Green Choice – Hành trình xanh từ phế phẩm đến giá trị bền vững

NTTU – Vào ngày 21/12/2024, tại vòng chung kết cuộc thi Food Innovation and Development 2024, dự án Green Choice của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã xuất sắc giành giải nhất tại bảng thi “Problem Solving Innovation” và giải thưởng Sự lựa chọn của doanh nghiệp

Food Innovation and Development (FID) 2024” có chủ đề “The Future of Food – Tương lai ngành Thực phẩm”  do Trường ĐH Công Thương TP HCM (HUIT), Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực – Thực phẩm Việt Nam (VAFoST), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Quỹ Next Challenge Foundation và BambuUP đồng tổ chức.

Đây là cuộc thi về kỹ thuật công nghệ lần đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức song song giữa hai hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến trên nền tảng thực tế ảo, gồm 3 bảng thi: ⁽¹⁾Health-Focus – Các sản phẩm tốt cho sức khỏe, ⁽²⁾Food Security & Social Impact – Các sản phẩm tạo tác động tích cực cho cộng đồng/giải quyết vấn đề an ninh lương thực, ⁽³⁾Problem Solving Innovation – Các sản phẩm giải quyết thách thức cụ thể mà doanh nghiệp đưa ra

Cuộc thi được phát động từ tháng 06/2024 và đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của 122 đề tài đến từ 486 sinh viên – học sinh thuộc 27 trường đại học, cao đẳng và THPT trên cả nước. Tham gia cuộc thi, sinh viên các trường đại học có cơ hội được làm việc và nhận tư vấn trực tiếp tới từ các chuyên gia đầu ngành như giảng viên chuyên môn, các đại diện cấp cao từ doanh nghiệp và các tổ chức trong nước và quốc tế. Thông qua các hoạt động đào tạo từ chương trình, các thí sinh không chỉ được nâng cao kiến thức về chuyên môn trong lĩnh vực thực phẩm mà còn là phát triển hoàn thiện các kĩ năng của một “nhà khởi nghiệp” tương lai.

Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia FID 2024, dự án “Green Choice – The Green Journey from Waste to Sustainable Value” với tính sáng tạo, ứng dụng cao và tiềm năng về phát triển bền vững đã được các chuyên gia trong ngành ghi nhận, được các doanh nghiệp đánh giá cao. Kết quả chung cuộc, “Green Choice” đã xuất sắc giành giải nhất tại bảng thi Problem Solving Innovation và giải thưởng Sự lựa chọn của doanh nghiệp. Đây là một thành tựu đáng tự hào, khẳng định cho việc sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có thể cạnh tranh và tỏa sáng tại các sân chơi khởi nghiệp lớn nhất cả nước. 

Đại diện dự án “Green Choice” nhận giải thưởng của doanh nghiệp

Tại các vùng trồng sầu riêng lớn như Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, vấn đề quản lý phế phẩm nông nghiệp từ sầu riêng đang trở thành một bài toán nan giải. Hàng trăm tấn vỏ sầu riêng bị bỏ đi mỗi năm không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí một nguồn tài nguyên tiềm năng có thể tái chế. Đối với người nông dân, việc xử lý lượng phế phẩm lớn này vừa tốn kém vừa không mang lại giá trị kinh tế. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lại đối mặt với thách thức lớn về bảo quản và vận chuyển, khi chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể làm giảm giá trị sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và lợi nhuận.

Nhận thấy những khó khăn này, nhóm dự án “Green Choice” đã tiên phong nghiên cứu và phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ cả người nông dân và doanh nghiệp. Đối với nông dân, dự án mang đến các giải pháp tái chế phế phẩm thành giá thể hữu cơ và chế phẩm sinh học, không chỉ giảm chi phí xử lý mà còn cải thiện chất lượng đất, giúp cây trồng khỏe mạnh hơn. Đối với doanh nghiệp, dự án phát triển các sản phẩm từ sầu riêng như sầu riêng sấy thăng hoa và bột sầu riêng sấy thăng hoa, đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu.

“Green Choice” không chỉ giải quyết bài toán kinh tế và môi trường mà còn xây dựng một mô hình liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh và tuần hoàn. Thành tích mà “Green Choice” đạt được không chỉ đơn thuần là sự công nhận về chất lượng của một dự án khởi nghiệp mà còn mang ý nghĩa sâu sắc đối với cộng đồng sinh viên trong và ngoài trường, được xem là một bước đệm quan trọng, mở ra những cơ hội lớn để dự án vươn tầm quốc tế. Dự án“Green Choice” một lần nữa khẳng định năng lực vượt trội của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong việc phát triển các giải pháp sáng tạo, thực tiễn, trên hết là góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp bền vững, không chỉ trong phạm vi trường học mà còn đến với cộng đồng rộng lớn hơn. Bên cạnh đó là tạo nguồn cảm hứng lớn lao, khơi dậy ý thức sáng tạo và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong thế hệ trẻ, vừa giúp giải quyết bài toán kinh tế vừa giúp thay đổi cách nhìn nhận về tài nguyên và phế phẩm, định hình tư duy mới về kinh tế tuần hoàn.

Các thành viên của dự án “Green Choice” là một đội ngũ sinh viên tài năng, đầy nhiệt huyết từ nhiều khoa và viện đào tạo khác nhau của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành:

  • Khuất Hồng Trúc Vy (chủ nhiệm dự án, Viện NIIE): Phụ trách điều phối toàn bộ dự án, xây dựng chiến lược và kết nối với các đối tác trong và ngoài trường.
  • Tống Minh Tiến (Khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng): Đảm nhiệm vai trò thiết kế bao bì sản phẩm và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, giúp sản phẩm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
  • Lê Minh Thiện (Khoa Quản trị Kinh doanh): Phụ trách quản lý hậu cần, phân tích thị trường và xây dựng kế hoạch kinh doanh cho các dòng sản phẩm.
  • Lâm Triết Lãm (Khoa Quản trị Kinh doanh): Chịu trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất các chiến lược phát triển thị trường, đặc biệt tập trung vào thị trường quốc tế.
  • Nguyễn Thị Phương Thảo (Khoa Quản trị Kinh doanh): Hỗ trợ phân tích dữ liệu, tính toán hiệu quả kinh tế và lập kế hoạch tài chính để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của NCS.ThS. Trần Thành – giảng viên thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Sinh học Nông nghiệp tiên tiến, dự án không chỉ dừng lại ở việc phát triển sản phẩm mà còn mang tính ứng dụng cao, gắn liền với thực tiễn và định hướng phát triển bền vững.

Các đại diện dự án “Green Choice” cùng giảng viên hướng dẫn NCS.ThS. Trần Thành

 Dự án “Green Choice” đã phát triển các sản phẩm chính từ sầu riêng:

  – Sầu riêng sấy thăng hoa và bột sầu riêng sấy thăng hoa: Giữ trọn vẹn dưỡng chất, thơm ngon và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đến các thị trường cao cấp như Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.

  – Giá thể hữu cơ từ vỏ sầu riêng: Giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng năng suất cây trồng và giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học.

  – Chế phẩm sinh học DurioBio: Sử dụng vi sinh vật như Trichoderma spp. để phân hủy vỏ sầu riêng nhanh chóng, tạo giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp.

Trần Thành – Thanh Hương

Tin tức khácXem thêm