Trường ĐH Nguyễn Tất Thành gặp gỡ và làm việc với GS. Ari Kokko của Trường Kinh doanh Copenhagen (CBS)
NTTU – Vừa qua, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có buổi gặp gỡ và làm việc với GS. Ari Kokko, giáo sư chuyên ngành kinh doanh quốc tế của Trường Kinh doanh Copenhagen (CBS). Ông là chuyên gia phân tích năng động về một loạt những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và quốc tế hóa và là trưởng dự án VIETSKILL có sự tham gia của Copenhagen Business School (CBS), Trường Đại học Nha Trang và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Tham dự chương trình về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có PGS. TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng cùng trưởng phó các khoa, đơn vị phòng ban.
Tại buổi gặp gỡ, GS. Ari Kokko đã chia sẻ chủ đề “The Nordic model – Industrial upgrading and international competitiveness” (Mô hình Bắc Âu về Phát triển Công nghiệp và Tính cạnh tranh quốc tế). Trong buổi thuyết trình GS. Ari Kokko đã chia sẻ thông tin về hai chuyên đề: Công nghiệp hóa (CNH) ở Thụy Điển từ góc nhìn dài hạn; Câu chuyện Nokia: những thăng trầm trong quá trình phát triển.
GS. Ari Kokko chia sẻ chủ đề “The Nordic model – Industrial upgrading and international competitiveness”
Thụy Điển, là một quốc gia ở Bắc Âu, đã chuẩn bị kỹ lưỡng về các điều kiện cần thiết đã được thiết lập đón đầu cơ hội. Nước này còn đầu tư cho quan hệ quốc tế như trong thương mại, ý tưởng mới, các luồng kiến thức, tập trung cải cách nông nghiệp, cải cách ruộng đất, công nghệ, giáo dục và nguồn nhân lực (đầu tư giáo dục đại học và viện nghiên cứu). Về mặt thể chế, Thụy Điển tập trung cải thiện khung pháp lý, ngân hàng, quyền tài sản. Điều quan trọng làm nên thành công cho quá trình CNH ở Thụy Điển là phát triển kiến thức và kỹ năng. Quốc gia này đầu tư công lớn vào hệ thống giáo dục trên diện rộng cần thiết để duy trì nền tảng các kỹ năng cần thiết, mở rộng đối tượng giáo dục không giới hạn giáo dục đại học chỉ dành cho những người có thể chi trả học phí. Ngoài ra, Thụy Điển còn đầu tư đáng kể cho nghiên cứu cơ bản, liên kết giữa các hoạt động nghiên cứu cơ bản và hoạt động đổi mới sáng tạo và tập trung xây dựng cơ sở vững chắc cho hệ thống đổi mới quốc gia.
Giáo sư Ari Kokko đưa ra ví dụ cụ thể là công ty Nokia. Công ty được thành lập vào giữa thế kỷ 19 và là nhà sản xuất giấy và bột giấy, cao su và dây cáp. Công ty tiến hành đa dạng hóa sản phẩm từ những năm 1960 nhằm trở thành công ty công nghệ cao. Nhưng sự phát triển nâng cao năng lực công nghệ cao là một quá trình khó khăn với tốc độ chậm chạp, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Do đó công ty tập trung phát triển mạng lưới quốc tế rộng khắp, liên doanh và mua lại, chuyển dịch quốc tế, học tập và chuyển giao công nghệ, đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, Công ty Nokia đã tính toán sai chiến lược nghiêm trọng, công ty tập trung vào kinh doanh TV là một sai lầm chiến lược lớn. Sự đột phá của công nghệ TV kỹ thuật số đã phá hủy các khoản đầu tư của Nokia vào TV độ phân giải cao tương tự. Do đó công ty tổn thất lớn năm 1988-1991 đe dọa sự tồn tại, Nokia gần như phá sản và bị rao bán vào năm 1991.
Bài học từ sự thất bại của Nokia cho thấy, các công ty rất khó dự đoán được tương lai. Do đó các công ty cần phải đổi mới sáng tạo liên tục, đón đầu xu hướng phát triển trong đó công suất dư thừa đóng vai trò quan trọng. Vào đầu những năm 1990, Nokia có khả năng tận dụng cơ hội khi nó xuất hiện, tuy nhiên thành công tiềm ẩn cả nguy hiểm, do đó cần phải khiêm tốn và luôn liên tục đổi mới.
Thay mặt Nhà trường, PGS. TS. Trần Thị Hồng đã gửi lời cảm ơn tới GS. Ari Kokko đã có những chia sẻ hết sức ý nghĩa và hy vọng dự án Vietskills đang hơp tác với Trường sẽ tốt đẹp.
PGS. TS. Trần Thị Hồng đã gửi lời cảm ơn tới GS. Ari Kokko
Copenhagen Business School (CBS) là một trường đại học công nổi tiếng với tuổi đời hơn 100 năm, hiện đang đào tạo rất nhiều chương trình đại học và sau đại học trong đó ngành Quản trị kinh doanh với số lượng sinh viên là hơn 20.000, cùng hệ thống cơ sở lớn và hiện đại. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng đang hợp tác với trường Copenhagen Business School trong dự án Vietskills để giúp nâng cao kỹ năng trong đào tạo nghề của Việt Nam.
Phòng Hợp tác Quốc tế