Cuộc thi viết Tri ân người thắp lửa – Tác giả Nguyễn Dương Hải Đức
Những năm tháng sinh viên là khoảng thời gian đầy thử thách nhưng cũng tràn đầy kỷ niệm đẹp đối với bất kỳ ai trong chúng ta và đặc biệt là đối với tôi – một cậu sinh viên đang theo đuổi đam mê truyền thông tại một ngôi trường đại học xa lạ ở thành phố. Trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng có một kỷ niệm đặc biệt khiến tôi mãi không thể quên. Đó là buổi học với PGS.TS. Vũ Quang Hào – người thầy không chỉ giúp tôi hiểu rõ hơn về ngành truyền thông mà còn truyền cho tôi động lực và định hướng đúng đắn cho con đường tôi đã chọn. Đối với một cậu sinh viên với nhiều hoài bão và định hướng tương lai như tôi, buổi học đó giống như một bước ngoặt quan trọng, giúp tôi thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận với nghề nghiệp trong tương lai.
Tôi vốn là một cậu học sinh lớn lên ở một tỉnh miền Tây, nơi mà điều kiện sống và học tập còn nhiều hạn chế. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã say mê với các chương trình truyền hình, những bản tin và cách mà thông tin được truyền tải đến khán giả. Đối với tôi, truyền thông không chỉ là cách để giao tiếp mà còn là sức mạnh để thay đổi tư duy, lan tỏa những giá trị tích cực trong xã hội. Hơn hết bên cạnh tôi lại có những thầy cô luôn giúp tôi nung nấu đam mê, chính điều này đã thôi thúc tôi quyết tâm lựa chọn vào ngành Quan hệ công chúng của ngôi trường đại học mang tên Bác tại Thành phố Hồ Chí Minh – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Khi bước chân vào giảng đường đại học, tôi không khỏi bỡ ngỡ trước sự khác biệt giữa cuộc sống đô thị sôi động và cuộc sống yên bình ở quê nhà. Tuy nhiên, với niềm đam mê mãnh liệt và sự khát khao học hỏi, tôi luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi ước mơ. Những tháng đầu tiên, tôi phải đối mặt với nhiều thử thách, đó chính là những kiến thức mới mẻ, môi trường học tập khác biệt và những áp lực từ cuộc sống tự lập. Đôi lúc tôi cảm thấy chênh vênh, lẻ loi về con đường mà mình đang đi, đó cũng là giai đoạn mà tôi cảm thấy bản thân mình đang mất phương hướng, không chắc chắn liệu mình có đủ khả năng để theo đuổi đam mê này hay không. Rồi một ngày, vào một buổi học mà tôi không ngờ rằng nó sẽ trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình, tôi được học với thầy Hào – một người thầy tôi luôn kính trọng và là tấm gương lớn của nhiều người làm nghề trong tương lai. Thầy là một người có kinh nghiệm dày dặn trong ngành truyền thông và là một trong những người tiên phong nghiên cứu về truyền thông tại Việt Nam. Thầy không chỉ là một giảng viên tận tụy mà còn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho sinh viên qua từng bài giảng.
Buổi học hôm đó xoay quanh chủ đề về sự phát triển của truyền thông trong bối cảnh hiện đại và cách truyền thông kế thừa giá trị truyền thống để tạo ra những xu hướng mới. Trong không gian yên tĩnh của lớp học, thầy Hào mở đầu buổi giảng bằng một câu nói mà tôi đến giờ vẫn nhớ như in: “Truyền thông là sự kế thừa và sáng tạo từ cái cũ, là sự chuyển mình và phát huy của truyền thống và hiện đại”. Câu nói ấy như một tia sáng chiếu rọi vào tâm trí tôi, làm tôi bừng tỉnh trước những suy nghĩ còn mơ hồ về ngành truyền thông mà mình đang theo đuổi. Thầy giải thích rõ ràng về ý nghĩa của câu nói ấy, truyền thông không phải chỉ là chạy theo những xu hướng mới mẻ, hiện đại mà quên đi giá trị của truyền thống. Thầy nhấn mạnh, truyền thông cần biết cách kế thừa những giá trị cốt lõi từ quá khứ, đồng thời phải sáng tạo, đổi mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại. Thầy lấy ví dụ về cách truyền thông đại chúng đã thay đổi theo thời gian, từ việc sử dụng báo giấy, radio đến sự bùng nổ của truyền hình và internet. Mỗi giai đoạn đều mang một dấu ấn riêng, nhưng điểm chung đó là sự kết nối giữa các thế hệ, giữa những giá trị cũ và mới.
