Cuộc thi viết Tri ân người thắp lửa – Tác giả Đỗ Kỳ Duyên

Đã lâu rồi tôi mới có dịp ngồi lại và cầm bút để viết, cảm giác tôi lúc này khá bồi hồi nhưng chứa đầy sự kính trọng và biết ơn về người thầy của mình – thầy Nguyễn Văn Hòa, giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Thầy là người giúp tôi hiểu rằng: “Mỗi bước đi trong cuộc sống đều mang theo những giá trị riêng cho bản thân”.  Nhớ về thầy, tôi không chỉ nhớ về những kiến thức thầy truyền tải mà còn cả về sự trưởng thành và lòng kiên nhẫn mà thầy đã dạy cho tôi.

Năm đó tôi dường như là một cô sinh viên Dược chưa trang bị sẵn cho mình kiến thức khi lên đại học, tôi khá lười và không tin tưởng vào sự cố gắng của bản thân. Một cô sinh viên năm hai nhưng tôi vẫn cảm thấy việc học của tôi khá lạc lối, đi liền với tôi là những điểm số không mấy khả quan, điều đó lại làm cho tôi cảm thấy chán nản hơn về việc học. Tôi vẫn cứ đến lớp nhưng tâm trí tôi thậm chí không còn hứng thú với việc học nữa. Cho đến khi tôi được học môn của thầy – Hóa vô cơ. Khi bước vào lớp, điều tôi ngạc nhiên nhất là hình ảnh một người thầy với mái tóc điểm bạc, thầy như mang theo cả một bầu trời kiến thức sâu rộng và những bài học quý giá từ cuộc đời, dường như nét phong trần của thời gian đã làm tăng thêm nét uy nghiêm của thầy.

Nhiều người có lẽ sẽ trải qua những kỷ niệm đáng nhớ về người thầy, người cô của mình bằng những lần la rầy, từ đó sửa sai và trưởng thành. Nhưng đối với tôi thì lại mang một sắc thái hoàn toàn khác, thầy đã mài giũa con người và ước mơ của tôi bằng sự tận tâm và thấu hiểu, từng lời dạy của thầy tuy ân cần nhẹ nhàng nhưng lại có sức thôi thúc ý chí và sự hoài bão lớn trong tôi. Thật sự, ngay lần đầu gặp, tôi cảm thấy thầy là một người giảng viên với vẻ mặt điềm đạm và ánh mắt lạnh lùng, tôi nghĩ rằng thầy sẽ khó gần. Tôi cảm thấy thời gian trong tiết học dường như trôi qua một cách chậm rãi, thậm chí tôi còn muốn tiết học mau kết thúc hơn nữa. Nhưng rồi, qua từng buổi học tôi nhận ra rằng đằng sau sự nghiêm khắc đó, thầy đã đặt cả sự tâm huyết cho sự nghiệp giảng dạy của mình. Có lẽ các bạn hỏi tôi vì sao tôi lại nhận ra ư? Điều này bắt nguồn từ một buổi học đặc biệt, hôm đó ngồi trong lớp nhưng tôi rất lơ là, không tập trung và thậm chí tôi còn ngủ gật. Thầy đã phát hiện nhưng thay vì la mắng hay làm tôi bối rối trước lớp thì ánh mắt thầy lại toát lên sự cảm thông, dường như thầy đã hiểu rằng sinh viên chúng tôi sẽ luôn có lúc rất mệt mỏi. Lời nói của thầy trầm ấm và thầy nói một câu phải làm cho tôi phải thay đổi cách nhìn khác về tầm quan trọng và trách nhiệm gánh vác trên vai mình thật lớn lao. Thầy nói: “Trọng trách của một người Dược sĩ lớn lao lắm các em, chúng ta không chỉ cung cấp thuốc mà chúng ta còn mang cả một sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ tính mạng của con người. Ngành dược không chỉ đơn thuần là mang đến những liều thuốc chính xác mà còn phải đặt cả sự tận tâm, tỉ mỉ trong từng liều thuốc. Việc học không chỉ là để đạt những con số cao nhưng nó còn là cả quá trình rèn luyện của bản thân nữa các em à!”. Chính vì câu nói của thầy đã làm cho tôi hiểu rằng không phải tôi yếu kém nhưng tôi thật sự chưa cố gắng. Câu nói của thầy tuy nhẹ nhàng đến thế nhưng lại khơi dậy trong tôi một động lực mạnh mẽ, lời nói của thầy như một ngọn lửa âm ỉ thôi thúc tôi hành động.

