Hàng trăm chuyên gia về lĩnh vực Du lịch tìm giải pháp về khai thác giá trị văn hoá trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

NTTU – Sáng 25/7, tại cơ sở An Phú Đông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia năm 2025 với chủ đề Khai thác giá trị văn hoá trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Tham dự chương trình, về phía khách mời có sự tham gia của: PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, đào tạo và Môi trường, Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch; PGS.TS. Phạm Hồng Long – Uỷ viên CLB Khối đào tạo Du lịch, Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM; PGS.TS. Nguyễn Đức Thắng – Tổng Thư ký Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Công nghệ Đông Á; PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. HCM; TS. Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kiên Giang; TS. Lê Thị Thanh Thuỷ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh; cùng sự có mặt của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; đại diện các cơ quan, cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Về phía các đơn vị doanh nghiệp đồng hành: Ông Dương Chí Thanh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cánh Cung; Ông Lưu Danh Tuyến – Giám đốc Công ty Cổ phần ITM TP. HCM; Ông Nguyễn Tất Thắng – Giám đốc Khu du lịch Cánh đồng bất tận; Ông Lê Phương Thanh – Phó Giám đốc Khách sạn Oscar Sài Gòn; cùng đại diện các doanh nghiệp, khách sạn trong lĩnh vực du lịch tại TP. HCM và một số tỉnh thành lân cận.

Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Phan Thị Ngàn – Quyền trưởng khoa Du lịch; cùng quý thầy cô là Trưởng/Phó các phòng ban, khoa/viện, trung tâm, giảng viên khoa Du lịch. Đặc biệt, hội thảo còn nhận được sự tham gia của hàng trăm sinh viên khoa Du lịch Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan, trường đại học trên cả nước

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường đã gửi lời lời chào nồng nhiệt đến đại diện Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch TP. HCM, các hiệp hội, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. TS. Cầm cho biết, ngành Du lịch đang bước sang bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển du lịch theo chiều sâu, tập trung vào chất lượng và trải nghiệm độc đáo của du khách. Việc biến nguồn tài nguyên văn hóa phong phú này thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và có giá trị kinh tế cao vẫn còn là một điểm nghẽn. Chính vì thế, hội thảo sẽ là diễn đàn học thuật uy tín, nơi các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách cùng chia sẻ nghiên cứu mới, kinh nghiệm quý báu và tìm lời giải cho bài toán phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên giá trị văn hóa.

TS. Cầm phát biểu tại hội thảo

Hội thảo khoa học quốc gia năm 2025 “Khai thác giá trị văn hoá trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù” đã nhận được hơn 160 bài toàn văn đến từ 22 cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu trên toàn quốc. Các bài toàn văn thể hiện rõ sự đa dạng về góc nhìn học thuật và tính liên ngành trong phân tích giá trị văn hóa gắn với du lịch.

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù luôn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đặc biệt, đồng thời tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược, quy hoạch hệ thống du lịch và đã ban hành Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam. Trong đó yếu tố văn hóa luôn được xác định nền tảng phát triển sản phẩm, từ đó tạo nên bản sác và vị thế riêng cho du lịch Việt Nam. Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, đào tạo và Môi trường, trong giai đoạn vừa qua, định hướng phát triển sản phẩm trong phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa đã được toàn ngành tổ chức triển khai, nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc đã được nghiên cứu, phát triển, từng bước khẳng định giá trị thương hiệu cho điểm đến các vùng miền và du lịch Việt Nam nói chung, góp phần quan trọng trong quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng đến du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thách thức đặt ra hiện nay trước chúng ta là: làm sao để Khai thác giá trị văn hóa mà không làm mai một bản sắc, giá trị? Làm sao để sản phẩm du lịch đặc thù vừa hấp dẫn thị trường gắn với bảo tồn di sản? Đây là bài toán khó nhưng bắt buộc phải tìm lời giải nếu chung ta muốn phát triển du lịch thật sự bền vững và có chiều sâu.

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, đào tạo và Môi trường, yếu tố văn hóa luôn được xác định nền tảng phát triển sản phẩm, từ đó tạo nên bản sắc và vị thế riêng cho du lịch Việt Nam

“Chính vì thế, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về điểm đến du lịch ngày càng gay gắt, sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hóa riêng biệt chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Đồng thời, đó cũng là công cụ hữu hiệu để lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam – thân thiện, giảu bản sắc và luôn đổi mới” – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, đào tạo và Môi trường nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia không chỉ cùng nhau bàn luận, phân tích những điểm mạnh – điểm yếu trong khai thác văn hóa địa phương mà còn đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, khơi dậy giá trị bản địa, tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế, đồng thời đưa ra các khuyến nghị các đề xuất cho các cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua đó, các bên liên quan của chuỗi giá trị du lịch tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn văn hóa và môi trường. Từ đó, khuyến khích các bên liên quan chủ động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch, giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh.

Ngoài ra, hội thảo còn chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới, cập nhật các xu hướng học thuật và thực tiễn, đồng thời thúc đẩy sự kết nối giữa lý luận và ứng dụng – giữa nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nhà thực hành.

