Các chuyên gia chia sẻ định hướng triển khai tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học tại Tuần lễ Tài nguyên giáo dục mở lần 2

NTTU – Ngày 29/11/2024, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức Lễ tổng kết Tuần lễ Tài nguyên giáo dục mở lần 2. Đây là hoạt động nằm trong mục tiêu xây dựng và phát triển nguồn OER giai đoạn đến 2030 của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đó là thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về các công tác từ xây dựng hệ thống chính sách, quy định với bộ phận chuyên trách về OER, các tiêu chí và công cụ đánh giá chất lượng OER; ứng dụng giải pháp công nghệ xây dựng, phát triển, quản trị OER; tổ chức các khóa tập huấn về OER cho GV-SV, phấn đấu 75% GV và 100% SV tham gia khai thác sử dụng OER…

Tham dự chương trình, về phía khách mời có TS. Đặng Văn Huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Đào Thiện Quốc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài Nguyên Giáo dục mở, Hiệp hội Các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam; Kỹ sư Lê Trung Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài Nguyên Giáo dục mở, Hiệp hội Các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam; Ông Hoàng Dũng – Phó Viện trưởng Viện IDK, Tổng Giám đốc Công ty D&L. Chương trình còn có sự tham gia của đại diện các trường ĐH Fulbright, ĐH Văn Lang, ĐH RMIT, đại diện các công ty Netnam, Công ty Xuất khẩu và phát triển văn hoá.

Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự hiện diện của TS. Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Nhà trường. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các thầy cô là Trưởng, Phó đơn vị, khoa viện phòng ban trong trường.

Toàn cảnh chương trình Lễ tổng kết Tuần lễ Tài nguyên giáo dục mở lần 2

Tuần lễ Tài nguyên giáo dục mở lần 2 đã diễn ra các hoạt động như: Tập huấn khai thác sử dụng tài nguyên giáo dục mở cho sinh viên; Tổ chức cuộc thi Tìm hiểu Tài nguyên giáo dục mở cho sinh viên; Chương trình trải nghiệm “Thúc đẩy bản thân thông qua các khóa học mở”; Workshop “Gợi ý phát triển học liệu cho chương trình đào tạo từ nguồn tài nguyên giáo dục mở”; Công bố khung năng lực tài nguyên giáo dục mở version 2.0; Tọa đàm “Định hướng triển khai tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học”,… đã lan tỏa những giá trị, phát triển năng lực tài nguyên giáo dục mở đến sinh viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu trong nhà trường và cộng đồng bên ngoài Nhà trường.

Phát biểu tại Lễ tổng kết Tuần lễ giáo dục mở lần 2, TS. Trần Ái Cầm nhận định: “Sau 01 năm Trường Đại học Nguyễn Tất Thành triển khai tài nguyên giáo dục công tác triển khai tài nguyên giáo dục mở đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong thời gian sắp đến, việc triển khai tài nguyên giáo dục mở sẽ gặp nhiều thuận lợi không chỉ riêng Nhà trường mà cho tất cả các cơ sở giáo dục Việt Nam. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cam kết cùng hợp tác với các trường đại học để cùng xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở dùng chung cho hệ thống cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, để tài nguyên giáo dục mở thật sự “Mở ra cơ hội học tập là mở ra cơ hội về lợi ích- lợi ích suốt đời và lợi ích cho tất cả mọi người”.

TS. Trần Ái Cầm cam kết cùng hợp tác với các trường đại học để cùng xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở dùng chung cho hệ thống cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam

Được biết, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là cơ sở giáo dục Việt Nam đầu tiên tại Miền Nam đã triển khai thực hiện toàn diện các hoạt động tài nguyên giáo dục mở (OER). Để hướng đến phục vụ cho cộng đồng góp phần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Để có cơ sở triển khai tài nguyên giáo dục mở một cách có hệ thống và đáp ứng mục tiêu theo Quyết định 1117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình xây dựng Tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học”, Nhà trường đã xây dựng Đề án Tài nguyên giáo dục mở giai đoạn 2023-2026, ban hành chính sách tài nguyên giáo dục mở, quy trình xây dựng sản phẩm tài nguyên giáo dục mở và tiêu chí đánh giá chất lượng các sản phẩm tài nguyên giáo dục mở, lập kế hoạch triển khai Tài nguyên giáo dục mở trong từng năm học, ban hành Khung năng lực tài nguyên giáo dục mở version 1.0 vào tháng 11/2023 và cập nhật ban hành Khung năng lực tài nguyên giáo dục mở version 2.0 vào tháng 11/2024. Bên cạnh đó Nhà trường đã tổ chức xây dựng nguồn nhân lực chuyên trách triển khai các hoạt động tài nguyên giáo dục mở của Nhà trường với sự tham gia của các phòng ban, trung tâm và các khoa, viện.

