Củ tỏi: vị thuốc tốt của mọi gia đình
NTTU – Trong y học cổ truyền, tỏi có vị cay thơm nồng, tính nóng, là vị thuốc thuần dương, có thể giúp tăng cường chính khí, trị cảm lạnh, tiêu chảy do hàn, điều trị chứng khó tiêu, nhiễm trùng đường tiết niệu và rối loạn tim mạch
Tỏi có tên khoa học A. Sativum thuộc họ Allioideae. Tỏi là một trong những cây gia vị dễ trồng, nếu gặp thời tiết thuận lợi sẽ phát triển cực kì nhanh chóng, lợi dụng ưu điểm này, không ít gia đình thành thị đã sử dụng khoảng vườn nhỏ của mình để trồng. Tỏi từ lâu đã được con người biết đến không chỉ là đồ gia vị làm cho các món ăn thêm phần hấp dẫn và ngon miệng, mà còn là một vị thuốc chữa bệnh kỳ diệu của thiên nhiên.
Trong y học cổ truyền, tỏi có vị cay thơm nồng, tính nóng, là vị thuốc thuần dương, có thể giúp tăng cường chính khí, trị cảm lạnh, tiêu chảy do hàn, điều trị chứng khó tiêu, nhiễm trùng đường tiết niệu và rối loạn tim mạch. Tỏi có chứa hàng trăm chất phytochemical, các hợp chất organosulfur như allicin và DADS là các hợp chất chính “chịu trách nhiệm” về hiệu ứng cay nồng và hương thơm cay của nó. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỏi có nhiều tác dụng tốt, dễ sử dụng và rất dễ tìm thấy trong mỗi gia đình ở Việt Nam.
Hoạt tính kháng khuẩn
Hoạt động kháng khuẩn của tỏi được cho là do hoạt động allicin ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh với các mức độ mẫn cảm. Hơn nữa, các chất chiết xuất từ tỏi có thể ngăn chặn sự phát triển của các chủng vi khuẩn E. coli gây độc tố ruột và các vi khuẩn đường ruột gây bệnh khác, là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy ở người và động vật. Bên cạnh hoạt tính kháng khuẩn, củ tỏi còn ngăn ngừa được các độc tố do vi khuẩn tạo ra nhiễm trùng.
Hoạt động chống nấm
Saponin chiết xuất từ tỏi hoạt động bằng cách tác động đến thành tế bào nấm và gây ra những thay đổi siêu cấu trúc không thể đảo ngược trong tế bào nấm, dẫn đến mất tính toàn vẹn của cấu trúc và ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm. Những thay đổi trong nội dung tế bào chất dẫn đến tổn thương nhân và các bào quan của tế bào, cuối cùng dẫn đến chết tế bào.
Hoạt động chống động vật nguyên sinh
Nhiều nghiên cứu khác nhau đã cho thấy rằng hoạt động chống động vật nguyên sinh của chiết xuất từ tỏi và các chất hóa thực vật của nó chống lại một số ký sinh trùng đơn bào. Allicin có trong tỏi hoạt động bằng cách ngăn chặn RNA của ký sinh trùng cũng như tổng hợp DNA và protein.
Hoạt động chống vi-rút
Hoạt tính kháng vi-rút của chiết xuất tỏi đã được đánh giá chống lại bệnh cúm B. Thử nghiệm in vivo cho thấy hoạt động chống vi-rút của chiết xuất tỏi cho thấy hoạt động bảo vệ chống lại vi-rút cúm bằng cách cải thiện việc sản xuất các kháng thể trung hòa.
