Đại học Nguyễn Tất Thành chú trọng kết nối với doanh nghiệp
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xây dựng mô hình đào tạo “từ nhà trường đến doanh nghiệp” nhằm cung cấp nguồn nhân lực thích ứng nhanh cho thị trường lao động.
Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nên bối cảnh nhiều triệt tiêu ngành nghề, đồng thời, sinh ra nhiều công việc mới, đòi hỏi người lao động phải nâng cao trình độ. Điều này cũng thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia vào công tác đào tạo để chủ động xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và lâu dài.
Theo đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, sự gắn kết nhà trường – doanh nghiệp trong đào tạo vừa giúp nhà trường đào tạo đúng trọng tâm, nâng cao tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, vừa thúc đẩy các trường xác định rõ thị trường lao động đang cần điều gì. Từ đó, chất lượng đầu ra và năng lực cạnh tranh của cơ sở giáo dục nâng cao rõ rệt.
Qua đây, người học cũng có cơ hội tiếp cận môi trường doanh nghiệp thực tế để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng làm việc và làm quen với văn hóa doanh nghiệp, tránh bỡ ngỡ khi làm việc sau tốt nghiệp. Song song, thông qua các ký kết hợp tác, doanh nghiệp có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục, dễ dàng chọn được nguồn nhân lực chất lượng, từ đó, tiết kiệm nhiều khoản chi phí, thời gian đào tạo lại.
Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Ảnh: Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Với quan điểm lấy người học làm trung tâm, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành liên tục đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển của xã hội. Trường xây dựng mô hình đào tạo bốn yếu tố: nhà trường – nhà doanh nghiệp – nhà quản lý – nhà nghiên cứu. Theo đó, việc kết nối, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trở thành hoạt động ưu tiên.
Tại đây, bên cạnh các chương trình lý thuyết giảng dạy tại trường, sinh viên có thể theo học các chương trình thực hành tại doanh nghiệp, do chuyên gia của các đơn vị này trực tiếp hướng dẫn. Trường có hơn 50% giảng viên là doanh nhân tham gia vào quá trình đào tạo. Các CEO, chuyên viên cao cấp này đã được chuẩn hóa chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.
Sinh viên kiến tập tại Tập đoàn Mạnh Hùng. Ảnh: Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Ngoài thời gian đứng lớp, các giảng viên doanh nhân tham gia cố vấn, góp ý cải tiến các chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy tại trường. ThS. Nguyễn Văn Ngà – Phó tổng giám đốc Công ty CP Mebi Farm kiêm giảng viên doanh nhân Khoa Quản trị kinh doanh chia sẻ, đội ngũ truyền đạt cho sinh viên kiến thức được đúc kết qua quá trình vận dụng lý thuyết hàn lâm kết hợp kinh nghiệm thực tế.
“Đó chính là những trải nghiệm và kiểm chứng khi chúng tôi làm việc tại hiện trường, điều hành, kinh doanh thực tế, không thuần là lý thuyết sách vở”, ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có Câu lạc bộ Doanh nghiệp. Đây là diễn đàn để nhà trường, doanh nghiệp, giảng viên, người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi và hợp tác hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Với trường, các doanh nghiệp là cánh tay nối dài hỗ trợ cơ sở đào tạo mở rộng xưởng thực hành, phòng thí nghiệm, phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng xin việc, tuyển dụng trực tiếp… tạo ra hàng nghìn việc làm mỗi năm cho sinh viên.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Câu lạc bộ doanh nghiệp tổ chức chương trình Ngày hội tuyển dụng. Ảnh: Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Theo TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thánh, việc hợp tác với doanh nghiệp đã mang lại nhiều hiệu quả cho trường, trực tiếp là sinh viên. Song, mục đích chính của trường là tiếp tục phát triển mối gắn kết này chặt chẽ hơn, trở thành kênh quảng bá chính thức kết nối người học với doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên ra trường không chỉ tìm được việc làm mà còn phải làm được đúng chuyên ngành.