(DN&DS) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến làm việc và trồng cây lưu niệm tại TT Phát triển Công nghệ cao

DN&DS – Sáng 29/10/2017, thầy trò trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, làm việc và trồng cây lưu niệm tại Trung tâm Phát triển Công nghệ cao Q.9. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 18 năm ngày thành lập Trường, Phát động lễ trồng cây đời đời nhớ ơn Bác và Chào mừng năm học mới 2017–2018 của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng khen cho tập thể cán bộ trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ghi nhận những nỗ lực của Trường trong sự nghiệp giáo dục: “Tôi vui mừng và hoan nghênh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có những phát triển vượt bậc. Từ một doanh nghiệp nhỏ lẻ, không sử dụng ngân sách Nhà nước, Trường đã vươn lên phát triển thành một cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Chỉ trong thời gian rất ngắn, Nhà trường đã đạt được những thành tích thật sự ấn tượng, đạt chuẩn quốc tế 3 sao, đóng góp thiết thực trong công tác đào tạo – phát triển nguồn nhân lực của đất nước và các tỉnh phía Nam”.
Chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu
Ra đời từ chủ trương xã hội hóa giáo dục, sau 18 năm hình thành và phát triển, bằng nguồn nguồn vốn tự có Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Đến nay, Trường đã xây dựng được gần 100.000m2 sàn phòng học, phòng học lý thuyết, phòng thực hành, phòng thí nghiệm đều có máy lạnh và phủ sóng wifi, trang bị 3.000 máy tính và các thiết bị dạy học hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng chỗ học cho gần 20.000 sinh viên tại 5 khối ngành: Sức khỏe; Kinh tế – Quản trị, Xã hội – Nhân văn; Kỹ thuật – Công nghệ ; Nghệ thuật – Mỹ thuật. Bên cạnh đó, Trường đã quy tụ một đội ngũ giảng viên đều là những thầy cô có học hàm, học vị cao, tâm huyết với ngành giáo dục với hơn 1.200 giảng viên cơ hữu, trong đó có 1 anh hùng lao động, 1 nhà giáo nhân dân, 8 giáo sư, 17 phó giáo sư, 83 tiến sỹ và hơn 500 thạc sỹ.
Nhiều chương trình học của Nhà trường được thiết kế tích hợp với thực tế thông qua các học phần mô phỏng, giúp sinh viên hiểu rõ môi trường thực tế trong quá trình học. Bên cạnh đó, ĐH Nguyễn Tất Thành còn ký kết hợp tác với hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực như bệnh viện, nhà hàng, khách sạn… tạo môi trường thực học – thực hành cho SV, giúp các em có điều kiện nâng cao kỹ năng tay nghề, dễ dàng tìm được việc làm sau khi ra trường. Câu lạc bộ doanh nghiệp ĐH Nguyễn Tất Thành chính là diễn đàn để nhà trường, doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp gỡ, hợp tác trong việc đào tạo ra nguồn lao động giỏi kiến thức lẫn chuyên môn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các quan chức tháp tùng và thầy trò trường ĐH Nguyễn Tất Thành trồng cây 
Với phương châm lấy “người học làm trọng tâm”, ĐH Nguyễn Tất Thành đã đem đến cho sinh viên nhiều cơ hội trải nghiệm để phát triển và tỏa sáng trên con đường nghề nghiệp trong tương lai. Đây chính là bản cam kết của nhà trường với người học và xã hội trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đúng với triết lý đào tạo: “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp”.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã từng bước khẳng định vị thế và đẳng cấp trên bản đồ giáo dục Việt Nam và quốc tế. Nhà trường tự hào là trường ngoài công lập đầu tiên đạt kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT và đạt chuẩn quốc tế 3 sao của tổ chức QS-Stars, chính thức là thành viên liên kết của Tổ chức AUN-QA, trở thành ngôi trường uy tín và là tòa nhà tri thức đem lại hạnh phúc cho sinh viên.
ĐH Nguyễn Tất Thành: Quyết tâm đổi mới toàn diện giáo dục 
Sự bùng nổ của cuộc CMCN lần thứ 4 đặt ra cho giáo dục đại học nhiều thách thức. Giáo dục đại học không chỉ cung cấp kỹ năng – kiến thức mà còn phải giúp người học tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. “Trước xu thế của cuộc CMCN 4.0, ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ là trường đại học liên kết với doanh nghiệp, có trách nhiệm với xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự từ cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra”, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết.
Để đẩy mạnh phát triển mô hình giáo dục 4.0, thể hiện quyết tâm đổi mới toàn diện trong công tác giáo dục, hướng đến năm 2020 sẽ trở thành trường đại học hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, xây dựng trường học thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp, trong đó trường học phải gắn liền với doanh nghiệp, đẩy mạnh quốc tế hóa và phát triển theo mô hình giáo dục 4.0, ĐH Nguyễn Tất Thành đã đầu tư 3 dự án gồm: Trung tâm phát triển công nghệ cao, Trung tâm đào tạo công nghệ cao và Công viên Thiên niên kỷ tại Khu Công nghệ cao TP. HCM với tổng kinh phí đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Nơi đây sẽ tập trung các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế tham gia vào nghiên cứu, giải mã, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ, đào tạo nhân lực trình độ cao trong mọi lĩnh vực, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Việc Nhà trường mạnh dạn đầu tư nguồn lực xây dựng quần thể các viện nghiên cứu công nghệ cao, kết hợp với trung tâm đào tạo, trung tâm chuyển giao công nghệ, vườn ươm khởi nghiệp ngay trong khu công nghệ cao đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Nhà trường trong việc đổi mới giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0. Dự án này nhận được sự đánh giá rất cao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây sẽ là cú hích đem đến một sự thay đổi lớn đối với sự phát triển của giáo dục đại học TP. HCM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học mới của trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Với những kết quả đã đạt được trong suốt 18 năm xây dựng và phát triển cùng sự đầu tư cho tương lai thông qua các dự án trên, ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ là nơi không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn là nơi phát kiến và ứng dụng tri thức để giải quyết các vấn đề cụ thể của đất nước, tạo ra giá trị cho xã hội. Học tập trong môi trường giáo dục đạt chuẩn, sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành không chỉ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp mà còn là những con người dẫn dắt xã hội, mang tới sự phồn vinh cho quốc gia
Đặc biệt, trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc gắn kết giữa đào tạo với việc làm và cung ứng sản xuất thực phẩm organic: nấm mộc nhĩ, nấm bào ngừ, cà chua beef, ớt Nhật, dưa lưới (khoa Công nghệ Sinh học); làm bánh mì, ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm từ nguồn nông sản cho năng suất cao như: chanh sấy đen nguyên trái, dưa chuột dầm giấm với hạt mù tạc, tương ớt, tương cà, bưởi Bến Tre tách múi đóng hộp, cider táo xanh (khoa Môi trường – Thực phẩm – Hóa)…
Kinh Luân/ NTTU

Tin tức khácXem thêm