Thực hiện công tác tuyển sinh đại học thông qua căn cứ khoa học của hệ thống đánh giá năng lực
NTTU – Sáng 17/06, tại cơ sở quận 4, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã phối hợp cùng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) tổ chức Toạ đàm “Căn cứ khoa học của hệ thống đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học”
Tham dự chương trình, về phía Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) có: GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội); PGS. TS Lê Thái Hưng– Phó Hiệu trưởng; PGS. TS Trần Thành Nam– Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục. Về phía Công Ty TNHH Giáo Dục Edmicro có: Ông Nguyễn Ngọc Quế – CEO Công Ty TNHH Giáo Dục Edmicro; Ông Đặng Bảo Linh – GĐ Kinh doanh Công Ty TNHH Giáo Dục Edmicro.
Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng, cùng các thầy cô là trưởng/phó các đơn vị, phòng ban.
Phát biểu khai mạc chương trình, thay mặt ban Giám hiệu Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn đến đoàn công tác Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống đánh giá năng lực. TS. Trần Ái Cầm cho biết, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã đặt mối quan hệ hợp tác từ năm 2020, đến nay lãnh đạo hai đơn vị xác định các công việc cần thực hiện chính trong thời gian tới bao gồm: Xây dựng đề án tuyển sinh theo hướng mở, đổi mới cho Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Xây dựng đề án nghiên cứu đề xuất mô hình quản trị phù hợp với định hướng phát triển của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết việc nghiên cứu mô hình quản trị là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà trường
TS. Cầm nhấn mạnh, đến năm 2030 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành định hướng trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo, chính vì thế việc nghiên cứu mô hình quản trị là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà trường. Và tọa đàm “Căn cứ khoa học của hệ thống đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học” chính là diễn đàn chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác triển khai hoạt động, cải tiến tuyển sinh – công tác huyết mạch của trường đại học ngoài công lập.
Tại tọa đàm, các diễn giả đã trình bày các tham luận, giới thiệu, giải thích và cung cấp những vấn đề cơ bản của đo lường và đánh giá năng lực dựa trên cơ sở của các lý thuyết và kỹ thuật đo lường tâm lý như: các yêu cầu và khả năng ứng dụng đánh giá thích ứng khi xây dựng hệ thống đánh giá năng lực hay vai trò của việc đánh giá miền phi nhận thức trong thang Bloom trong tuyển sinh đại học. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong kiểm tra – đánh giá – khảo thí cho mục tiêu tuyển sinh đại học cũng được các diễn giả nhấn mạnh, đặc biệt là trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.
PGS.TS Lê Thái Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục trình bày tham luận Xây dựng hệ thống đánh giá năng lực: các yêu cầu và khả năng ứng dụng đánh giá thích ứng
PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục trình bày tham luận Sự cần thiết về đánh giá miền phi nhận thức trong thang Bloom trong tuyển sinh ĐH
Tham luận “Ứng dụng công nghệ trong kiểm tra – đánh giá – khảo thí cho mục tiêu tuyển sinh ĐH” do ông Nguyễn Ngọc Quế – CEO Công Ty TNHH Giáo Dục Edmicro trình bày
Chia sẻ về công tác xây dựng hệ thống đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết, với những kinh nghiệm mà Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã thực hiện sẽ “phá băng” những khó khăn, thắc mắc trong quá trình xây dựng thế thống đánh giá năng lực. Đồng thời, trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ đã ký kết, hai đơn vị sẽ phối hợp cùng nhau xây dựng hệ thống đánh giá năng lực cải tiến.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết hai đơn vị sẽ phối hợp cùng nhau xây dựng hệ thống đánh giá năng lực cải tiến
Thông qua tọa đàm, nhiều thầy cô đã đưa ra ý kiến, đặt nhiều vấn đề liên quan đến công tác khảo thí, giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong công tác tổ chức kiểm tra hay đặt yêu cầu về mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với từng khoa chuyên môn.
Nhiều vấn đề được các Thầy/cô đặt ra tại tọa đàm
Hoạt động đánh giá là một khâu quan trọng trong quản lý nói chung và trong quản lý giáo dục nói riêng. Cơ sở của hoạt động đánh giá liên quan chặt chẽ với các lý thuyết, kỹ thuật do lường tâm lý và đo lường khách quan về kỹ năng và kiến thức, thái độ, đặc điểm tính cách và thành quả giáo dục. Thông qua đó, đề xuất các tiêu chí xây dựng hệ thống đánh giá năng lực để triển khai các hoạt động quản lý và triển khai công việc cho toàn thể giảng viên và người lao động của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Tin: Hồng Quang
Ảnh: Media