Đại học khởi nghiệp: Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu khoa học
NTTU – Đó là lời TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã chia sẻ tại Hội thảo Đại học khởi nghiệp do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Công ty cổ phần Tập đoàn Green + tổ chức với chủ đề: “Vai trò của lãnh đạo nhà trường trong Xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp” diễn ra vào ngày 12/5.
Hình thành “văn hoá” khởi nghiệp
Với định hướng là trường đại học ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực, ngay từ những năm đầu thành lập trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tập trung vào công tác khởi nghiệp trong sinh viên. Từ năm 2016, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thành lập Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo khởi nghiệp (NIIC) với mục tiêu là nơi ươm tạo, hỗ trợ những dự án khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên. Song song với đó, Nhà trường đã đưa môn khởi nghiệp vào giảng dạy ở tất cả 51 ngành, trong đó bộ môn Tư duy sáng tạo đã được 10/28 tổng số chuyên ngành được lựa chọn là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Theo TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khởi nghiệp không thể chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn phải xuất phát từ nghiên cứu và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Để thực hiện được việc này, xuất phát điểm là phải thay đổi về mặt chiến lược cũng như tầm nhìn, nhận thức và tư duy của đội ngũ lãnh đạo, giảng viên và sinh viên. Tiếp đó là việc tập huấn, đào tạo về khởi nghiệp rồi đến xây dựng đội ngũ huấn luyện (trainer) để tập thể Nhà trường cùng thực hiện. Từ đó hướng đến mục tiêu cuối là hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp.
TS. Cầm cũng cho biết, bên cạnh môn khởi nghiệp, trong thời gian tới trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ hình thành Module về đổi mới sáng tạo và hướng đến phát triển chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo, đồng thời thí điểm đưa môn học Kỹ năng số và tư duy sáng tạo vào giảng dạy ở bậc đại học, tương lai sẽ là bậc cao học. Ngoài ra, trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp tục thực hiện gắn kết mối quan hệ giữa Nhà trường – Doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu cho đến chuyển giao công nghệ, thương mại hoá sản phẩm.
TS. Trần Ái Cầm cho rằng đối với một đại học khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở việc đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học
Trải qua 24 năm hình thành và phát triển, thực tiễn công tác khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Nhà trường đã được nhìn nhận ngày càng sâu rộng hơn. Điều này có thể thấy rõ qua bề dày thành tích nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Theo thống kê từ năm 2018 đến nay, sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 54 dự án đạt Giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 9 công trình đạt Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 65 công trình đạt Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Cấp Trường và 11 công trình đạt Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka. Trong đó, một số dự án tiêu biểu như: dự án Ứng dụng Bột tảo Spirulina làm thức ăn cho tôm và cải tạo môi trường đạt Giải Quán quân cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020; Dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – Fly Bio”, Dự án “Bộ sản phẩm SOFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn”, Dự án “Ứng dụng vỏ trái cam sau khi lấy nước trong sản xuất tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ ” đạt Giải Nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V, …
Ngoài ra, trường ĐH Nguyễn Tất Thành còn sở hữu nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường và hơn 2.700 công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI/SCOPUS.
Định hướng trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo
Chiến lược phát triển trường ĐH Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030 hướng đến trở thành một trường đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, có tính hội nhập cao, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội nhập và có sức cạnh tranh cao trong thị trường lao động. Góp phần thức để sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, khu vực và Quốc tế.
Để hiện thực hoá mục tiêu chiến lược trên, TS. Trần Ái Cầm khẳng định, công tác đổi mới sáng tạo sẽ không chỉ thực hiện ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ mà còn được Nhà trường áp dụng trong tất cả các lĩnh vực như: quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Theo TS. Cầm, mô hình đại học đổi mới sáng tạo sẽ được trường ĐH Nguyễn Tất Thành vận hành trên 5 trụ cột chính gồm:
-
- Đổi mới Bộ chỉ số quản trị đại học: từ Rule-base đến KPIs và quản trị theo mục tiêu (MBO) (chia sẽ tầm nhìn, mục tiêu và quá trình ra quyết định chiến lược); phát triển mô hình hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trên nền tảng giáo dục số và giáo dục 4.0 nhằm gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người;
- Định hướng đào tạo từ giáo dục nội dung sang giáo dục dục dựa trên CĐR, phát triển CTĐT dựa trên năng lực và đánh giá đạt CĐR của CTĐT giúp người học tốt nghiệp phát triển năng lực khởi nghiệp, phát huy tinh thần và lan tỏa các giá trị khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khả năng hội nhập quốc tế và năng lực học tập suốt đời; hướng đến sự thành đạt và khả năng làm chủ của người học sau tốt nghiệp;
- Duy trì và phát triển đội ngũ nhân sự, các giảng viên, nhà khoa học giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, là những sứ giả giúp truyền cảm hứng, gia tăng giá trị cho người học;
- Phát triển năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và năng lực số dựa trên nền tảng tư duy Design Thinking cho cả người dạy và người học;
- Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua việc tiếp tục đầu tư và phát triển Viện Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo của Trường để ươm tạo và lan tỏa các giá trị văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, văn hoá sở hữu trí tuệ và spin-off.
Với bước đi chiến lược này, trường ĐH Nguyễn Tất Thành tự tin tạo nên cú huých chuyển mình đầy mạnh mẽ, đặc biệt là khi mô hình đại học khởi nghiệp đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang là xu hướng chính của ngành giáo dục đào tạo trong những năm gần đây.
Hồng Quang
Sáng ngày 12/5/2023, tại Hội trường A801 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành – Cơ sở Quận 4, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Công ty cổ phần Tập đoàn Green + tổ chức chương trình Hội thảo Đại học khởi nghiệp với chủ đề: “Vai trò của lãnh đạo nhà trường trong Xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp” nhằm chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/1963-18/5/2023) qua đó chia sẻ những thông tin liên quan đến vai trò của Lãnh đạo Nhà trường trong việc trong dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo và kinh nghiệm xây dựng mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường Đại học.
Thông tin chương trình xem chi tiết TẠI ĐÂY.