Dự án bột tảo Spirulina đạt quán quân cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2020
Nghiên cứu khoa học và những lợi ích đối với SV
ThS Trần Thành, Viện Công nghệ Kỹ thuật cao Trường đại học (ĐH) Nguyễn Tất Thành, người có nhiều năm phụ trách công tác hướng dẫn SV nghiên cứu khoa học cho rằng SV muốn có cơ hội trở thành công dân toàn cầu, hòa nhập vào đội ngũ lao động có thể đáp ứng được trong thời đại phát triển liên tục này, việc tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) với các dự án thực tế sẽ giúp các bạn tiếp cận nhanh nhất và thấu hiểu được những kiến thức đang học thông qua thực tiễn.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã luôn quan tâm đầu tư cho hoạt động NCKH và coi đây là nền tảng quan trọng hỗ trợ tích cực cho hoạt động giảng dạy của mình, là “thước đo” giúp đánh giá về mức độ uy tín của trường đối với xã hội, qua đó góp phần trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, số lượng đề tài nộp tham gia các giải thưởng như: Sáng tạo trẻ, Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ,… ngày một nhiều. Năm 2015, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chỉ có 5 đề tài tham gia giải thưởng NCKH Eureka, thế nhưng đến năm 2020 số lượng đề tài tham gia của trường đạt đến 40, đây là số lượng không nhỏ, không thua kém các trường ĐH khác. Trong 5 năm gần đây, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và SV đã triển khai được 35 đề tài cấp Nhà nước, 30 đề tài cấp bộ và ngang bộ; 27 đề tài cấp sở, 4 đề tài Vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ; 1 đề tài nghị định thư; 4 đề tài hợp tác quốc tế; 648 đề tài cấp trường; 1.124 đề tài NCKH của SV; hơn 1.500 bài báo ISI/SCOPUS; gần 1.100 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế.
Trao đổi về công tác NCKH tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, GS-TSKH Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có bước đi mang tính bước ngoặt, trường đã đầu tư mạnh mẽ vào NCKH. Đây là việc có thể nói rất lạ, rất hiếm đối với một trường ĐH ngoài công lập”. Là cơ sở giáo dục ĐH tự chủ về tài chính, việc đầu tư mạnh mẽ cho NCKH, lĩnh vực không thu được lợi nhuận về mặt tài chính là một nỗ lực rất lớn của nhà trường cho hoạt động này.
Dự án của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đạt giải Nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ
Đầu tư mạnh mẽ vào NCKH
Top 5 cả nước về số lượng công trình nghiên cứu được công bố quốc tế. Top 20 về các chỉ số NCKH tại bảng xếp hạng ĐH của Việt Nam UPM. Tạp chí Southeast Asian Journal of Sciences của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xếp vị trí thứ 8 trong Top 30 tạp chí khoa học xuất bản trực tuyến của Việt Nam; Quán quân của Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020, Top 12 trường ĐH Việt Nam tại bảng xếp hạng thế giới URAP 2020. Đặc biệt, tạp chí Khoa học máy tính Việt Nam (Vietnam Journal of Computer Science – VJCS) của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vừa chính thức được chấp nhận vào hệ thống cơ sở dữ liệu SCOPUS và lọt top 5 hệ thống xếp hạng Chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor) của các tạp chí khoa học Việt Nam năm 2020. Mới đây nhất, tạp chí này được xếp vào Danh mục trích dẫn các nguồn mới nổi (Emerging Sources Citation Index) gọi tắt là danh sách ESCI, đây là chuỗi thành tích ấn tượng mà Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đạt được trên “mặt trận” NCKH cũng như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong những năm qua.
Để đạt được điều này, hằng năm, nhà trường đều dành 5% doanh thu (khoảng 30 tỉ đồng) hỗ trợ hoạt động NCKH của giảng viên, SV và hỗ trợ cho những dự án ươm tạo, khởi nghiệp của SV. Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị để hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ… Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ theo định hướng nghiên cứu ứng dụng để nâng cao chất lượng đào tạo; chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số, nâng cao vị thế khoa học của trường trong và ngoài nước.
Nhóm sinh viên thực hiện dự án đạt giải Khuyến khích cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2020
Theo Báo Thanh niên
Bài: Phượng Nguyễn
Tổng hợp: Hồng Quang