Các chuyên gia bàn luận, phân tích, đưa ra các giải pháp để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Phiên toàn thể đã trình bày 3 tham luận về Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên đột phá về tư duy và đổi mới sáng tạo: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam của PGS.TS. Phạm Trung Lương; Khai thác giá trị di sản trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù với đẩy mạnh công nghiệp văn hóa địa phương (trường hợp Tiền Giang – Đồng Tháp) của PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng; Khai thác giá trị di sản văn hóa tỉnh hưng yên để phát triển sản phẩm du lịch danh nhân, khoa bảng do PGS. TS Nguyễn Đức Thắng trình bày. Bên cạnh đó, Hội thảo còn chia làm 3 tiểu ban với các chủ đề gồm:

    • Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam về phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
    • Hiện trạng khai thác và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Việt Nam
    • Những định hướng để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tạo điểm đến cho thương hiệu du lịch tại các địa phương

Song song với việc phát triển du lịch, đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng được các chuyên gia bàn luận và đưa ra những hướng giải pháp tích cực. Theo PGS.TS. Phạm Trung Lương – Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Quy hoạch Quốc gia cho biết, việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành “công nghiệp không khói” hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo du lịch vẫn tập trung vào lý thuyết, chưa gắn liền với thực tiễn, dẫn đến tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia kiến nghị cần xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực bài bản, dài hạn, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cụ thể, cần tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các khách sạn, công ty lữ hành để tổ chức thực tập, đào tạo kỹ năng thực tế; đồng thời cập nhật chương trình giảng dạy phù hợp với xu hướng mới của ngành du lịch như du lịch thông minh, du lịch bền vững, ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phục vụ khách hàng.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, từ nhiều năm qua, khoa Du lịch nói riêng và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói chung đã không ngừng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực Du lịch, khách sạn. Sinh viên được học tập, thực hành và quan sát môi trường làm việc thực tế, từ đó có cái nhìn tổng quan về ngành nghề, công việc sau khi ra trường. Đây cũng là một trong những định hướng phát triển của Nhà trường nhằm thực hiện cam kết 100% sinh viên được giới thiệu việc làm ngay khi tốt nghiệp.

Các báo cáo viên, diễn giả và nhà tài tại trợ tại Hội thảo

Thông qua hội thảo, những ý kiến đóng góp sâu sắc, những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao cùng tinh thần hợp tác giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đã mở ra nhiều hướng đi tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên nền tảng văn hóa, tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong toàn ngành, hướng tới mục tiêu đưa du lịch Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên đột phá về tư duy và đổi mới sáng tạo: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam (Tác giả: PGS.TS. Phạm Trung Lương): Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đề xuất được một số giải pháp mang tính định hướng chiến lược để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù như một cách tiếp cận quan trọng để tạo đột phá cho phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới. Nghiên cứu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính bao gồm: hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên tư duy đổi mới và sáng tạo; phân tích, đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xác định những vấn đề chính đặt ra đối với nỗ lực phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở cấp quốc gia/ vùng và địa phương cấp tỉnh có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của du lịch

Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy trong số những vấn đề chính đặt ra hiện nay đối với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thì tình trạng trì trệ trong nhận thức đối với ý nghĩa và tầm quan trọng của sản phẩm du lịch đặc thù, việc chậm đổi mới trong tư duy sáng tạo dựa trên ứng dụng công nghệ và thiếu chính sách khuyến khích, tạo nguồn lực cho việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù được xem là những “rào cản” lớn nhất. Dựa trên kết quả “định vị” được những vấn đề thực tiễn đặt ra, một số giải pháp mang tính định hướng chiến lược cũng đã được đề xuất nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở quy mô quốc gia/ vùng cũng như địa phương cấp tỉnh đã được đề xuất. Kết quả này sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mà còn tạo “đột phá” cho phát triển du lịch Việt Nam tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn.

Khai thác giá trị di sản trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù với đẩy mạnh công nghiệp văn hóa địa phương (trường hợp Tiền Giang – Đồng Tháp) – tác giả PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng: Tiền Giang – Đồng Tháp là một địa phương đẩy mạnh du lịch dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy tốt các vốn di sản gồm các loại hình di tích, nghệ thuật, nghề truyền thống… để thông qua đó tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành để bước đầu phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương… Đây là một xu thế tất yếu phù hợp với yêu cầu của tình hình mới mở ra những triển vọng tích cực cho ngành du lịch Tiền Giang – Đồng Tháp nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung.

Khai thác giá trị di sản văn hóa tỉnh hưng yên để phát triển sản phẩm du lịch danh nhân, khoa bảng – Tác giả PGS. TS Nguyễn Đức Thắng: Những năm gần đây, việc khai thác các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại Việt Nam tương đối hiệu quả. Trong đó, loại hình/ sản phẩm du lịch danh nhân, khoa bảng, du lịch giáo dục truyền thống hiếu học của dân tộc cũng đang được quan tâm, phát triển, góp phần gìn giữ truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, ghi nhớ công lao của các anh hùng, danh nhân văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên tại Hưng Yên, một địa phương có truyền thống khoa bảng với nhiều danh nhân thì loại hình này chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng mà tỉnh này đang sở hữu. Tác giả mong muốn tiếp cận liên ngành văn hóa học, du lịch học, giữa hệ thống lý thuyết và thực tiễn du lịch, văn hóa Hưng Yên để tìm ra những giá trị đặc biệt, có tính cốt lõi của các di sản, cụm di tích, qua đó góp sức hình thành một mô hình điểm về du lịch danh nhân, khoa bảng tại Hưng Yên, đồng thời xây dựng chuỗi giá trị du lịch cho tỉnh, góp phần khai thác hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế, quảng bá du lịch và phát triển bền vững.

Thực hiện: Hồng Quang

Ảnh: Media

Hình ảnh chương trình, xem TẠI ĐÂY

Tin tức khácXem thêm