Trong suốt buổi học, thầy không chỉ giảng dạy lý thuyết mà còn chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn mà thầy đã tích lũy được qua nhiều năm làm việc trong ngành. Thầy kể về những dự án truyền thông lớn mà thầy từng tham gia, những lần phải đối mặt với khó khăn, thách thức và cách thầy đã vượt qua chúng. Thầy không ngại nhắc đến những thất bại, nhưng chính những thất bại ấy đã giúp thầy rút ra bài học quý giá và hoàn thiện bản thân. “Truyền thông là một ngành đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo không ngừng, nhưng điều quan trọng nhất là phải biết học hỏi từ những sai lầm và luôn giữ vững giá trị cốt lõi” – Thầy nói.
Lời thầy dạy đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều sau buổi học hôm đó, tôi nhận ra rằng truyền thông không chỉ đơn thuần là việc tạo ra nội dung mới lạ mà là cách làm thế nào để nội dung ấy mang giá trị lâu dài, góp phần vào việc duy trì và phát triển văn hóa, xã hội. Tôi cũng hiểu rõ hơn về vai trò của người làm truyền thông, họ không chỉ là người sáng tạo nội dung mà còn là người truyền tải thông điệp một cách có trách nhiệm với cộng đồng. Với tối, buổi học ấy không chỉ giúp tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về ngành truyền thông mà còn truyền cho tôi một niềm tin mãnh liệt rằng con đường tôi đã chọn là đúng đắn, tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn, có thêm động lực để tiếp tục học hỏi và hoàn thiện bản thân. Sau buổi học ấy, tôi bắt đầu tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, tìm kiếm cơ hội thực tập tại các công ty truyền thông để có thêm kinh nghiệm thực tiễn. Nhờ những định hướng của thầy, tôi biết rằng mình không nên sợ hãi trước những khó khăn hay thách thức mà hãy xem đó là cơ hội để học hỏi và phát triển.
Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi cảm thấy biết ơn những lời dạy của thầy, đó không chỉ là những bài học về lý thuyết mà còn là bài học về cuộc sống, về cách nhìn nhận và đối mặt với những khó khăn trong nghề nghiệp. Chính nhờ sự định hướng đúng đắn của thầy, tôi đã tìm thấy con đường cho riêng mình, một con đường không chỉ dựa trên đam mê mà còn trên sự hiểu biết sâu sắc về giá trị truyền thống và hiện đại trong ngành truyền thông. Buổi học với thầy Vũ Quang Hào là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời sinh viên, đó là khoảnh khắc mà tôi thực sự hiểu rõ giá trị của ngành truyền thông và cũng là lúc tôi nhận ra rằng mình phải luôn cố gắng học hỏi, sáng tạo không ngừng, nhưng đồng thời phải biết trân trọng và phát huy những giá trị truyền thống. Với tôi, buổi học ấy không chỉ là một bài giảng bình thường mà là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để tôi tiếp tục vững bước trên con đường truyền thông mà mình đã chọn.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong lòng em trào dâng những cảm xúc biết ơn và trân trọng vô hạn đối với PGS.TS. Vũ Quang Hào cùng toàn thể quý thầy cô của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Những tháng ngày dưới sự dìu dắt của thầy cô, em không chỉ học được kiến thức mà còn học cách đối diện với cuộc sống, cách nuôi dưỡng khát vọng và xây dựng niềm tin. Sự tận tâm của thầy cô là ngọn đèn sáng soi đường, dẫn lối chúng em bước tới tương lai. Thầy như “người lái đò” thầm lặng, kiên nhẫn và bao dung, đưa biết bao thế hệ học trò qua những “con sóng lớn” của cuộc đời. Để hôm nay, khi em viết ra những lời tự sự này, em hiểu rằng phía sau mỗi bước đi trưởng thành của sinh viên là bóng dáng tận tụy thầy cô, là những giờ giảng dạy tận tình và những lời động viên, chỉ dẫn quý báu.
“Lặng xuôi năm tháng êm trôi
Con đò kể chuyện một thời rất xưa
Rằng người chèo chống đón đưa
Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều”.
( trích Thầy và chuyến đò xưa – Nguyễn Quốc Đạt )
Kính chúc thầy cùng toàn thể quý thầy cô sức khỏe, hạnh phúc và mãi là ánh sáng soi đường cho các thế hệ sinh viên vững bước trên hành trình chinh phục tri thức và xây dựng tương lai.
Bình chọn cho Tác giả Nguyễn Dương Hải Đức tại: TẠI ĐÂY
Họ tên: Nguyễn Dương Hải Đức
Lớp: 22DQH1A
MSSV: 2200001845