Các chuyên gia giáo dục bàn về “Đổi mới sáng tạo trên hệ sinh thái giáo dục số”

NTTU – Ngày 16/8/2024, tại cơ sở 300A Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia “Đổi mới sáng tạo trên hệ sinh thái giáo dục số lần thứ 3. Hội thảo do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng VSE (Vietnamese Science Editors), Học viện Dân tộc, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội và Học viện Quản lý Giáo dục Bộ GD&ĐT tổ chức. Tạp chí Giáo dục-Bộ GD&ĐT bình duyệt và xuất bản các báo cáo khoa học của Hội thảo

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học từ các trường đại học và cao đẳng trong cả nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Hoa Lư, Trường Đại học Tân Trào, Trường Đại học Phú Yên, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học RMIT Việt Nam, Trường Đại học An ninh, Trường Đại học Văn hóa, Trường Đại học Đông Á, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Công Nghệ TP.HCM, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Văn hoá – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế – Luật và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Tham dự hội thảo có hơn 300 đại biểu đến từ 23 đơn vị là các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc, cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và đại diện sinh viên của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Tham gia hội thảo, các chuyên gia sẽ có cơ hội khám phá những ý tưởng đột phá, đóng góp vào sự đổi mới sáng tạo trong giáo dục tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo 

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng mong rằng, hội thảo này sẽ là một diễn đàn dành cho các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên trao đổi về những nghiên cứu, kinh nghiệm và giải pháp sáng tạo trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái giáo dục số; đồng thời định hình các chiến lược và chính sách giáo dục phù hợp, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng toàn cầu hóa; nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đảm bảo khả năng thích ứng và phát triền bền vững trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

PGS. TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng phát biểu tại hội thảo 

Hội thảo Khoa học quốc gia “Đổi mới sáng tạo trên hệ sinh thái giáo dục số” lần thứ 3 được diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống trong đó có giáo dục. Hội thảo năm nay sẽ tập trung vào các chủ đề nổi bật như công nghệ giáo dục tiên tiến, các phương pháp giảng dạy và học tập hiện đại, các chiến lược tối ưu hóa hệ sinh thái giáo dục số để đáp ứng nhu cầu và thách thức của thời đại mới.

PGS. TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng gửi thư cảm ơn cho các diễn giả tham gia chương trình 

Hội thảo sẽ tập trung các vấn đề như: Phân tích các xu thế mới nổi trong hệ sinh thái giáo dục số từ dữ liệu Scopus giai đoạn 2014-2023, xác định năm xu thế nổi bật gồm trí tuệ nhân tạo, học máy, đào tạo trực tuyến, công nghệ chuỗi khối và kỹ năng số. Phát hiện này cung cấp nền tảng vững chắc để xây dựng chính sách và thúc đẩy hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục số tại Việt Nam (Nghiên cứu xu thế đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái giáo dục số bằng phương pháp phân tích trắc lượng thư mục của TS. Trần Ái Cầm và cộng sự từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành); Nghiên cứu khám phá khái niệm hệ sinh thái giáo dục số và các yếu tố cấu thành tại các trường đại học Việt Nam, đề xuất giải pháp cụ thể để phát triển môi trường học tập số, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng thích ứng của sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số (Quan niệm về hệ sinh thái giáo dục số trong các trường đại học ở Việt Nam của PGS.TS. Nguyễn Danh Nam và cộng sự từ Đại học Thái Nguyên); Báo cáo trình bày phương pháp sử dụng phần mềm trong giảng dạy thống kê, giúp sinh viên phát triển năng lực mô hình hóa toán học, nâng cao khả năng phân tích và giải quyết vấn đề của sinh viên, đồng thời cải thiện chất lượng giáo dục thông qua ứng dụng công nghệ thông tin (Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học thống kê theo hướng phát triển năng lực mô hình hóa cho sinh viên sư phạm của PGS.TS. Nguyễn Chí Thành và ThS. Nguyễn Thị Thảo Linh từ Đại học Quốc gia Hà Nội): Báo cáo tập trung vào việc khảo sát nhu cầu nhân lực và mức độ đáp ứng của chương trình đào tạo ngành Công nghệ giáo dục. Kết quả nghiên cứu giúp định hướng lại chương trình đào tạo để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động, đồng thời chuẩn bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 (Hình thành năng lực công nghệ cho sinh viên ngành Công nghệ giáo dục của TS. Nguyễn Lan Phương và TS. Bùi Thị Việt từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành); Báo cáo giới thiệu bộ tiêu chí đánh giá toàn diện hệ sinh thái học qua mạng, giúp các trường đại học đánh giá và cải thiện chất lượng giáo dục số. Bộ tiêu chí này cung cấp công cụ đánh giá toàn diện và gợi ý các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả và tính khả thi của hệ sinh thái giáo dục số (Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hệ sinh thái học qua mạng ở trường đại học của TS. Nguyễn Thanh Thủy và TS. Nguyễn Ngọc Phương từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM); Nghiên cứu khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy thống kê xác suất tại các trường trung học phổ thông. Kết quả nghiên cứu cho thấy kỹ năng CNTT và động lực của giáo viên là những yếu tố quan trọng, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng CNTT trong giáo dục (Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học thống kê xác suất ở trung học phổ thông của GS. TS. Trần Trung và ThS. Phạm Thế Quân từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2).

Các chuyên gia báo cáo tại hội thảo 

Được biết, các báo cáo toàn văn của Hội thảo được công bố trên Tạp chí Giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những nghiên cứu này không chỉ đóng góp quan trọng cho sự phát triển của giáo dục số mà còn mang lại những góc nhìn mới mẻ và giải pháp sáng tạo cho giáo dục tại Việt Nam.

Giáo dục là cốt lõi của sự phát triển. Chuyển đổi số trong Giáo dục là vô cùng cần thiết, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đã đem lại rất nhiều lợi ích cho ngành giáo dục. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được biết đến là một trong những đơn vị giáo dục triển khai chương trình chuyển đổi số từ khá sớm và đã được xây dựng thành mục tiêu trọng tâm. Từ năm 2017,  Nhà trường bắt đầu chú trọng việc tập huấn nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số; số hóa học liệu, bài giảng … để vận hành hệ thống giảng dạy E-Learning. Chính vì vậy, trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, thầy và trò Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn duy trì hoạt động dạy và học bình thường, sử dụng nền tảng số hóa bài giảng, mô phỏng mô hình tham quan thực tập nhà máy ảo…Năm 2021, Nhà trường triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035, trong đó tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu “Chuyển đổi số” từ công tác quản trị – số hóa hệ thống hành chính đến “Chuyển đổi số” trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học…

Một số hình ảnh khác của hội thảo

Thực hiện: Phượng Nguyễn

Hình ảnh: Media

Tin tức khácXem thêm