“Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế …. thì chạy vào!”

NTTU – Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì đã có một đội ngũ những con người “bình thường nhưng không bình thường” đứng đầu “chiến tuyến” để đẩy lùi virus Covid-19

Nếu tận mắt chứng kiến thì mới biết sự hy sinh cao cả của đội ngũ y, bác sĩ các bệnh viện trong khi dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành. Đội ngũ “thiên thần áo trắng” trong quần áo bảo hộ, túc trực 24/24, tận tụy phục vụ, hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh. Nếu là người phục vụ sức khỏe cho nhân dân thì bạn mới thấu hiểu hết những khó khăn, vất vã mà bản thân và những đồng nghiệp nỗ lực hết mình và hy sinh thầm lặng để đẩy lùi dịch bệnh.

PGS.TS Lê Thị Kim Nhung, Trưởng khoa Y, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Mỗi sinh viên học ngành y đều biết về lời thề Hypocrate. Mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, mỗi người bác sĩ càng cần phải dấn thân để giúp đỡ cộng đồng”. 

Điều cuối cùng trong 12 điều Y đức ghi rõ: “Thầy thuốc phải hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa người bị nạn, ốm đau tại cộng đồng…”

Dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, để ngăn chặn dịch lây lan vào nước ta, thời gian qua nơi tuyến đầu, những “chiến sĩ áo trắng” đã thầm lặng cùng các lực lượng khác ngày đêm nỗ lực thực hiện tốt việc cách ly tạm thời, điều trị và chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm bệnh hay nghi ngờ nhiễm bệnh. Hơn lúc nào hết, đây là lúc tổ quốc và đồng bào cần đến những cánh tay xung phong ra nơi tuyến đầu, đối mặt trực diện với nguy cơ nhiễm bệnh để có thể bảo vệ cho cả dân tộc Việt Nam trước nguy cơ dịch bệnh. Đó cũng là điều khắc cốt ghi tâm của mỗi Bác sĩ ngay từ khi bước chân vào giảng đường Y khoa.

Một lớp học của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), tâm sự: “Nhớ lại trận dịch cúm gia cầm (H5N1) năm 2004-2005. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời hành nghề y của tôi biết được một bệnh dịch chết người kinh hoàng.

Bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng là những con người bình thường. Ai cũng sợ! Nhưng công việc thì phải làm thôi. Khi đó, thầy Trần Tịnh Hiền là Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, kiêm Trưởng khoa Nhiễm D của bệnh viện, đã tổ chức Khoa Nhiễm D thành một khoa cách ly điều trị bệnh nhân H5N1. Khi đó, mọi điều kiện không được tốt như bây giờ đâu. Thầy Hiền vào khám trực tiếp cho bệnh nhân. Vậy thì đâu có hà cớ gì mà học trò – các bác sĩ như chúng tôi, không vào phòng bệnh làm việc?”

“Cứ như vậy, chúng tôi bước qua nỗi sợ bệnh dịch để tiếp cận gần với bệnh nhân, dần dần hiểu nhiều hơn về bệnh để rồi không còn sợ. Việc điều trị càng ngày càng hiệu quả. Sau đó, chúng tôi trải qua dịch cúm A/H1N1 (năm 2009). Tất cả đã đi qua nhẹ nhàng. Trong đợt dịch lần này, vẫn giữ vững cung cách ấy: không chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng. Mỗi ngày làm việc đều học và hiểu hơn về Covid-19”

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), là một trong những bác sĩ trực điều trị cho hai bệnh nhân Covid-19, cho biết: “Khi biết mình được phân công trực, điều trị cho bệnh nhân Corona, mọi người trong gia đình cũng lo lắng, nhất là, mình có con nhỏ mới 5 tuổi. Tuy nhiên, đây là nghề nghiệp của mình, công việc của một bác sĩ. Là bác sĩ nên mình hiểu rõ các biện pháp phòng bệnh, khử khuẩn, để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào!”

Dịch bệnh là thử thách đồng thời cũng là cơ hội để sinh viên y Khoa luyện tập kĩ năng, thái độ và nhận thức của mình đối với nghề Thầy thuốc , thể hiện trách nhiệm của một người “chiến sĩ sức khỏe” với cộng đồng. Như lời GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh: “Tôi muốn mỗi sinh viên y khoa khi đã có những hiểu biết  đúng đắn về bệnh dịch này, sẽ không chỉ là những nhà chuyên môn, mà còn là những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng, để phổ biến sâu rộng những thông tin và những biện pháp chuyên môn chuẩn mực nhằm đối phó với bệnh dịch”.

Người ta thường nói “lương y như từ mẫu”, dù đó là nơi là mọi người chạy đi thì những con người “phi thường” mang trong mình một sứ mệnh cao cả sẽ chạy đến!

ĐH Nguyễn Tất Thành

Tin tức khácXem thêm