Hoạt động chống ô-xy hóa
Saponin chiết xuất từ tỏi để quét ROS nội bào ức chế tăng trưởng và tổn thương do H2O2 gây ra. Ăn tỏi thường xuyên có thể thúc đẩy chất chống ô-xy hóa bên trong và làm giảm các tác động bất lợi của quá trình ô-xy hóa bằng cách tăng chất chống ô-xy hóa nội sinh tổng hợp hoặc giảm sản xuất các chất ô-xy hóa như các loại gốc tự do ô-xy. Hơn nữa, chiết xuất tỏi làm tăng hoạt động của một số các enzym chống ô-xy hóa và giảm glutathione peroxidase (GSH-Px) còn được tìm thấy trong mô gan.
Hoạt động chống viêm
Chất chiết xuất từ tỏi và các chất phytochemical liên quan có khả năng chống viêm. Một số nghiên cứu cho rằng chiết xuất tỏi làm giảm đáng kể tình trạng viêm gan và tổn thương do nhiễm trùng Eimeria papillate.
Hoạt động chống ung thư
Chiết xuất tỏi sống được coi là loại thuốc chống ung thư hiệu quả và đặc hiệu. Cơ chế chống ung thư của chiết xuất tỏi được cho là ức chế sự phát triển và tăng sinh của tế bào, điều chỉnh quá trình chuyển hóa chất gây ung thư. Allicin trong tỏi ngăn chặn sự tăng sinh tế bào bằng cách ngăn cản tubulin hình thành trục phân bào và do đó ức chế phân bào.
Hoạt động chống bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer (AD) là nguyên nhân chính gây ra chứng sa sút trí tuệ ở người già bị thoái hóa thần kinh và rối loạn mạch máu não. Sự hấp thụ tỏi có liên quan đến việc thúc đẩy chức năng ghi nhớ bằng cách ảnh hưởng đến mức độ dẫn truyền thần kinh, serotonin. Việc tiêu thụ chất chiết xuất từ tỏi đã cho thấy rằng có thể giúp cải thiện trí nhớ bằng cách loại bỏ các gốc tự do gây tổn thương do ô-xy hóa và ức chế men.
Chống rối loạn lipid máu
Rối loạn mỡ máu được biết đến là nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch. Chất phytochemical có trong tỏi điều trị tăng cholesterol trong máu bằng cách ngăn chặn quá trình sinh tổng hợp cholesterol trong gan cũng như ức chế quá trình ô-xy hóa lipoprotein mật độ thấp (LDL và HDL).
Chống bệnh béo phì
Béo phì là vấn đề sức khỏe phổ biến nhất có thể dẫn đến nhiều bệnh như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rối loạn tim mạch và hội chứng chuyển hóa. Ajoene phân lập từ chiết xuất tỏi được tìm thấy có thể kích thích quá trình apoptosis, giảm sự tích tụ chất béo, giảm khối lượng mô mỡ và cải thiện cấu hình lipid huyết tương.
Tác dụng hạ huyết áp
Tỏi đã được sử dụng rộng rãi để ức chế và làm giảm các rối loạn tim mạch như tăng huyết áp, loạn nhịp tim, huyết khối, tăng lipid máu và xơ vữa động mạch. Hơn nữa, tỏi còn thể hiện vai trò đáng kể trong việc ức chế hình thành huyết khối cũng như sự kết dính hoặc kết tập tiểu cầu ở người.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tỏi có một số nhược điểm, chẳng hạn như ăn quá nhiều tỏi có thể gây hôi miệng và huyết áp thấp, cũng có một số người bị dị ứng với tỏi, nên ăn 2-4 tép tỏi mỗi ngày.
DS.Trần Thị Ngọc Hải tổng hợp
Nguồn tham khảo:
Google Scholar Wed: Allium sativum https://www.mdpi.com/2072-6643/12/3/872: Chemical Constituents and Pharmacological Activities of Garlic (Allium sativum L.): A Review
Google Scholar Wed: Allium sativum :https://www.researchgate.net/profile/Vikas-Londhe/publication/233379240_Role_of_garlic_Allium_sativum_in_various_diseases_An_overview/links/09e41509d3c3b34809000000/Role-of-garlic-Allium-sativum-in-various-diseases-An-overview.pdf