Bốn chương trình đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Các chương trình tiến sĩ của trường bao gồm: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng và Du lịch, được thẩm định theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, trường thiết kế hai lộ trình: ba năm (90 tín chỉ) cho người đã có bằng thạc sĩ và bốn năm (tối thiểu 120 tín chỉ) với học viên có bằng đại học loại giỏi.
TS. Nguyễn Lan Phương – Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, trường muốn đào tạo những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, tài chính ngân hàng và du lịch có trình độ cao về lý thuyết, ứng dụng. “Thế hệ tiến sĩ từ trường sẽ có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển và giải quyết những vấn đề mới trong khoa học kinh tế, có khả năng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, hoạt động chuyên môn”, bà nói thêm.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hướng tới mục tiêu giúp nghiên cứu sinh hoàn chỉnh, nâng cao kiến thức; hiểu biết sâu về chuyên ngành; mở rộng kiến thức về các ngành liên quan. Đồng thời, trường hỗ trợ học viên rèn luyện khả năng nghiên cứu, viết bài báo khoa học, trình bày kết quả trước các chuyên gia trong nước và quốc tế. Ngoài ra, trường trang bị kỹ năng tự học; kiến thức có tính ứng dụng của chuyên ngành, phương pháp luận… nhằm giúp người học phát hiện và giải quyết những vấn đề chuyên môn.
Lễ khai giảng chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Đại diện trường nhận định, đội ngũ tiến sĩ sẽ đóng góp trực tiếp vào sự phát triển bền vững của đất nước trước các thách thức toàn cầu hiện tại. Khi học bậc học tiến sĩ, nghiên cứu sinh có thể xây dựng những tri thức, giải pháp mới cho lĩnh vực chuyên môn.
“Bằng tiến sĩ không phải là thước đo của trí tuệ nhưng trong quá trình theo đuổi, người học có cơ hội học hỏi, làm việc cùng những người làm khoa học, mở rộng góc nhìn và luận điểm”, vị đại diện nói thêm.
Khi theo học bậc học này, nghiên cứu sinh phải liên tục hoạt động để giải quyết vấn đề và tìm kiếm những cái mới, có tính ứng dụng cao và phù hợp thời đại. Với những kinh nghiệm, kỹ năng và tri thức tích lũy đó, người học có thể tạo nên ưu thế cạnh tranh riêng.
Chương trình chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đào tạo tiến sĩ cho giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Theo thống kê năm 2021 tại 38 quốc gia thành viên, hầu hết là nước có thu nhập cao, của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ người trưởng thành có bằng tiến sĩ trên tổng dân số là 1,3%. Những quốc gia có tỷ lệ tiến sĩ cao nhất bao gồm: Slovenia (5%), Thụy Sĩ (3%) và Mỹ (2%). Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 24.000 tiến sĩ trên 96 triệu dân, tương đương 0,025%. Tính đến tháng 11/2022, quy mô đào tạo tiến sĩ là 8.933 nghiên cứu sinh ở tất cả các lĩnh vực và ngành đào tạo.
“Thực tiễn trên cho thấy nhiệm vụ cấp bách của việc này là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp hữu ích cho sự phát triển về mọi mặt của đất nước, đồng thời, giúp chuẩn hóa đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo trong cả nước”, đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh.
Bài viết: Phượng Nguyễn
Ảnh: Media