Sinh viên Y học cổ truyền học tập từ thực tế tại bệnh viện
NTTU – Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên ngành Y học cổ truyền có cơ hội tiếp cận sớm với thực tế, được quan sát và tìm hiểu quy trình khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền trong môi trường bệnh viện, đồng thời có cái nhìn tổng quát về công việc thường ngày của một nhân viên y tế tại bệnh viện, Khoa Y học cổ truyền – Quản lý Y tế Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã phối hợp với Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM tổ chức chuyến tham quan trải nghiệm thực tế dành cho tất cả các bạn sinh viên năm nhất vào 2 ngày 15 và 16 tháng 4 năm 2025
Đại diện Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM có TS. BS. Trương Thị Ngọc Lan – Phó viện trưởng, cùng đội ngũ Y, bác sĩ, điều dưỡng các khoa, phòng ban.
Đoàn giảng viên, sinh viên Khoa Y học cổ truyền – Quản lý Y tế Trường ĐH Nguyễn Tất Thành gồm có GS.TS. Nguyễn Văn Tập – Trưởng khoa Y học cổ truyền – Quản lý Y tế; TS.DS. Thái Thị Cẩm – Trưởng bộ môn Dược học cổ truyền; TS.BS. Thang Kim Sang – Trưởng bộ môn Châm cứu, Dưỡng sinh và Xoa bóp; TS.BS. Phạm Thanh Vũ – Trưởng bộ môn Dinh dưỡng – Y học dự phòng; cùng với các giảng viên khoa Y học cổ truyền – Quản lý Y tế và toàn bộ các bạn sinh viên năm nhất ngành Y học cổ truyền.
Phát biểu khai mạc, TS.BS. Trương Thị Ngọc Lan – Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM đã giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Viện từ năm 1975 tới hiện nay. TS. BS Trương Thị Ngọc Lan cho biết, Viện là nơi tiếp nhận, tạo điều kiện và hướng dẫn cho học sinh, sinh viên, học viên của các cơ sở đào tạo và các đơn vị có nhu cầu đến thực hành lâm sàng tại Viện. Ngoài ra, đại diện Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM còn chia sẻ những thế mạnh, cơ hội phát triển của Y học cổ truyền trong thời đại 4.0 hiện tại, tạo động lực và niềm tin yêu nghề cho các bạn sinh viên trẻ.
TS.BS. Trương Thị Ngọc Lan – Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM chia sẻ với sinh viên NTTU
Sau buổi khai mạc, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ Viện và giảng viên khoa, sinh viên được chia thành các nhóm để tham quan các Khoa, Phòng chức năng tại Viện, đồng thời được quan sát, tìm hiểu các phương pháp chẩn đoán và điều trị bằng y học cổ truyền. Tại các Khoa điều trị, sinh viên được giới thiệu về các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền như châm cứu, cấy chỉ, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt,… trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, di chứng sau tai biến mạch máu não và nhiều bệnh lý nội khoa khác. Sinh viên được chứng kiến tận mắt quá trình các bác sĩ thực hiện thủ thuật trên người bệnh. Đặc biệt, phương pháp cấy chỉ – một trong những kỹ thuật điều trị tiên tiến kết hợp giữa Đông y và Tây y – cũng được các bác sĩ giới thiệu. Bên cạnh việc sử dụng thuốc và các phương pháp trị liệu như châm cứu, các bác sĩ còn giới thiệu thêm cho các bạn sinh viên các bài tập dưỡng sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh.
Thông qua buổi tham quan, sinh viên nhận thấy rằng y học cổ truyền không chỉ dừng lại ở việc điều trị bằng các phương pháp truyền thống mà còn có sự kết hợp hài hòa với y học hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả chữa bệnh. Đặc biệt, việc ứng dụng Đông – Tây y kết hợp giúp bệnh nhân phục hồi tốt hơn và có thêm nhiều lựa chọn điều trị phù hợp.
Sinh viên được tham quan thực tế hoạt động khám, chữa bệnh tại Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM
Một điểm đáng chú ý là y học cổ truyền không chỉ hướng đến điều trị bệnh mà còn chú trọng đến việc phòng bệnh, nâng cao thể trạng bằng những phương pháp tự nhiên, ít gây tác dụng phụ. Các bài thuốc, chế độ ăn uống và các bài tập dưỡng sinh,… đều được áp dụng nhằm giúp bệnh nhân có một sức khỏe toàn diện. Đội ngũ y, bác sĩ Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM cũng nhấn mạnh, để trở thành một bác sĩ y học cổ truyền giỏi, sinh viên không chỉ cần kiến thức chuyên môn vững vàng, cả Đông y lẫn Tây y, mà còn phải có lòng nhân ái, tận tâm với bệnh nhân và không ngừng học hỏi để phát triển nghề nghiệp.
Chia sẻ về các hoạt động tham quan, GS. TS Nguyễn Văn Tập cho biết, thông qua các buổi tham quan bệnh viện, cơ sở thực hành sẽ phần nào giúp các bạn sinh viên thấu hiểu, đồng cảm với nỗi đau bệnh tật của người bệnh, bên cạnh đó, cảm nhận được đời sống và cách thức làm việc của các bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện. GS. TS Nguyễn Văn Tập nhấn mạnh: “Với những trải nghiệm hôm nay, Thầy hi vọng đó sẽ là nguồn động viên, là động lực cho hành trang quý báu thắp sáng lên ngọn lửa cho các em trên con đường trở thành những người thầy thuốc giỏi về chuyên môn, vững về y đức”.
GS. TS Nguyễn Văn Tập chia sẻ với sinh viên về các lợi ích của hoạt động kết nối giữa Nhà trường và bệnh viện
Chuyến tham quan tại Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM không chỉ là cơ hội để sinh viên học hỏi kiến thức thực tế mà còn giúp các bạn định hướng rõ hơn về tương lai trong lĩnh vực y học cổ truyền. Qua đó, Nhà trường và Viện mong muốn được gắn kết bền vững, tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động thực tiễn hơn nữa, tạo môi trường thực hành, giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn về ngành nghề mà mình đang theo đuổi.
Tin: Khoa Y học cổ truyền – Quản lý Y tế
Ảnh: Media