Toạ đàm “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tài nguyên giáo dục mở tại thư viện các trường ĐH ở Việt Nam”

NTTU – Sự thiếu hụt học liệu có chất lượng phục vụ cho việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu đang là vấn đề lớn trong các trường đại học Việt Nam, điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học. Tài nguyên giáo dục mở được coi là một giải pháp khả thi cho vấn đề này. Tài nguyên giáo dục mở sẽ giúp các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cũng như năng lực tự chủ, qua đó hỗ trợ cho sự phát triển bền vững. Với mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác giữa các trường đại học với các tổ chức, các cá nhân trong việc xây dựng, phát triển tài nguyên giáo dục mở góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, chiều ngày 01/10/2024 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng với Câu lạc bộ Giáo dục mở của Hiệp hội các trường đại học cao đẳng tổ chức buổi Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tài nguyên giáo dục mở tại thư viện các trường đại học ở Việt Nam”. Buổi toạ đàm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp thu hút sự tham gia của 200 đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu.

Tham dự chương trình về phía Vụ giáo dục Đại học có sự hiện diện của TS. Nguyễn Đức Trung- Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học (Tham dự trực tuyến); TS. Nguyễn Thảo Hương – Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học (Tham dự trực tuyến).

Về phía Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo TW có sự tham gia của PGS – TS Lê Huy Hoàng – Phó Vụ trưởng (tham dự trực tuyến).

Về phía Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có TS. Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội – nguyên UVTW Đảng (tham dự trực tuyến); TS. Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phụ trách chuyên môn (Tham dự trực tuyến); Ông Phạm Ngọc Lan, UVTV – Trưởng Ban Công tác Hội viên Hiệp hội.

Đại diện cho Câu lạc bộ giáo dục mở có TS. Lê Nguyễn Quốc Khang- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP. HCM, chủ nhiệm CLB Giáo dục mở cùng với đó là đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu gồm: Trường ĐH Phương Đông, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH HUFLIT, Trường ĐH Kinh Tế Nghệ An, Trường ĐH Đông Á, Trường ĐH Phú Xuân, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, Trường ĐH Khánh Hòa, Trường ĐH Kỹ Thuật Công nghiệp, ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, Trường Cao đẳng Thương mại..

Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đơn vị phối hợp tổ chức có sự góp mặt của TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường, cùng với sự tham dự của trưởng/phó các đơn vị, phòng ban, khoa, viện, trung tâm thuộc Trường.

Phát biểu tại chương trình TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường mong rằng buổi toạ đàm sẽ giúp các nhà quản lý, các chuyên gia, giảng viên, nhà nghiên cứu và các bộ phận có liên quan của Nhà trường nói riêng và các trường đại học, các viện nghiên cứu nói chung có cơ hội chia sẻ và trao đổi về kinh nghiệm triển khai tài nguyên giáo dục mở, cùng đóng góp ý tưởng hướng đến tạo lập một hệ sinh thái tài nguyên giáo dục mở cho các đại học Việt Nam, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình xây dựng mô hình tài nguyên giáo dục mở theo Quyết định 1117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường hy vọng buổi toạ đàm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng mô hình tài nguyên giáo dục mở 

TS. Trần Ái Cầm cũng nhấn mạnh rằng tài nguyên giáo dục mở cũng là định hướng lâu dài, nền tảng để Nhà trường thực hiện hướng đến mục tiêu số 4 (SDG4)- “Đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”- một trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc được Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã và đang triển khai, tham gia xếp hạng THE Impact Ranking- Xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học có tầm ảnh hưởng về phát triển bền vững.

Cũng trong khuôn khổ của buổi toạ đàm, Chủ nhiệm CLB – TS. Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP. HCM gửi lời cảm ơn tới Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm có ý nghĩa thiết thực này. Ông cũng hy vọng rằng thông qua buổi Tọa đàm các hoạt động triển khai tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, các trường sẽ xây dựng được mô hình tổ chức và khai thác tài nguyên giáo dục mở trên hệ thống chung một cách thống nhất, triển khai đại trà và nhân rộng mô hình khắp cả nước góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học của Chính phủ.

TS. Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP. HCM phát biểu tại buổi toạ đàm 

Tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận và ý kiến phát biểu đã tập trung vào 4 bài tham luận chính. Bài tham luận đầu tiên trình bày về “Một số kết quả triển khai tài nguyên giáo dục mở tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành”, nêu bật những thành quả bước đầu trong việc áp dụng tài nguyên giáo dục mở tại trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Bài tham luận thứ hai, “Học liệu mở Fulbright: Cơ hội và thách thức”, đề cập đến những cơ hội và thách thức trong việc áp dụng học liệu mở của Fulbright, dựa trên kinh nghiệm từ sáng kiến học liệu mở của Viện Công nghệ Massachusetts. Tham luận thứ ba tập trung vào “Một số vấn đề về phát triển hệ thống công nghệ, các khóa học mở HOU MOOCS đáp ứng cho đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Mở Hà Nội”, nhấn mạnh vai trò của các khóa học mở trực tuyến (MOOCs) trong giáo dục và chuyển đổi số. Cuối cùng, tham luận thứ tư đưa ra “Gợi ý triển khai tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học ở Việt Nam theo Quyết định số 1117/QĐ-TTg”, cung cấp các đề xuất và hướng dẫn về cách triển khai tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học.

Các báo cáo viên trình bày tham luận

Kết thúc buổi phần báo cáo, đại biểu và các chuyên gia đã thảo luận chuyên sâu về tầm quan trọng mà Tài nguyên giáo dục mở mang lại, cùng với đó là những sự chia sẻ kinh nghiệm của các bên tham gia giúp việc áp dụng và triển khai Tài nguyên giáo dục mở trong kỉ nguyên số.

Các đại biểu và các chuyên gia đã thảo luận chuyên sâu về tầm quan trọng mà Tài nguyên giáo dục mở

Buổi tọa đàm là hoạt động có ý nghĩa thiết thực việc chia sẻ tài nguyên thông tin và trao đổi tri thức trở thành một xu thế chủ đạo trong nền giáo dục hiện đại. Đối với giáo dục đại học, tài nguyên giáo dục mở đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khi sử dụng tài nguyên giáo dục mở, cán bộ, giảng viên và sinh viên có những lợi ích: Đây là nguồn tài nguyên học tập có chất lượng cao và dễ dàng cập nhật, chính sửa; Cơ hội ứng dụng kiến thức đã học trên phạm vị rộng hơn giới hạn của khóa học; Hỗ trợ tự học, tự nghiên cứu cũng như các hình thức học nhóm, cộng tác với nhau. Với sự thay đổi không ngừng, phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, tài nguyên giáo dục mở giúp cho giảng viên, sinh viên chủ động tiếp cận và cập nhật kiến thức để theo kịp sự phát triển, phát triển kỹ năng học tập suốt đời.

Thực hiện: Thiên Bảo – Phượng Nguyễn

Hình ảnh: Media 

Tin tức khácXem thêm