Sau lần đó tôi đã cố gắng hơn nữa và lần đầu tiên trong tay tôi cầm bài kiểm tra với con điểm số 9, thật sự lúc này đôi mắt tôi muốn vỡ òa, tôi cảm động vì bài học quý giá mà thầy đã dạy cho tôi và sự cố gắng của bản thân đã được đền đáp. Tôi đã thấy trong ánh mắt của thầy nhìn tôi là cả một sự tự hào về sinh viên của mình. Chính sự bao dung ấy của thầy đã làm thay đổi hoàn toàn con người tôi. Thật sự thầy chính là người chứng minh cho câu nói: “Trong mắt người làm vườn tận tâm, không có loài hoa nào là khó trồng”.

Không chỉ giúp tôi thay đổi bản thân, thầy còn có một phong cách giảng dạy vô cùng đặc biệt và thầy luôn chỉnh chu mọi chi tiết, từ slide bài giảng cho đến cách trình bày vấn đề. Thầy không mang đến cho chúng tôi những buổi học lý thuyết khô khan, nhưng thay vào đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa thực tiễn và sự sáng tạo, thầy còn chú trọng đến cách tương tác với sinh viên, luôn khuyến khích chúng tôi đặt câu hỏi và tham gia thảo luận. Nhờ vậy, mỗi tiết học của thầy không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là những cuộc đối thoại thực sự, nơi mọi ý kiến đều được lắng nghe và tôn trọng. Mỗi khi chúng tôi cảm thấy mệt mỏi thì thầy đã kéo tinh thần học tập của chúng tôi lên bằng những tiếng cười bởi những câu chuyện hài dí dỏm của thầy.

Ngoài hai từ cảm ơn, thật sự không còn từ nào có thể diễn tả được nỗi lòng của tôi bây giờ. Tôi muốn dành một lời cảm ơn sâu sắc đến thầy của mình, đến những người thầy người cô đã dạy tôi kiến thức và cả hành trang trong cuộc sống. Mẹ luôn dạy cho tôi rằng: “Khi nhìn lên ta không bằng ai nhưng khi nhìn xuống ta may mắn hơn rất nhiều người” và bây giờ khi ngẫm nghĩ lại tôi thấy mình rất may mắn khi theo học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tôi đã được gặp rất nhiều thầy cô tốt và tận tâm với nghề. Đối với tôi nghề nhà giáo chính là một nghề thiêng liêng chỉ sau nghề làm “mẹ”. Bạn biết không, chúng ta rất dễ dàng để thắp lên ngọn lửa nhưng thật khó để giữ ngọn lửa ấy sáng mãi và lan tỏa ánh sáng đến cho mọi người. Nghề giáo viên cũng thế, để truyền tải kiến thức và làm cách nào cho học sinh của mình là một con người tốt thì phải đổi lại cả những giọt mồ hôi của sự vất vả và phải thật sự tâm huyết với nghề.

Bây giờ tôi đã là sinh viên năm ba, tôi đã thật sự làm tốt việc học của mình, tôi luôn cố gắng và học hỏi không ngừng để có được tôi trong tương lai với một phiên bản hoàn hảo hơn. Nhân ngày 20/11 Ngày Nhà giáo Việt Nam, qua bài học bản thân từng trải, hy vọng rằng mỗi người chúng ta hãy luôn kính trọng và biết ơn thầy cô của mình nhiều hơn, và nếu có thể hãy nói lời cảm ơn và xin lỗi đến với thầy cô của mình. Cảm ơn vì thầy cô đã không ngại tận tâm chỉ bảo. Xin lỗi vì có đôi lần ta làm thầy cô phải phiền lòng. Hãy trân trọng từng giây phút khi bạn còn được ngồi trên giảng đường, được nghe lời chỉ dẫn và dạy dỗ của thầy cô dành cho mình mỗi ngày thì đó thật là điều may mắn.

Giáo dục là chìa khóa để mở ra cánh cửa vàng của tự do, không chỉ là việc học hỏi những kiến thức cơ bản, mà còn là việc khơi dậy sự tò mò và khát khao khám phá, giúp mỗi người tìm thấy bản thân và vị trí của mình trong thế giới này.”  – William Butler Yeats.

Bình chọn cho Tác giả Đỗ Kỳ Duyên tại: TẠI ĐÂY

Họ tên: Đỗ Kỳ Duyên

Lớp: 22DDS3D

Mã số sinh viên: 2200011014

Tin tức khácXem thêm