Bộ Khoa học và Công nghệ chọn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành làm Điểm kết nối cung – cầu công nghệ khu vực phía Nam

NTTU – Ngày 15/01/2021, tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cơ sở An Phú Đông đã diễn ra Lễ Khai trương Điểm kết nối cung – cầu công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Đến tham dự chương trình, về phía khách mời có đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); các đồng chí là lãnh đạo các Cục, lãnh đạo Tỉnh, Sở Khoa học Công nghệ các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long; lãnh đạo các trường đại học thuộc Câu lạc bộ các Trường Đại học Kỹ thuật toàn quốc; đặc biệt là sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ trên địa bàn TP.HCM, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và toàn quốc.

Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có: TS. Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng; PGS. TS. Bạch Long Giang, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; ThS. Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và Việc làm sinh viên, cùng cùng toàn thể thầy cô là trưởng, phó các đơn vị, phòng, ban trong toàn Trường

Đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu chỉ đạo tại chương trình

Hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ là một trong các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam, là hoạt động định kỳ, thường xuyên được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai ở quy mô quốc gia – vùng, qua đó xác định nhu cầu công nghệ và kết nối với nguồn cung công nghệ phù hợp. Hoạt động này sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu công nghệ góp phần phát triển thị trường công nghệ, phục vụ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn thành phố và trong cả nước, đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội.

Được sự ủng hộ của Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc sử dụng cơ sở dữ liệu về công nghệ của Bộ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thành lập Trung tâm Kết nối cung cầu công nghệ nhằm kết nối nhà trường với các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu xã hội.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh thành cắt băng khánh thành Trung tâm Kết nối cung cầu công nghệ

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Nhà trường, đã khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, đến cửa mỗi cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, trường học và xã hội. Thông qua chương trình, từ các góc độ khác nhau, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cam kết sẽ phát huy tối đa nguồn lực, tận dụng các cơ hội và thách thức để hoàn thiện xuất sắc nhiệm vụ với cương vị là Điểm kết nối cung – cầu công nghệ phía Nam.

PGS.TS. Trần Thị Hồng phát biểu khai mạc chương trình

Nhiều năm qua, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã chú trọng đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ, đưa ra nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực là các nhà khoa học tu nghiệp tại các đại học có uy tín trong nước và trên thế giới. Trường cũng luôn quan tâm và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp tục học tập, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học sau khi tốt nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn; tham gia nhiều hoạt động, thi đua phong trào khác nhau để rèn luyện khả năng nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp. Đầu năm 2020, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vinh dự là trường đại học ngoài công lập duy nhất tại TP. HCM lọt top 20 về các chỉ số nghiên cứu khoa học tại Bảng xếp hạng đại học của Việt Nam UPM; đồng thời là trường đại học ngoài công lập duy nhất của Việt Nam được Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và khu vực – UPM công nhận đạt chuẩn 4 sao và nằm trong top 12 trường đại học Việt Nam tại bảng xếp hạng thế giới URAP 2020 về thành tựu học thuật. Với những thành quả trong hoạt động khoa học công nghệ đã đạt được, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hy vọng và tin tưởng sẽ trở thành một Điểm kết nối cung – cầu công nghệ với các đơn vị trên địa bàn thành phố, các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, các đơn vị trên toàn quốc và xa hơn nữa là kết nối giao lưu cùng bạn bè quốc tế.

Cũng trong khuôn khổ chương trình này, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã ký MOU hợp tác với 4 đơn vị: Sở KHCN tỉnh Bến Tre (phối hợp đổi mối sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởii nghiệp); Công ty TNHH Hiệp Thành (Công ty TNHH Hiệp Thành: Hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc trà Việt Nam; chuẩn hóa quy trình chế biến trà và khai thác bền vững tạo dựng thương hiệu quốc gia cho trà Việt); – Công ty IOT LINK (phối hợp thực hiện chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trên nền tảng bản đồ số Map4D ); – và Công ty cổ phần tập đoàn Green Việt Nam Technologies (Phối hợp với Nhà trường triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao; Tham gia giảng dạy và đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên, xây dựng, hiệu chỉnh chương trình đào tạo; tài trợ học bổng, cho SV, học viên cao học đến thực tập thực tế, tuyển chọn SV của Trường vào làm việc).

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 4 đơn vị: Sở KHCN tỉnh Bến Tre, Công ty TNHH Hiệp Thành, Công ty IOT LINK và Công ty cổ phần tập đoàn Green Việt Nam Technologies

Đặc biệt, tại hội thảo các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về những ứng dụng và chuyển giao công nghệ công nghiệp 4.0 trong chuỗi giá trị sản xuất. Đầu tiên là TS. Đào Hà Trung, Chủ tịch HĐQT của Te- Food International GmbH – Germany, với bài tham luận liên quan đến 2 nội dung: (1) Ứng dụng Te-Food:  Quản lý và truy xuất chuỗi nông sn cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Case study cho nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu Cofidec-Satra tại TP.HCM và một số tỉnh; (2) Ứng dụng Wellness Trace (TrustOne) – Quản lý đại dịch Covid-19 sử dụng Blockchain (GE Aviation-Te Food-Eurofins) Case study dùng cho sân bay quốc tế Albany tại  Mỹ  và sự kiện thể thao quốc tế Formula-1 tại EU.

Bài tham luận thứ hai là của ThS. Lê Nhật Quang, Phó giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo – ĐHQG TP.HCM, với nội dung Hệ sinh thái công nghệ VNU+ trong phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM.

Đại diện Công ty TNHH IOT LINK thì giới thiệu về Quá trình và những thành công trong xây dựng nền tảng bản đồ số 4D duy nhất tại Việt Nam do chính kỹ sư Việt Nam làm chủ với sự hỗ trợ từ các chuyên gia công nghệ hàng đầu của Microsoft (Map4D).

TS.Trần Thị Như Trang, Trưởng khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng đã giới thiệu tại hội thảo về: Dữ liệu lớn (Big Data) trong phân tích và đánh giá chất lượng, mức độ an toàn, tính xác thực và truy xuất nguồn gốc của thực phẩm.

Các đại biểu trình bày tại các tham luận chương trình

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Văn Tùng, các đại biểu tham gia chương trình đều nhiệt tình tham gia thảo luận, qua đó đưa ra được nhiều giải pháp hữu hiệu, đồng thời đề xuất, thiết lập những cơ chế và phương thức phối hợp phù hợp với những yêu cầu, điều kiện mà các đơn vị, công ty, doanh nghiệp hiện đang cần để theo kịp xu hướng phát triển của thời đại CMCN 4.0.

 

Các đại biểu tham quan Trung tâm Kết nối cung cầu công nghệ

Tin: Thanh Hương, Hồng Quang

Ảnh: Duy Anh

Tin tức khácXem thêm