NTTU tổ chức tập huấn: “Quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu”
NTTU – Ngày 14/5/2024, tại cơ sở 300A Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Tập huấn “Quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu”, thu hút sự tham gia đông đảo của toàn thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên.
Buổi tập huấn có sự góp mặt của: TS. Trần Lê Hồng – Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS Lê Thị Nam Giang – Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ ĐH Luật TP. HCM; TS. Nguyễn Minh Huyền Trang – Nguyên là Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ – Đại học Quốc gia TP.HCM.
Về phía Trường đại học Nguyễn Tất Thành có sự hiện diện của ThS. Hồ Ngọc Huyền Trúc – Phó Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần Dệt May Sài Gòn kiêm Quyền Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; TS. Nguyễn Hữu Thuần Anh – Phó phòng Khoa học Công nghệ cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của trường.
Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, ThS. Hồ Ngọc Huyền Trúc – Quyền Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ: Hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) các kết quả nghiên cứu của giảng viên – nghiên cứu viên là chủ trương của lãnh đạo nhà trường được khuyến khích và ủng hộ. Để quản lý và khai thác có hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu trí tuệ nói riêng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giao Phòng Khoa học Công nghệ phụ trách làm đầu mối hướng dẫn thủ tục và tiến hành đăng ký.
ThS. Hồ Ngọc Huyền Trúc phát biểu tại buổi tập huấn
ThS. Trúc cho biết thêm, kinh phí đăng ký và tư vấn hỗ trợ làm hồ sơ đăng ký bằng sáng chế ở Cục Sở hữu trí tuệ được Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hỗ trợ 100%. Tất cả sáng chế đăng ký là kết quả nghiên cứu của giảng viên – nghiên cứu viên trong trường, và các sáng chế này đều do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành làm chủ đơn.
Nội dung tập huấn gồm 5 phần: Khái quát về đối tượng SHTT và quyền SHTT; Bảo hộ quyền SHTT trong trường đại học, viện nghiên cứu; Quyền SHTT và đổi mới sáng tạo, Thương mại hóa quyền SHTT và kết quả nghiên cứu; Quản lý hoạt động SHTT trong trường đại học; Một số điểm mới trong luật SHTT 2022.
Tại buổi tập huấn, TS. Trần Lê Hồng – Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ ấn tượng với những con số mà Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đạt được như: TOP 5 các trường ĐH trên cả nước về công trình nghiên cứu công bố quốc tế và có 04 bằng độc quyền sáng chế, 03 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 22 đơn đăng ký quyền SHTT được công bố trên hệ thống Wipo publish. Theo TS. Hồng, với định hướng trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Nguyễn Tất cần xác định công tác quản lý và khai thác tài sản trí tuệ không đơn thuần là đổi mới bình thường mà còn phải đẩy mạnh, có thêm nhiều sáng chế quốc tế và thương mại hóa được các kết quả nghiên cứu khoa học. Mặt khác, khi thương mại hóa được các kết quả nghiên cứu khoa học sẽ giúp nhà trường hạn chế phụ thuộc kinh phí thì hoạt động đào tạo.
TS. Trần Lê Hồng chia sẻ các thông tin về công tác Quản lý và khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học
Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng quyền SHTT là công cụ để thu lại lợi nhuận từ các kết quả nghiên cứu khoa học đồng thời quyền SHTT luôn đóng vai trò chủ chốt, đảm bảo cho việc chuyển giao công nghệ thành công do đó các trường đại học và viện nghiên cứu hiện rất quan tâm đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, cơ chế quản lý của các trường ngoài công lập tại Việt Nam, trong đó có Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện có nhiều thuận lợi hơn các trường công lập. Chủ động tạo ra quyền SHTT trong trường đại học góp phần khẳng định vị thế và uy tín, bên cạnh đó quản lý hoạt động SHTT hiệu quả giúp trường đại học có thể phát triển bền vững.
Buổi tập huấn diễn ra sôi nổi với phần trao đổi giữa diễn giả và cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên nhà trường giúp người tham gia hiểu hơn các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT, quy trình chuyển đổi các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị thương mại, việc thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp thị và bán hàng, hoặc hợp tác với các công ty hoặc tổ chức khác để phát triển và thương mại hóa sản phẩm.
Cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên trao đổi các nội dung tại buổi tập huấn
Từ nhiều năm qua Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và mời chuyên gia về phổ biến, trao đổi, hướng dẫn cho đội ngũ nhà trường về công tác sở hữu trí tuệ. Tính đến thời điểm hiện tại, Trường đã có đã có 04 bằng độc quyền sáng chế và 03 bằng giải pháp hữu ích, 15 đơn đăng ký sáng chế đã có quyết định chấp nhận đơn, 17 đơn đăng ký sáng chế đã nộp và đang chờ thẩm định. Trong thời gian sắp tới, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ dành cho tác giả của các giáo trình, tài liệu tham khảo biên soạn; tiếp tục đăng ký độc quyền sáng chế các kết quả nghiên cứu từ đó định hướng xây dựng việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các sáng chế này góp phần tái đầu tư cho NCKH.
Công tác nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ cho các giảng viên, nghiên cứu viên là một trong những hoạt động quan trọng góp phần không nhỏ cho mục tiêu chung: phát triển hệ thống SHTT đồng bộ, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo; cung cấp các thông tin về quyền sở hữu trí tuệ trong trường đại học diễn ra ở hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và thương mại; trao đổi các giải pháp nhằm phát triển năng lực sáng tạo và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trong các trường đại học Việt Nam nói chung và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói riêng trong thời gian tới; thúc đẩy việc thương mại hóa chuyển giao công nghệ với kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên, nghiên cứu viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành… nhằm xây dựng trường ĐH Nguyễn Tất Thành trở thành trường ĐH đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Tin: Nguyễn Viết Phan
Ảnh: Media