Khuyến cáo tầm soát các bệnh ung thư thường gặp và yếu tố nguy cơ

NTTU – Tầm soát ung thư là một quá trình phức tạp và tốn nhiều công sức, mỗi loại ung thư có những xét nghiệm tầm soát nhất định. Hiện nay không có một loại xét nghiệm nào có thể phát hiện được tất cả các loại ung thư. Do đó việc tầm soát những loại ung thư thường gặp tùy thuộc vào tuổi, giới tính và các yếu tố nguy cơ. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) khuyến cáo tầm soát các loại ung thư sau: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt

1. Ung thư vú

Ở Việt Nam, mỗi năm có tới 5.000 người tử vong và 11.000 phụ nữ mắc mới. Trong 15 năm tới, con số này dự tính sẽ tăng lên 33,3% và hơn nữa. Ung thư vú được khuyến cáo tầm soát cho phụ nữ trong độ tuổi từ 40 tuổi trở lên và xét nghiệm thường được lựa chọn để được tầm soát ung thư vú là chụp nhũ ảnh.

Khuyến cáo: phụ nữ 40-54 tuổi: 1 năm 1 lần; phụ nữ >55 tuổi: 2 năm 1 lần; phụ nữ 20-40 tuổi: 3 năm 1 lần.

2. Ung thư cổ tử cung:

Nằm trong top 3 bệnh lý ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới, ung thư cổ tử cung đã và đang là “vấn đề nhức nhối” bởi bệnh có xu hướng gia tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có hơn 500.000 ca mắc mới, khoảng 250.000 người tử vong, ước tính đến năm 2030 con số tử vong sẽ tăng lên hơn 400.000 người, gấp đôi các trường hợp tử vong có liên quan đến biến chứng thai kỳ. Xét nghiệm thường được lựa chọn trong tầm soát ung thư cổ tử cung là phiến đồ âm đạo (PAP test) và xét nghiệm virus HPV (HPV DNA).

Khuyến cáo: phụ nữ 21–29 tuổi: làm PAP test mỗi 3 năm 1 lần; phụ nữ 30–65 tuổi: làm PAP test và HPV DN 5 năm 1 lần hoặc chỉ làm PAP test mỗi 3 năm 1 lần; Phụ nữ > 65 tuổi: nếu có 3 lần liên tục PAP test âm tính và 2 lần liên tục xét nghiệm HPV âm tính (trong vòng 10 năm gần nhất), có thể ngưng làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.

3. Ung thư đại trực tràng

Là căn nguyên gây tử vong đứng thứ 4 trên thế giới và đứng thứ 5 tại Việt Nam. Bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn càng sớm thì hiệu quả điều trị càng tốt và khả năng kéo dài sự sống cho bệnh nhân càng cao.

Khuyến cáo:

– Tầm soát cho người trưởng thành trong độ tuổi từ 45 – 75 tuổi bằng một trong các xét nghiệm sau: thử máu ẩn trong phân mỗi năm 1 lần; tìm DNA bất thường trong phân mỗi 3 năm 1 lần hoặc nội soi đại trực tràng mỗi 10 năm 1 lần.

– Đối với những người trên 75 tuổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe riêng của mỗi người, thời gian sống thêm mong đợi, tiền sử các xét nghiệm tầm soát trước đó mà bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn cụ thể trong việc thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng.

4. Ung thư tuyến tiền liệt

Là bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi, gây tử vong. Tại Việt Nam, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 11 với 3.959 ca mới mắc và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13 với 1.873 ca tử vong năm 2018. Ung thư tuyến tiền liệt được tầm soát ở nam giới từ 50 tuổi trở lên bằng xét nghiệm định lượng PSA (prostate-specific antigen). Tuy nhiên lợi ích của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Do đó những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ sẽ được bác sĩ cung cấp những ưu và nhược điểm của việc xét nghiệm để họ quyết định có thực hiện tầm soát hay không.

