Chuyển giao công nghệ, thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu: Thực trạng và nhu cầu

NTTU – Sáng ngày 16/6, tại cơ sở Quận 4, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Tọa đàm “Thực trạng và nhu cầu về chuyển giao công nghệ, thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu”

Tham dự sự kiện, về phía các khách mời có sự hiện diện của Ông Trần Đắc Trung – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc; Ông Nguyễn Thành Huy – Giám đốc Ban KHCN, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc; Ông Võ Trung Âu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp (3AI); Ông Lê Vũ Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ và đại diện các Trung tâm, Vườn ươm khởi nghiệp, các trường Đại học, Cao đẳng trên TP.HCM và khu vực phía Nam, …

Về phía Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Bạch Long Giang – Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp cùng Quý thầy cô là lãnh đạo tại các khoa, viện, phòng ban trong toàn trường.

Gửi lời chào mừng đến các đại biểu tham dự chương trình, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, thực trạng và nhu cầu về chuyển giao công nghệ, thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước, các cơ quan và các cơ sở giáo dục quan tâm đặc biệt. PGS.TS. Trần Thị Hồng hy vọng, thông qua tọa đàm sẽ rút kết được những định hướng hoạt động đúng đắn, đồng thời có sự kết nối với các đơn vị, cơ quan xây dựng những dự án khả thi có tính ứng dụng tại cao trong việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm tại Nhà trường.

PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, thực trạng và nhu cầu về chuyển giao công nghệ, thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước, các cơ quan và các cơ sở giáo dục quan tâm đặc biệt

Tọa đàm cùng lắng nghe phần tham luận đến từ các chuyên gia:

    • Tham luận 1: Thực trạng và một số khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ và thương mại hoá nghiên cứu tại Trường/Viện.
    • Tham luận 2: Thực trạng chuyển giao công nghệ dưới góc nhìn của Cơ quan quản lý.
    • Tham luận 3: Thực trạng thương mại hoá kết quả nghiên cứu từ góc nhìn của doanh nghiệp KH&CN.

Các chuyên gia cho biết, thực trạng chuyển giao công nghệ các nghiên cứu khoa học từ viện, trường đến các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, việc chuyển giao công nghệ các nghiên cứu khoa học từ viện, trường đến các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do vướng mắc về cơ chế, thời gian đầu tư cũng như nguồn kinh phí thương mại hóa lớn cho các nghiên cứu khoa học. Chính vì thế, các doanh nghiệp không mặn mà, xảy ra tình trạng rối loạn khiến việc thương mại hóa sản phẩm gặp thất bại. Phân tích nguyên nhân, các chuyên gia cho rằg là do sự gia tăng thương mại hóa các sản phẩm công nghệ mới, sự phát triển của công ty công nghệ và trung gian thương mại, sự gia tăng của các quy định và chính sách, mô hình kinh doanh và hợp tác công nghiệp – học viện và cuối cùng là tầm quốc tế của thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Trong khuôn khổ tọa đàm đã diễn ra phiên thảo luận mở về chủ đề: Giải pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hoá nghiên cứu; Vai trò và cách thức vận hành tổ chức trung gian kết nối nghiên cứu và thương mại hoá, chuyển giao công nghệ trong Trường/Viện với sự tham gia của Ông Võ Trung Âu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp (3AI); Ông Lê Vũ Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ.

Phiên thảo luận mở diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp và giảng viên

Hiện nay, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang phối hợp cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo chương trình Lab2Market qua sự hợp tác với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK Holdings) từ năm 2023.

Tin: NIIC

Ảnh: Media

Tin tức khácXem thêm