Xu thế phát triển ngành dược Việt Nam những năm gần đây
NTTU – Năm 2020, quy mô thị trường ngành dược thế giới khoảng 1.265 tỷ USD với sự tăng trưởng về doanh thu tăng đều trong suốt hai thập kỷ qua. Dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến ngành trong ngắn hạn. Việc sử dụng ngày càng nhiều dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong việc nghiên cứu bệnh tật và phát triển một cách ồ ạt các thuốc mới đã đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành
Tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành Dược
Dự kiến thị trường dược phẩm thế giới tiếp tục tăng trưởng trong 5–10 năm tới với tỷ lệ tăng trưởng kép 10,5%. Nhìn chung, không có nhiều biến động giữa các công ty dược đầu ngành. Các công ty lớn nhất tính theo doanh thu dược phẩm là Pfizer, Merck và Johnson & Johnson – tất cả đều của Mỹ và 2 công ty lớn Thụy Sĩ là Roche và Novartis. Trong nhiều năm, Pfizer là công ty dẫn đầu toàn cầu, nhưng đã bị các công ty Thụy Sĩ vượt qua vào năm 2019. Roche không chỉ là công ty sản xuất thuốc công nghệ sinh học lớn nhất thế giới mà còn là công ty hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực ung thư.
Theo đánh giá của Tổ chức IQVIA Institute (trước đây là IMS Health and Quintiles) có tất cả 17 quốc gia thuộc nhóm Pharmerging Markets (là nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới). Nhóm Pharmerging Markets được chia làm 3 nhóm nhỏ, Việt Nam xếp vào nhóm thứ 3 gồm 12 quốc gia với mức tăng trưởng 14% – chỉ xếp sau Argentina, Pakistan.
Tiềm năng tăng trưởng của ngành dược ở nước ta đang được đánh giá cao bởi một số yếu tố như dân số Việt Nam hiện nay khoảng 97,3 triệu người. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 2.750 USD. Mức chi tiêu tiền thuốc bình quân của Việt Nam vào khoảng 75 USD (2019), và 97 USD ở năm 2021, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trong khu vực. Mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010–2019 là 14,8%. Duy trì mức tăng trưởng bình quân ít nhất 14% đến năm 2028, đạt mức 111 USD vào 2022 và 248 USD vào năm 2028. Với dân số lớn và nền kinh tế còn nhiều tiềm năng tăng trưởng thì thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai.
Nhìn về dài hạn, ngành dược có nhiều tiềm năng tăng trưởng cho cả các công ty sản xuất, cũng như những tập đoàn bán lẻ do quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn đồng thời dân số đang bước vào giai đoạn “già hóa”. Tỷ lệ dân số vàng của Việt Nam hiện đang nằm ở mức đỉnh và đang bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, người từ 60 tuổi trở lên chiếm hơn 12% dân số vào năm 2021. So với các quốc gia khác, Việt Nam chỉ mất 18 năm để dân số trên 65 tuổi tăng từ 7% lên 14%, ngắn hơn so với Thái Lan, Nhật Bản, Úc và Pháp. Theo Tổng cục Dân số, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Thậm chí, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số. Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng đối với chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và thu nhập của người dân cũng tăng cao hơn khiến chi tiêu cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung và tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người sẽ nhiều hơn.
Bên cạnh đó, môi trường sống bị ô nhiễm, lối sống thiếu lành mạnh và đồ ăn thiếu vệ sinh là nguyên nhân gây ra các bệnh mãn tính và truyền nhiễm khiến nhu cầu đối với các loại dược phẩm điều trị những bệnh này gia tăng. Đáng lưu ý, trong gánh nặng bệnh tật kép, người Việt Nam thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên có 3 bệnh, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm, đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm rất cao so với các nước khác. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng lên trong những năm qua. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ở mức 73,5 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), thị trường ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021.
Kênh ETC (đấu thầu thuốc bán cho bệnh viện) chiếm khoảng 70% thị trường thuốc, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, là những khu vực có nhiều bệnh viện với nhu cầu sử dụng thuốc chuyên khoa đặc trị cao. Hiện nay, thị phần ở kênh ETC chủ yếu vẫn đến từ thuốc nhập khẩu. Vì vậy, việc đầu tư, nâng cấp nhà máy lên tiêu chuẩn cao như EU – GMP, PICs – GMP để sản xuất các thuốc có chất lượng cao nhằm đấu thầu vào kênh ETC để bán thuốc cho bệnh viện sẽ là lời giải cho bài toán tăng trưởng trong thời gian tới.
Top 10 công ty dược Việt Nam uy tín năm 2022
Kênh OTC (thuốc không kê đơn – phân phối qua các cơ sở bán lẻ thuốc) chiếm 30% thị trường thuốc. Tổng số cơ sở bán lẻ thuốc là 62.000 (số liệu đến hết năm 2019). Việt Nam thuộc vào một trong những nước có mật độ nhà thuốc cao nhất trên thế giới. Theo báo cáo của VIRAC, hiện nay, trong thị trường bán lẻ dược phẩm đang tồn tại cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa những tên tuổi lớn như Pharmacity, Long Châu và An Khang. Trong tương lai, kế hoạch của 3 chuỗi nhà thuốc hàng đầu sẽ đưa tổng số cửa hàng thuốc trong chuỗi nhà thuốc lên 7,300 cửa hàng trong năm 2025, tương đương 16% thị phần và do đó kích thích doanh thu ngành dược tăng cao hơn nhu cầu thực tế của người dân trong 2–5 năm tới, chủ yếu do các cửa hàng mới này sẽ đẩy mạnh tích trữ tồn kho thuốc.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng và các thuốc thay thế (dùng để điều trị cùng một loại bệnh) đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà sản xuất đến sau và làm gia tăng mức độ cạnh tranh trong ngành. Đồng thời, các nguyên liệu sản xuất Dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên và chiết xuất từ thực vật đang được chú trọng nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các loại thuốc mới thân thiện với sức khỏe con người và ít tác dụng phụ hơn.
Nhìn chung, ngành dược Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển, góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực dược. Tuy nhiên việc đầu tư mở rộng, tăng năng suất, nâng cấp nhà máy đạt chuẩn GMP, hoạt động nghiên cứu phát triển còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong ngành dược cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tăng cường công tác quản trị rủi ro đặc biệt là công tác dự trữ nguyên liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kinh doanh, nhằm đạt được mục tiêu phát triển của từng doanh nghiệp cũng như xu hướng phát triển của ngành và hội nhập kinh tế toàn cầu.
Tài liệu tham khảo
1. GMPC Việt Nam, 2022, Phân tích thị trường dược phẩm thế giới và Việt Nam 2022, truy cập tại https://gmp.com.vn/phan-tich-thi-truong-duoc-pham-the-gioi-va-viet-nam-2022-n.html ngày 01/12/2022.
2. VIRAC, 2022, Triển vọng ngành dược phẩm nửa cuối năm 2022, truy cập tại https://viracresearch.com/trien-vong-nganh-duoc-pham-nua-cuoi-nam-2022/ ngày 01/12/2022.
ThS Nguyễn Thị Như Quỳnh (K.Dược)