5. Ung thư phổi

Theo thống kê từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến đứng thứ 2 trên thế giới (chiếm 11,4%) với khoảng 2,2 triệu ca mắc mới năm 2020. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong tất cả các bệnh ung thư với gần 1,8 triệu ca tử vong trong năm. Tại Việt Nam, GLOBOCAN ghi nhận có hơn 26.000 ca mắc ung thư phổi và gần 24.000 ca tử vong. Ung thư phổi được sàng lọc bằng chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp và được khuyến cáo sàng lọc đối với những đối tượng sau: Độ tuổi từ 55 – 74 tuổi có sức khỏe tốt, hút thuốc lá >= 30 gói/năm, đang hút thuốc lá hoặc đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm vừa rồi.

Nguy cơ trong tầm soát ung thư

Mỗi phương tiện tầm soát đều có lợi ích và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại, vì lí do đó nên bạn cần phải trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện bất kì xét nghiệm tầm soát ung thư nào. Bất lợi có thể gặp phải là kết quả dương tính giả, khi bác sĩ quan sát thấy những hình ảnh giống với ung thư nhưng thực sự không phải ung thư. Kết quả này sẽ dẫn đến việc thực hiện nhiều xét nghiệm, tốn kém nhiều về tiền bạc và thời gian, ngoài ra còn mang lại cảm giác lo lắng cho người tầm soát. Bất lợi gặp phải tiếp theo là chẩn đoán quá mức, khi bác sĩ tìm thấy những thứ nghi ngờ sẽ tiến triển thành ung thư. Điều này dẫn đến những điều trị không thực sự cần thiết, được gọi là điều trị quá mức. Một vài bất lợi khác có thể gặp phải khi tầm soát như: đau trong quá trình làm thủ thuật hoặc việc tiếp xúc với tia phóng xạ từ chụp nhũ ảnh trong tầm soát ung thư vú hoặc chụp CT scan liều phóng xạ thấp trong tầm soát ung thư phổi. Mặc dù liều phóng xạ của các xét nghiệm này là tương đối thấp nhưng nếu thực hiện lặp lại nhiều lần sẽ mang lại nhiều bất lợi cho bạn.

Các xét nghiệm sàng lọc thường không chẩn đoán ung thư. Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc là bất thường, có thể thực hiện nhiều xét nghiệm hơn để kiểm tra ung thư. Ví dụ, chụp X-quang tuyến vú tầm soát có thể tìm thấy một khối u trong vú. Một khối u có thể là ung thư hoặc một cái gì đó khác. Cần phải thực hiện nhiều xét nghiệm hơn để tìm xem liệu khối u có phải là ung thư hay không. Đây được gọi là các xét nghiệm chẩn đoán. Các xét nghiệm chẩn đoán có thể bao gồm sinh thiết, trong đó các tế bào hoặc mô được loại bỏ để bác sĩ giải phẫu bệnh có thể kiểm tra chúng dưới kính hiển vi để tìm các dấu hiệu ung thư.

Mỗi loại ung thư có yếu tố nguy cơ và diễn tiến sinh bệnh khác nhau, do đó việc sàng lọc ung thư cũng áp dụng cho từng đối tượng cũng khác nhau. Không phải tất cả các bệnh lý ung thư đều có thể tầm soát. Tầm soát ung thư hiệu quả nhất ở những bệnh lý ác tính có tốc độ phát triển chậm và có tổn thương tiền ung thư. Tại Hoa Kỳ, tầm soát ung thư đã cứu sống 45.000 người khỏi ung thư vú và đại trực tràng mỗi năm. Số lượng bệnh nhân ung thư cổ tử cung cũng giảm hơn 50% sau 30 năm thực hiện biện pháp tầm soát định kỳ được áp dụng tại quốc gia này. Tuy nhiên, cũng có những nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe và cuộc sống. Vì thế, việc nghiên cứu tìm ra các biện pháp tầm soát an toàn và hữu ích đang được các nhà khoa học tích cực tìm kiếm và phát triển.

ThS. Lê Thị Đào – Khoa KTXNYH (tổng hợp)

Tin tức khácXem thêm