Bắc nhịp giữa nghệ thuật truyền thống và sinh viên NTTU với chương trình “Sử ca học đường”

NTTU – Vừa qua, ngày 13/04 tại cơ sở Quận 4, Đoàn – Hội sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Nhà Văn hoá Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát Thế giới Trẻ tổ chức Chương trình “Sử ca học đường” năm 2024 với vở kịch “Thành Thăng Long thuở ấy”, mang đến cho sinh viên nhiều cung bậc cảm xúc.

Được biết, chương trình tổ chức nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Tạo điều kiện sinh viên đến gần hơn với những loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc. Đồng thời hoạt động nhằm giáo dục các giá trị lịch sử đến với giới trẻ, đặc biệt là đối tượng sinh viên.

Chương trình có sự tham dự của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Thế giới Trẻ: NSND Hoàng Yến; NSƯT Cao Đức Xuân Hồng; NSƯT Phạm Huy Thục; NS Lê Hoàng Giang; NS Tây Phong; NS Phương Minh; NS Chu Anh và NS Quốc Việt.

Về phía Đoàn – Hội sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có: Đ/c Nguyễn Hoàng Ngọc Châu – Phó Bí thư Đoàn trường và Đ/c Vũ Quang Huy – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường, cán bộ nhân viên, giảng viên và hơn 300 sinh viên có tinh thần đam mê văn hoá nghệ thuật kịch nói lịch sử.

Vở kịch diễn ra thành công với những phản hồi tích cực từ khán giả đã chứng tỏ rõ giá trị mà “Thành Thăng Long thuở ấy” mang lại. Không những vậy, vở diễn còn khẳng định những tác phẩm về lịch sử dân tộc luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả trẻ

Tại chương trình, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được thưởng thức vở kịch “Thành Thăng Long thuở ấy” của tác giả Chu Thơm và đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà. Đây là vở kịch đã đoạt giải vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021, nội dung chủ yếu lấy dấu mốc thời điểm chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần, xoáy sâu vào thân phận của những người đàn bà trong sự chuyển xoay khắc nghiệt của thời cuộc lúc bấy giờ. Là câu chuyện của Lý Chiêu Hoàng bị sắp đặt nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Vì không thể sinh con mà bị ép rời bỏ tình yêu, rời bỏ ngôi vị hoàng hậu và nhìn chị ruột thế chỗ của mình.

Với diễn xuất tài tình của các nghệ sĩ, thầy cô cùng sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đắm chìm vào nghệ thuật kịch nói lịch sử được dẫn dắt qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Những sự đau thương không chỉ do chiến tranh, chiến trường mà còn đó là tình yêu, tình cảm gia đình trong thời kỳ lịch sử.

Thành Thăng Long thuở ấy đã kỳ công xây dựng được những lớp diễn khiến người xem phải xốn xang, nao lòng. Đó là khi Lý Chiêu Hoàng đối đầu với Trần Thủ Độ. Khí chất của nàng đã khiến sự kiêu hãnh của Trần Thủ Độ phải chùng xuống và biết rằng có một kẻ mà ông không khuất phục nổi

Với mục đích tạo cơ hội đến sinh viên được tiếp cận đa dạng và phong phú với nhiều nét văn hoá Việt Nam. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thường xuyên tổ chức các chương trình văn hoá nghệ thuật, văn hoá truyền thống cho sinh viên như: Nghệ thuật Hát bội; Sứ giả văn hoá dân tộc,…

Thông qua chương trình “Sử ca học đường”, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được tiếp cận gần hơn với nghệ thuật kịch nói lịch sử. Đồng thời, chương trình cũng giúp sinh viên cũng có cảm nhận sâu sắc và hiểu rõ hơn về lịch sử nước nhà. Qua đó, làm dậy lên tinh thần trách nhiệm giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hoá nghệ thuật của đất nước.

Kịch nói là loại hình nghệ thuật của phương Tây, du nhập vào nước ta từ cuối Thế kỷ XIX. Nơi đầu tiên kịch nói đặt chân tới là Sài Gòn – mảnh đất được biết đến với sự năng động, cởi mở, thuộc khu vực Nam Bộ. Trải qua quá trình thích ứng với văn hóa, thăng trầm xã hội của Sài Gòn, kịch nói đến nay đã mang một phong vị riêng, để lại dấu ấn đặc sắc trên mảnh đất Sài Gòn và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của một bộ phận người dân nơi đây.

Tin bài: Sang Trọng

Hình ảnh: Media

Tin tức khácXem thêm