Hội thảo khoa học Ứng dụng sản phẩm Hóa – Dược trong cách mạng công nghiệp 4.0

NTTU – Chiều ngày 26/9/2023 tại Hội trường Bệnh viện Thống Nhất, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (TST) – Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Ứng dụng sản phẩm Hóa – Dược trong cách mạng công nghiệp 4.0”

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, giúp chia sẻ các nghiên cứu, trao đổi kiến thức, những ứng dụng tiềm năng trong lĩnh vực Hóa – Dược, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành này. Qua đó, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ, chuyên gia, doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên… trong lĩnh vực nghiên cứu, tìm hiểu, ứng dụng các sản phẩm Hóa – Dược được giao lưu, học hỏi lẫn nhau; trao đổi học thuật giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, các bạn sinh viên từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, học viện, doanh nghiệp; hình thành cộng đồng các nhà nghiên cứu về ứng dụng sản phẩm Hóa – Dược trong cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, hội thảo còn là nơi hội tụ các nhà khoa học và truyền cảm hứng cho thế hệ nhà khoa học trẻ Việt Nam, xây dựng mạng lưới nghiên cứu khoa học, kết nối lớp trẻ Việt Nam với bạn bè năm châu.

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của PGS.TS Võ Thành Toàn – Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM; PGS.TS. Trần Ngọc Quyển – Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS. Hoàng Thị Kim Dung – Viện trưởng Viện Công nghệ Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Cửu Khoa – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hương – Giảng viên Trường Đại học Hồng Bàng, Nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh; ThS. Đoàn Kim Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ; ThS. Trần Đức Sự – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ. Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; TS. Võ Thị Ngọc Mỹ- Phó Trưởng khoa Dược.

PGS.TS Võ Thành Toàn – Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất phát biểu khai mạc

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Võ Thành Toàn – Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết: “Trong những năm qua, lĩnh vực Hóa – Dược tại Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định, tuy nhiên về vật liệu ứng dụng Hóa – Dược trong giai đoạn cách mạng 4.0 còn rất nhiều hạn chế. Thông qua hội thảo, hy vọng sẽ chọn ra những sản phẩm nghiên cứu xuất sắc, có thể ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh để phụng sự cho bệnh nhân và phục vụ cho đất nước”.

Hội đồng khoa học thẩm định bài tham luận trình bày tại Hội thảo

Chương trình hội thảo gồm 3 phần chính: Khai mạc Hội thảo và phần chia sẻ những nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực Hóa – Dược của 2 diễn giả chính: GS.TS. Nguyễn Cửu Khoa – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam báo cáo nội dung về “Công nghệ nano ứng dụng trong thuốc, đặc biệt thuốc chống ung thư” và PGS.TS. Jongman Yoo – CEO, Organoidsciences, Ltd, Associate professor, CHA University School of Medicine – Hàn Quốc báo cáo nội dung về “Organoid based drug discovery and development; From science to Industry” (Sàng lọc phát hiện và phát triển thuốc trên công nghệ Organoid: Từ nghiên cứu khoa học đến công nghiệp).

Phần 2: Các tác giả tham luận sẽ trình bày giới thiệu nghiên cứu của mình thông qua hình thức poster, cụ thể gồm 2 tiểu ban: Hóa học và Dược học. Hội đồng khoa học sẽ tuyển chọn 3 bài tham luận xuất sắc nhất từ mỗi tiểu ban để tham gia báo cáo tại phiên tiểu ban. Ngoài ra, hội đồng cũng sẽ chọn mỗi tiểu ban 3 bài tham luận để trao giải poster ấn tượng.

Phần 3: Ba bài tham luận có chất lượng nhất của mỗi tiểu ban được Hội đồng khoa học chọn từ phiên trình bày poster sẽ vào phiên tiểu ban báo cáo nội dung của đề tài. Các bài tham luận được tham gia báo cáo tại phiên tiểu ban đều là những bài có chất lượng tốt được hội đồng xem xét trao các giải Nhất, Nhì, Ba.

