Cán bộ, giảng viên, người lao động Trường ĐH Nguyễn Tất Thành gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
NTTU – Chiều ngày 15/8, cán bộ, giảng viên, người lao động Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã gặp gỡ, trình bày các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục
Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở Giáo dục và Đào tạo và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học. Chủ trì điểm cầu chính có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại điểm cầu Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Lan Phương – Phó Hiệu trưởng cùng các thầy cô là trưởng/phó các đơn vị, khoa, trung tâm và đại diện cán bộ, giảng viên, người lao động.
Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên tại điểm cầu Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Chương trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục là dịp để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục được nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác. Đây cũng là dịp để Bộ trưởng lắng nghe ý kiến phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoàn thiện chính sách; động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên công tác trong ngành. Tại sự kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, trong đó có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và đào tạo, trong số các ý kiến gửi về Bộ của các cơ sở giáo dục đại học, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; Cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới …
Nhiều ý kiến được trình bày tại buổi gặp gỡ, đồng thời nhận được các giải đáp từ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với các vấn đề liên quan. Đối với các ý kiến chưa được trao đổi trực tiếp sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê, trả lời bằng văn bản đến các trường đại học.
Là trường đại học ngoài công lập, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã góp một phần không nhỏ trong công tác giáo dục đại học. Hằng năm, Nhà trường cùng cấp cho thị trường lao động hàng nghìn bác sĩ, cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư chuyên môn cao, tay nghề giỏi cùng khả năng thích ứng với môi trường lao động linh hoạt. Trong chiến lược phát triển trường ĐH Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030, Nhà trường hướng đến trở thành một trường đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, có tính hội nhập cao, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội nhập và có sức cạnh tranh cao trong thị trường lao động, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, khu vực và Quốc tế.
Tin: Hồng Quang
Ảnh: Media