Chuyến về nguồn của đoàn đại biểu Đảng bộ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – Điện Biên Phủ – Máu, bùn và hoa
NTTU – Được một lần tới Điện Biên, được thỏa nguyện mong ước của bao năm tháng, chúng tôi – Đoàn đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành – không khỏi bồi hồi, háo hức đến nơi đã diễn ra chiến thắng lịch sử Điện biên Phủ. Chúng tôi luôn tự hào và cảm phục trước sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do được đứng vững như hôm nay. Cảm xúc ấy càng dâng cao hơn bao giờ hết khi chúng tôi đến với Điện Biên trong khoảng thời khắc lịch sử hùng tráng – Cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024)
Đoàn đại biểu Đảng bộ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chụp ảnh trước Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ
Tháng mười hai, Thành phố Điện Biên trong vàng ấm của nắng, trắng trong của mưa, tươi xanh của lá và gió lạnh mùa đông. Những con đường lớn và sạch đưa đoàn chúng tôi đến những khu phố sầm uất đan xen cùng những di tích lịch sử. Điện Biên ngày trước là cả một chiến trường rộng lớn với bao máu xương của quân và dân ta đã đổ xuống, để có được những gì đổi thay hôm nay – hồi sinh và phát triển. Thật vậy, lòng tự hào về chiến thắng “chấn động địa cầu” năm xưa đã và đang tạo một xung lực to lớn cho sự cố gắng vượt lên những khó khăn, làm lành vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương, đất nước hùng mạnh của quân và các dân tộc anh em tại Điện Biên.
Dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng cách mạng đã hy sinh ở Điện Biên Phủ
“Đến Điện Biên, muốn đi đâu thì đi, nhưng trước hết, nên viếng thăm những anh linh bất tử, đã hóa thân vào đất nhé” – Hướng dẫn viên địa phương đã nói vậy với chúng tôi. Anh cũng giới thiệu thêm, hiện có ba nghĩa trang liệt sĩ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Nghĩa trang đồi Độc Lập, Nghĩa trang đồi A1 và Nghĩa trang đồi Him Lam.
Và anh hướng dẫn viên đưa Đoàn chúng tôi đến viếng Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài chiến thắng và Nghĩa trang đồi A1 của Điện Biên.
Đúng là môi trường sống luôn tác động đến con người. Đoàn chúng tôi không sao kìm được cảm xúc dâng trào trong một không gian tĩnh mịch, linh ứng và trang nghiêm cùng hương lan khói tỏa. Đi sau vòng hoa của Bí thư đảng ủy Nguyễn Mai Lan cùng Đảng bộ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành mang dòng chữ “KÍNH DÂNG”, những bước chân của Đoàn bỗng trầm xuống, lệ ngấn, lòng đau thắt lại giữa vọng vang tiếng chuông thờ, cảm thấy mình quá nhỏ bé trước hàng trăm bia mộ chưa biết tên các anh – người chiến sĩ Điện Biên. Vâng, tuy chưa biết tên riêng, nhưng chúng tôi biết các anh có một tên chung: tên của đất nước – Sao năm cánh vàng trên nền cờ đỏ của Tổ quốc. Các anh nằm đó, yên nghỉ dưới bầu trời xanh ngắt của miền Tây Bắc, của mùa ban trắng đọng lắng an bình trong tình yêu thương. Một thoáng tiếng hát vấn vương trong hương khói tỏa, như cất thay tiếng lòng nói cùng các anh: “…Tôi đến thăm anh hoa ban nở trên đồi; Ngôi sao yên lặng trên tượng đài linh thiêng; Anh nằm đó trong tiếng ru quê hương…”.
Cô Huỳnh Thị Kim Oanh, Chánh văn phòng Đảng Ủy Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và các thành viên trong đoàn thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ
“56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”– Dù chúng tôi đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả, hy sinh của những chiến sĩ Điện Biên qua câu thơ đó và bài học trên ghế nhà trường, nhưng trước những hình ảnh, hiện vật quý giá tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi vẫn không thể hiểu nổi vì sao các anh lại chiến đấu quả cảm, phi thường đến thế trong cảnh trường khắc nghiệt, đầy cam go. Càng tự hào hơn, càng kính nể hơn khi chúng tôi đến viếng Đồi A1 lịch sử. Với chất giọng truyền cảm, chị thuyết minh viên đã đưa chúng tôi qua từng cung bậc cảm xúc ngẹn ngào đến dâng trào: lô cốt cây đa cụt, chằng chịt con đường hầm, phòng ngầm chỉ huy, hiểm nguy gai mìn…, có thể nói, mỗi tấc đất nơi đây là một anh linh ngã xuống, đã phủ hồng cho đồi xanh mãi.
Điện Biên trong mùa mưa lạnh xen lẫn nắng vàng ấm áp trên nền xanh núi rừng Tây Bắc kỳ vĩ. Đoàn chúng tôi ai cũng trầm trồ trước những vẻ đẹp thơ mộng, cảm động như tranh của những cung đường từng nghe trong một bài hát: “Bản em lưng chừng núi lưng chừng đèo; Từng bậc thang lên xuống như cung đàn ngân dài; Một lần đi tuần tra anh tới; Gặp em bên suối hát gì; Mà rừng ban nở trắng xinh; Cùng lặng nghe em hát; Những yêu thương cuộc đời…”.
Đang miên man theo dòng xúc cảm, chợt nghe tiếng vang: Đến Mường Phăng rồi ! Sở chỉ huy chiến dịch của Tướng Giáp tài ba đây! Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở độ cao trên 1.000m so với mặt biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, dọc theo một con suối róc rách chạy quanh chân núi Pú Đồn. Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Sở được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại làm việc, bảo đảm hội họp bí mật, an toàn tuyệt đối. Từ hầm chỉ huy xuyên lòng núi đi ra phía sau, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, quân đội ta có thể quan sát toàn thành phố Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh, các cứ điểm đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, và cầu Mường Thanh…. Thế mới thấy được tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.Thế mới biết được đâu là sức mạnh của quân đội ta. Mỗi nơi chúng tôi đi qua, dường như vẫn còn bóng hình của Đại tướng, của những người chiến sĩ Điện Biên, vẫn đang tất bật, hừng hực tinh thần chiến đấu, đánh dấu một thắng lợi được ngợi ca cả năm châu.
Trở về thành phố Điện Biên, Đoàn chúng tôi đến thăm Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên. Một lần nữa xin gửi lời cảm ơn đến Đảng bộ và cô Nguyễn Mai Lan – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, đã cho chúng tôi thỏa nguyện nghĩa tình với người đã khuất, là cha, là mẹ của các con, các cháu tại Trung tâm. Vật chất và tiền mặt (25 triệu đồng) từ Đoàn chúng tôi, được trân trọng tiếp nhận như những món quà tinh thần vô giá, động viên các cán bộ, nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao phó, vượt khó trong công tác dưỡng nuôi trẻ mồ côi.
Thay mặt lãnh đạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Đoàn đã trao những món quà tinh thần vô giá, động viên các cán bộ, nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao phó, vượt khó trong công tác dưỡng nuôi trẻ mồ côi
“Tôi đến thăm anh một sớm mùa xuân; Không gian lặng im trên đài tỏa khói hương; Tôi đến thăm anh hoa ban nở trên đồi…” – Vâng, chúng tôi sẽ lại đến thăm các anh – Những dòng máu anh hùng hòa bùn vào đất cho Ban trắng nở…./.
CHU BẢO HIỆP