Sinh viên – Que diêm châm ngòi cho ngọn lửa nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học (NCKH) sinh viên là hoạt động quan trọng và cần thiết của công tác đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đây cũng là phương pháp hiệu quả để sinh viên mở rộng vốn kiến thức cũng như vốn kỹ năng mềm của bản thân, là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn. Chính vì lý do đó, hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh tại các trường đại học, là nhiệm vụ quan trọng của gảng viên. Và đối tượng tham gia vô cùng rộng rãi từ giảng viên, nhà khoa học và cả sinh siên đang theo học tại trường.
Ngay từ những ngày đầu thành lập Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã luôn quan tâm đầu tư cho hoạt động NCKH và coi đây là nền tảng quan trọng hỗ trợ tích cực cho hoạt động giảng dạy của mình, là “thước đo” giúp đánh giá về mức độ uy tín của trường đối với xã hội, qua đó góp phần trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, số lượng đề tài nộp tham gia các giải thưởng như Sáng tạo Trẻ, Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ ngày một nhiều. Năm 2015, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chỉ có 5 đề tài tham gia giải thưởng NCKH Eureka thế nhưng đến năm 2020, số lượng tham gia của Trường đạt đến 40 đề tài, đây là số lượng không nhỏ, không thua kém các trường đại học khác.
Việc tham gia NCKH với các dự án thực tế sẽ giúp các bạn có sự tiếp cận nhanh nhất và thấu hiểu được những kiến thức đang học thông qua thực tiễn, việc này cũng mang tới nhiều lợi ích cho sinh viên.
- Thứ nhất: Giúp cho sinh viên gia tăng đáng kể về kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu, vận dụng được lý thuyết đưa vào thực hành và được học để giải quyết các vấn đề trong thực tế dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Trong quá trình này sinh viên sẽ có cái nhìn mới mẻ hơn về những lý thuyết đã học vào thực tế sinh động như thế nào. Cũng như giúp sinh viên đào sâu hơn những kiến thức hiện có. Qua đó tạo cho sinh viên cách học tập khoa học, khơi gợi khả năng sáng tạo, khả năng làm việc độc lập và khả năng làm việc theo nhóm.
- Thứ hai: Giúp sinh viên thiết lập thêm các mối quan hệ mới. Bên cạnh đó, còn giúp sinh viên phát triển và rèn luyện kỹ năng mềm: kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình để bảo vệ đề tài nghiên cứu của mình,…Và trong khi thực hiện sinh viên sẽ tiếp xúc với giảng viên nhiều hơn, không những được học tập sinh viên còn được trao đổi rõ hơn về các vấn đề khác. Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho sinh viên xin việc sau này.
- Thứ ba: Giá trị của quá trình nghiên cứu khoa học để lại cho sinh viên là vô cùng to lớn, không chỉ xây dựng được những thành tích tốt trong quá trình học tập mà còn là hành trang khi sinh viên đi làm giúp các nhà tuyển dụng có cái nhìn tích cực. Hơn nữa, sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình, sinh viên sẽ được Khoa ưu tiên tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, tính điểm rèn luyện, xét khen thưởng và được Khoa hỗ trợ sử dụng một số trang thiết bị phục vụ nghiên cứu.
Dù có những thuận lợi nhất định, nhưng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học cũng gặp một số khó khăn như: cần nhiều thời gian và công sức để thực hiện đề tài, chưa tìm ra phương pháp nghiên cứu hợp phù hợp, chưa biết cách hệ thống thông tin, chưa định hình được tính khả thi của đề tài. Bên cạnh đó, khi làm việc nhóm sẽ xảy ra những bất đồng, trái quan điểm… nếu không biết cách xử lý sẽ ảnh hưởng tới tiến độ nghiên cứu của cả nhóm.
Tuy nhiên với nỗ lực của các bạn sinh viên thì việc vượt qua trở ngại này là không quá khó. Khi bạn đã lựa chọn bất kỳ mục tiêu nào thì khi đó bạn cũng nên đầu tư nghiêm túc, có kỷ luật và kiên nhẫn đi từ đầu đến cuối chặng đường. Tính năng động của sức trẻ là tố chất sẵn có trong mỗi sinh viên giúp cho sinh viên chủ động tìm tòi, học hỏi và tự tin với lập trường của mình.
Và khi bạn làm gì thì việc lên kế hoạch, thời gian cụ thể là điều cần thiết để tránh lãng phí thời gian. Sự rụt rè, lạ lẫm trong phương pháp nghiên cứu thì giảng viên, anh chị đi trước sẽ là người hỗ trợ và sẵn sàng hướng dẫn cho bạn nên những mặt khó khăn, hạn chế trong nghiên cứu khoa học sẽ được giảm đi đáng kể. Nhằm giúp sinh viên được kết quả cao nhất trong quá trình nghiên cứu, Khoa cũng tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ năng nghiên cứu khoa học, quy trình nghiên cứu, kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng thuyết trình,…giúp cho sinh viên có nhận thức đầy đủ về hoạt động nghiên cứu khoa học và tiếp cận phương pháp, kỹ năng triển khai thực hiện đề tài. Sự phát triển các triển các kỹ năng mềm, hoàn thiện các mối quan hệ trong quá trình nghiên cứu cũng sẽ là tiền đề cho các bước ngoặt sau này khi sinh đi làm. Đây không chỉ rèn thêm tính chủ động cho bản thân mà còn giúp cho bạn có nhiều mối quan hệ hơn. Bên cạnh đó thì yếu tố quan trọng nhất chính là bản thân sinh viên phải có tinh thần tự giác, chủ động và học hỏi, tìm tòi để hoàn thiện bản thân. Đây cũng chính là chìa khóa mấu chốt cho sự thành công của các bạn sinh viên sau này, trên con đường nghiên cứu khoa học nói riêng và công việc khác nói chung.
Tóm lại, hoạt động nghiên cứu khoa học giúp các bạn sinh viên xây dựng, phát triển được tính năng động, sáng tạo, khả năng tư duy độc lập, tự nghiên cứu, khả năng làm việc nhóm của mình. Hy vọng rằng nghiên cứu khoa học của sinh viên tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ làm cho ngọn lửa nghiên cứu khoa học của Việt Nam ngày càng cháy sáng rực rỡ.
Nguyễn Thị Thanh Ngân – SV Dược khóa 2017 – Monitor bộ môn Dược lý