Để quản trị dữ liệu và hỗ trợ người sử dụng khai thác hiệu quả Tài nguyên giáo dục mở, Nhà trường đã nghiên cứu, tùy biến, Việt hóa các giải pháp mã nguồn mở ứng dụng thành công trong quản trị tài nguyên giáo dục mở. Nhà trường đã đưa vào sử dụng website Tài nguyên giáo dục mở, phần mềm quản lý dữ liệu tài nguyên giáo dục mở và phần mềm quản lý khóa học mở. Hệ thống các phần mềm này hỗ trợ hiệu quả cho sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu tiếp cận, chia sẻ, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên giáo dục mở.

Trong năm 2023-2024, Nhà trường đã triển khai các khóa tập huấn cho giảng viên và sinh viên của Nhà trường. Đối với giảng viên, Nhà trường đã triển khai các lớp tập huấn theo Khung năng lực tài nguyên giáo dục mở dành cho giảng viên – phiên bản version 1.0 với 15 năng lực trong 05 lĩnh vực cụ thể cho 385 giảng viên đến từ các Khoa, Viện Đào tạo, trong đó 100% giảng viên khoa CNTT của Nhà trường đã tham gia lớp tập huấn và đây cũng là đội ngũ chủ chốt tham gia giảng dạy về tài nguyên giáo dục mở cho sinh viên của của Trường. Đối với sinh viên, Nhà trường đã triển khai đưa Tài nguyên giáo dục mở chính thức vào giảng dạy trong học phần “Năng lực số và tài nguyên giáo dục mở” dành cho sinh viên khóa K24 của Nhà Trường. Bên cạnh đó Trường cũng đã triển khai đào tạo các các tập huấn Tìm hiểu về Tài nguyên giáo dục mở dành cho gần 600 sinh viên các khóa khác trong Nhà trường..

Với mục tiêu khai thác sử dụng tài nguyên giáo dục mở góp phần tăng cường chất lượng hiệu quả cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu, Nhà trường bước đầu đã triển khai xây dựng được 52 sản phẩm tài nguyên giáo dục mở bao gồm poster nghiên cứu khoa học, video kết quả nghiên cứu, giáo trình; cơ sở dữ liệu mở tạp chí khoa học công nghệ của Trường và chia sẻ 42 khóa học từ các đại học và tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới . Các sản phẩm tài nguyên giáo dục mở của Trường đều được xuất bản theo giấy phép Creative Commons. Một số học phần của các chương trình đào tạo đã đưa tài nguyên giáo dục mở vào trong đề cương học phần. Các nguồn tài nguyên giáo dục mở được Nhà trường chia sẻ và tổ chức theo lĩnh vực học thuật hỗ trợ thuận tiện khi tra cứu và sử dụng phục vụ cho học tập, giảng dạy và nghiên cứu

Trong hai năm liên tiếp 2023 và 2024, Nhà trường đã tổ chức sự kiện Tuần lễ Tài nguyên giáo dục mở thu hút sinh viên, giảng viên cùng tham gia. Để khuyến khích sinh viên, Nhà trường đã tổ chức liên tiếp hai năm cuộc thi Tìm hiểu về Tài nguyên giáo dục mở dành cho sinh viên toàn trường. Tháng 10/2023, Nhà trường đã phối hợp với Câu lạc bộ Giáo dục Mở Việt Nam thuộc Hiệp hội các Trường đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức thành công Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học Việt Nam” với hơn 200 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng tham dự.

Phát biểu tại lễ tổng kết, TS. Đặng Văn Huấn – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chính phủ sẽ xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên mở trong giáo dục đại học, trong đó gồm những nội dung như kho tài nguyên mở, cổng truy cập tài nguyên mở quốc gia, các hành lang pháp lý quy định chính sách trong việc chuẩn hóa về sở hữu trí tuệ, quản lý khai thác sử dụng tài nguyên và công tác tập huấn bồi dưỡng cho giảng viên và các sinh viên trong việc khai thác sử dụng tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho việc giảng dạy cũng như học tập trong trường đại học.