Trong đó, các bài tham luận tập trung vào chủ đề: Các ứng dụng sản phẩm Hóa – Dược trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm các sản phẩm, ngành hàng trong lĩnh vực Hóa – Dược mới được ứng dụng trong thời đại số; ứng dụng AI, IoT,… trong số hóa ngành Hóa – Dược; dây chuyền sản xuất, công nghệ mới để tăng giá trị dược liệu; các phương pháp cải tiến, giải pháp trong quy trình sản xuất sản phẩm; ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành Hóa – Dược; giải pháp phát triển ngành Hóa – Dược theo hướng bền vững và các nội dung khác liên quan đến chủ đề Hội thảo.

Trong hai tháng phát động, ban tổ chức đã nhận về 81 bài tham luận đến từ 35 đơn vị là các trường đại học, học viện trong và ngoài nước, doanh nghiệp và viện nghiên cứu. Tham dự tại hội thảo lần này Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mang đến 22 đề tài nghiên cứu, trong đó đạt 01 giải Ba tại báo cáo tham luận và 02 giải báo cáo poster đến từ đội ngũ giảng viên, sinh viên, cán bộ nghiên cứu thuộc khoa Dược và Viện Ứng dụng Công nghệ & Phát triển bền vững.

TÁC GIẢ/NHÓM TÁC GIẢ

BÀI THAM LUẬN ĐƠN VỊ ĐẠT GIẢI
TS. Nguyễn Quốc Khương Anh

ThS. Ngô Thị Cẩm Quyên

ThS. Hoàng Bích Ngọc

ThS. Trần Thị Kim Ngân

KS. Phạm Thị Thanh Hương

Nghiên cứu tổng hợp xúc tác iron tungstate để hoạt hóa sulfite ứng dụng oxi hóa arsenite Viện Ứng dụng Công nghệ và Phát triển bền vững Ba
TS. Võ Thị Ngọc Mỹ

Sinh viên Nguyễn Thị Lộc

Khảo sát hoạt tính chống oxy hóa, kháng viêm và ức chế enzym tyrosinase của cao chiết thân rễ Ngải bún Khoa Dược Poster
TS. Trần Anh Vỹ Control potential of Aedes mosquito larvae of compounds isolated from Boehmeria nivea Viện Ứng dụng Công nghệ và Phát triển bền vững Poster

Khi khoa học và công nghệ đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của từng quốc gia, từng doanh nghiệp thì việc đổi mới công tác giáo dục đào tạo kết hợp chặt chẽ với NCKH là một xu thế, một biện pháp tích cực của nền giáo dục năng động, sáng tạo. Xác định rõ điều này, trong những năm qua Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã chủ động triển khai rộng rãi, có chiều sâu hoạt động NCKH ở tất cả các lĩnh vực đào tạo từ sức khỏe, khoa học tự nhiên, nông – lâm – ngư nghiệp đến khoa học xã hội và nhân văn, công nghệ… Từ đó tạo điều kiện để các giảng viên, sinh viên, cán bộ nghiên cứu trao đổi, thảo luận về các hướng nghiên cứu mới, hoặc cùng hợp tác, phối hợp nghiên cứu các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, Nhà trường còn có cơ chế, chính sách hỗ trợ thường xuyên, tạo điều kiện cho CBGV, SV tham gia tuyển chọn, xét chọn các đề tài khoa học, tổ chức khen thưởng động viên các cá nhân có thành tích… Từ kết quả đạt được, mục tiêu đặt ra của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới công tác quản lý hoạt động NCKH; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức KH&CN trực thuộc Trường; xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh; đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, không ngừng tăng cường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu để nâng cao số lượng và chất lượng các công trình NCKH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

Phòng Khoa học Công nghệ 

Tin tức khácXem thêm