Cuộc thi viết “Tri ân người thắp lửa” – Tác giả Phạm Nguyễn Bảo Hân – 22DLG1B
Đừng vội nghĩ … thầy giáo của bạn quá nghiêm khắc!
Khi ở trường, chúng ta thường gặp rất nhiều thầy cô. Có người thì rất vui tính, dễ gần có người lại khá nhạt nhoà,…Nhưng đặc biệt vẫn là những thầy cô nghiêm khắc luôn làm cho sinh viên phải “thẳng lưng” trong những giờ học.
Tôi chắc chắn rằng những bạn đã và đang đi học không ai là chưa từng nghe những lời nói trách mắng của thầy cô như: Tại sao lại ngủ quên?, Tại sao tôi giao bài đến hôm nay vẫn chưa làm?, Nếu em không cố gắng tương lai em sẽ không có,… và rất nhiều câu nói khác hay những hình phạt của thầy cô như phạt làm bài khó nhất, phạt lau bảng cả buổi,…Bản thân tôi khi nhận những hình phạt và những lời nói đó tôi cũng rất buồn và đôi lúc còn khó chịu nữa. Tôi đã nghĩ rằng, cớ gì giảng viên lại gắt với sinh viên như thế, hà cớ gì phải phạt nặng đến như vậy?.
Nhưng khi tôi học môn “Kinh tế vĩ mô” do thầy Vũ Nhật Phương dạy, tôi đã có cái nhìn khác về điều này. Thầy hiền đúng lúc và gắt đúng chỗ, tôi thấy có bạn ngủ trong giờ học thay vì thầy la mắng thì thầy chọn cách nói vài câu vui đùa và bắt bạn lên giải bài tập để bạn hiểu bài và giúp bạn tỉnh ngủ hơn. Thầy còn kể rằng thầy đã từng bị một bạn sinh viên “phốt” nhưng tâm trạng của thầy không hề cáu gắt ngược lại thầy còn làm cả lớp cười vì câu chuyện đó.
Trong mỗi buổi giảng, khi thấy mọi người bắt đầu có dấu hiệu buồn ngủ thầy sẽ tìm một câu chuyện nào đó để lồng ghép vào bài học cho chúng tôi tỉnh táo lại. Trong mỗi buổi học thầy luôn cho chúng tôi làm bài kiểm tra online để chúng tôi có thể củng cố lại bài học đã học và giúp chúng tôi không bị “rơi rớt” kiến thức đến lúc thi cuối kì. Thầy Phương còn là cố vấn học tập của tôi, nhưng không vì thế mà thầy thiên vị chúng tôi hơn so với các bạn lớp khác. Khi tôi tham gia cuộc thi “NTTU Got Logistic Talent”, thầy đã hỏi những câu hỏi vấn đáp chúng tôi rất gắt nhưng tôi hiểu thầy muốn chúng tôi vượt qua được trở ngại để có thể đối đầu với thử thách của đường đời nhiều hơn.
Câu nói “Một gánh sách không bằng một giảng viên giỏi” nó có ý nghĩa rất lớn, không chỉ là một giảng viên mà thầy cô còn là “người lái đò” có trách nhiệm phải cố gắng cho chuyến đò của mình không bị nghiêng ngả trước sóng gió. Mấy ai biết trong suốt chặng đường ấy, thầy cô đã tận tâm, tận lực hi sinh bản thân như thế nào để sinh viên mình có kết quả đạt tốt nhất. Hầu hết các thầy cô nghiêm khắc đều rất khắt khe, kỷ luật, đôi lúc sẽ làm cho chúng ta cảm thấy gò bó và khó chịu. Nhưng hãy nghĩ xem liệu thầy cô có thật sự nghiêm khắc hay không? Nghiêm khắc là một từ mang ý nghĩa nghiêm túc, không dung túng hay bỏ qua một sai sót nào. Nhưng thầy cô luôn cho chúng ta những cơ hội sửa sai, kể cả là những thầy cô khó tính đi chăng nữa. Thầy cô luôn bao dung và tha thứ cho chúng ta mỗi khi chúng ta biết hối lỗi. Điểm thấp, thầy cô sẽ cho chúng ta cơ hội để đạt được điểm cao, phạm lỗi, thầy cô cho chúng ta xin lỗi. Nhưng trường đời thì không thể có như thế được và cũng không hề có bài kiểm tra cuối kỳ, hay khi bạn làm sai bạn được phép sửa sai. Nếu chúng ta mắc lỗi, chúng ta phải đền bù bằng vật chất, bằng cả tiền bạc, có thể mất công việc. Trường đời hà khắc hơn nhiều và “nhẫn tâm” hơn bất cứ nơi nào.
Thầy cô không hề nghiêm khắc như chúng ta nghĩ và nếu có thì tôi tin điều đó cũng chỉ muốn tốt cho chúng ta mà thôi. Mặc dù, tôi biết được học với thầy cô dễ tính thì sẽ cảm thấy vui hơn, tâm trạng sẽ thoải mái hơn so với thầy cô nghiêm khắc nhưng cũng có thể vì sự dễ dãi này sẽ khiến ta ỷ lại, không nghiêm túc trong việc học hành. Vì thế, cách giáo dục nghiêm ngặt sẽ giúp cho chúng ta có nề nếp, kỷ cương hơn. Khi được học bởi những thầy cô như vậy chúng ta sẽ dần trưởng thành hơn. Nói tóm lại, theo tôi thì điều gì cũng có hai mặt tốt và xấu, quan trọng là cách mà chúng ta thích nghi và nhìn nhận vấn đề.
Thay vì ca cẩm hay phàn nàn “Thầy tôi nghiêm khắc quá”. Bạn hãy cám ơn họ vì sự nghiêm khắc ấy đã cho bạn trưởng thành hơn và không mắc phải sai lầm khi vào đời. Hãy gửi đến các thầy cô của chúng ta lời xin lỗi chân thành vì đã quá vội khi trách họ, hay họ quá nghiêm khắc. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 em kính chúc thầy Vũ Nhật Phương cũng như toàn thể giảng viên của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành một ngày hiến chương thật nhiều ý nghĩa, nhiều sức khỏe và tiếp tục chèo lái con đò tri thức, đưa các thế hệ học trò của mình sang sông trong hành trình theo đuổi ước mơ.
Tác giả: Phạm Nguyễn Bảo Hân
MSSV: 2200004898
Lớp: 22DLG1B
NTTU mời bạn bình chọn cho tác phẩm TẠI ĐÂY