị trường lao động và không được thị trường đánh giá cao. Nếu không làm tốt thì người học là nạn nhân. Đây là trách nhiệm của các trường đại học” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Theo Dân trí