TS. Đặng Văn Huấn – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại chương trình 

Cũng trong khuôn khổ của chương trình, đã diễn ra toạ đàm Chia sẻ định hướng triển khai tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học. Buổi toạ đàm tập trung vào 4 nội dung: Triển khai, huy động khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia để xây dựng tài nguyên mở như thế nào; Những khó khăn trong quá trình truy cập vào cổng thông tin; Khai thác sử dụng phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập của sinh viên như thế nào?; Kỹ năng, kiến thức của giảng viên và sinh viên truy cập, khai thác, sử dụng tài nguyên mở Nhà trường được triển khai ra sao?

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những chính sách, hướng dẫn cụ thể để thúc đẩy việc phát triển và chia sẻ tài nguyên giáo dục mở, như: xây dựng cổng thông tin chia sẻ tài nguyên, khuyến khích các trường tham gia xây dựng và chia sẻ tài nguyên mở. Các đại biểu đề xuất xây dựng một mô hình quản lý và chia sẻ tài nguyên mở tập trung, có sự phối hợp giữa các trường đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, các trường đại học sẽ là đơn vị chủ chốt trong việc xây dựng và chia sẻ tài nguyên, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa ra các chỉ tiêu, chính sách để định hướng và hỗ trợ; xây dựng cổng thông tin chia sẻ tài nguyên mở, khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia xây dựng và sử dụng tài nguyên mở, tăng cường nguồn lực tài chính và hỗ trợ cho các hoạt động liên quan. Cuộc thảo luận đã tạo ra sự thống nhất về tầm quan trọng của việc phát triển và chia sẻ tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học triển khai hiệu quả. Bản quyền và thẩm định chất lượng của các học liệu là hai vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất, đa số các đại biểu cho rằng cần có hành lang pháp lý để bảo vệ quyền tác giả. Một vấn đề cũng được các đại biểu nêu ra đó chính là vai trò của trí tuệ nhân tạo đối với tài nguyên giáo dục mở.

Các đại biểu tham gia thảo luận 

Về định hướng hoạt động Tài nguyên giáo dục mở trong thời gian tới, KS. Lê Trung Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài Nguyên Giáo dục mở đưa ra một số gợi ý như: Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì các trường phối hợp tổ chức sự kiện Tuần lễ Giáo dục mở/ Tài nguyên giáo dục mở thường niên; Tham gia liên minh năng động Tài nguyên giáo dục mở, có thể một tổ chức lớn đăng ký tham gia với nhiều cơ sở giáo dục đại học bên trong tổ chức; Hoạt động về tài nguyên giáo dục mở nên tham khảo Bộ các tài liệu hướng dẫn của UNESCO; Xây dựng chương trình đào tạo tài nguyên mở gắn với chương trình chuyển đổi số và bộ 4 sản phẩm liên quan đến khung năng lực tài nguyên giáo dục mở; Triển khai việc xây dựng và nâng cao nhân thức và năng lực tài nguyên giáo dục mở trong các trường đại học….

KS. Lê Trung Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài Nguyên Giáo dục mở công bố khung năng lực tài nguyên giáo dục mở version 2 của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Từ các ý kiến của các chuyên gia chia sẻ tại buổi thảo luận TS. Trần Ái Cầm gửi lời cảm ơn tới các đại biểu đã tham gia buổi toạ đàm đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận hành tài nguyên số ở đơn vị mình và đưa ra những đề xuất quý báu, đồng thời cũng cảm ơn cán bộ, giảng viên Nhà ttrường, đã kiên trì và cam kết thực hiện kế hoach đã đưa, thêm một ý nhỏ trong việc nhà trường triển khai tài nguyên giáo dục mở là những sản phẩm của tài nguyên giáo dục mở được nhà trường thực hiện trên cơ sở khuyến khích các đơn vị phòng ban, cũng như các khoa, sinh viên từ chính các môn học của các thầy cô giảng dạy hoặc các nghiên cứu của các thầy cô từ đó sẽ được đăng ký thành tài nguyên giáo dục mở.

Trong Tuần lễ Tài nguyên giáo dục mở lần 2, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã trao bằng khen cho các sinh viên đạt giải trong cuộc thi Tìm hiểu tài nguyên giáo dục mở, đồng thời cũng trao bằng khen cho các đơn vị đã có những đóng góp cho việc triển khai công tác tài nguyên giáo dục mở.

Cũng tại Lễ tổng kết kỹ sư Lê Trung Nghĩa đã công bố khung năng lực tài nguyên giáo dục mở version 2 của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Phượng Nguyễn – Media 

Tin tức khácXem thêm