Tác giả Bài ca Đại học Nguyễn Tất Thành qua đời
Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải, sinh năm 1923, quê ở xã Nam Dương, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định). Sinh trưởng trong một gia đình thuộc dòng dõi nho học. Cụ nội bốn đời là Vũ Trọng Uy, đỗ cử nhân khoa Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 23 (1870), từng làm tri huyện, huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ. Năm 1942, ông là học sinh trường Cao đẳng sư phạm Đỗ Hữu Vi ( Hà Nội). Ông tham gia cách mạng trước năm 1945 trong hội truyền bá Quốc ngữ ở Hà Nội. Năm 1946, ông vào quân đội tham gia lớp đào tạo báo chí cách mạng Việt Nam đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc.
Năm 1948, nhà thơ Hải Như đảm nhiệm thư kí tòa soạn báo Sông Lô, sau chuyển sang báo vệ Quốc quân. Sau năm 1954, ông làm biên tập ban Văn nghệ tại báo Cứu quốc, Phó tổng biên tập báo Giác ngộ ( TP. HCM).
Thi sĩ viết nhiều thơ về Bác Hồ nhất
Là thi sĩ nổi tiếng với đề tài Hồ Chí Minh (với hơn 40 bài đều được sáng tác sau khi Bác mất) nhưng cách viết của ông rất riêng, không lẫn với những nhà thơ khác, ông đã bất chấp mọi gập ghềnh để được bước theo một lối đi riêng bởi ông một đời tâm niệm phải phấn đâu để “không phải viết cho có mà là phải viết cho còn”. Sức mạnh giúp ông đi trọn con đường ấy được tạo thành từ quyền lực thơ ca của một thi sĩ. Dù chưa gặp Bác lần nào nhưng Bác hiện lên trong thơ Hải Như là một chủ tịch Hồ Chí Minh rất “con người”, thoát khỏi cái bóng một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vẫn đầy đủ những phẩm chất cao quý. Thông qua các trang viết về Bác, nhà thơ Hải Như cũng gửi gắm thông điệp về thời đại, về con người Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và nhà thơ Hải Như tại nhà riêng Thủ tướng, năm 2016
Ông cũng là nhà thơ có nhiều bài được phổ nhạc với hơn 100 bài. Thơ ông đậm chất nhạc, trữ tình nhưng cũng đầy chất hiện đại, rất tự do, không gò bó bởi niêm luật của thơ ca nhưng lại chứa đựng tính triết lý, tính nhân văn cao cả nhẹ nhàng nhưng không hề khiên cưỡng.
Ngoài hơn 40 bài thơ viết về Bác, nhà thơ còn có loạt bài về đề tài chiến tranh và một tình yêu quê hương tha thiết. Có người nói, nhà thơ Hải Như đã chọn cho mình một phong cách riêng trong sáng tác; tính tư duy độc lập cao, cộng với nhãn quan rất nhạy cảm, tinh tế trước sự vật và hiện tượng, đã tạo cho nhà thơ một lối đi riêng trong thơ ca. Thơ của ông không ca ngợi một chiều mà bao giờ cũng tìm ra cái thật dù cái thật đó trái với ý kiến của nhiều người, đặc biệt thơ của ông được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Thành phố hoa phưọng đỏ, Hà Nội thành phố của niềm tin, Hoa trong vườn Bác.
Những tác phẩm chính của ông:
- Trái đất mai này còn lại tình yêu, NXB Văn học, 1985
- Nỗi buồn hoa bất tử, NXB Lao động, 1994
- Thơ viết về Người, NXB Nghệ An, 2004
- Nhân duyên với trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Là một người làm thơ về Bác nhiều nhất trong số các nhà thơ của Việt Nam, nhà thơ Hải Như dường như hiểu được tâm nguyện của vị lãnh tụ kính yêu. Bác Hồ không chỉ muốn độc lập cho dân tộc mà còn muốn đất nước ấy “ai cũng có cơm ăn, ai cũng được học hành”. Trong một lần vào TP. HCM công tác, khi tới Bến Nhà Rồng nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, nơi có tên con đường Nguyễn Tất Thành ông đã trao đổi với thầy Nguyễn Mạnh Hùng ( hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành ngày nay) về việc nên thành lập một ngôi trường đại học mang tên Bác ở nơi mang dấu ấn lịch sử này.
Nhà thơ Hải Như viết lời cho ca khúc Bài ca Đại học Nguyễn Tất Thành dành tặng cho trường
Và gần 100 năm sau ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, bên dòng sông Sài Gòn lộng gió, bên bến cảng Nhà Rồng năm xưa in dấu chân người đã sừng sững một ngôi trường ĐH mang tên thời thanh niên của Bác – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Không phải là cổ đông, nhưng nhà thơ Hải Như là thành viên sáng lập ra Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã rất hạnh phúc khi ý nguyện của ông trở thành hiện thực và PGS – TS Nguyễn Mạnh Hùng, người được trao gửi nguyện vọng ấy đã không phụ lòng sự tin tưởng của ông khi đã xây dựng được một ngôi trường đại học có thương hiệu riêng và viết tên trường trên bản đồ giáo dục Việt Nam và Quốc tế khi là trường ngoài công lập đầu tiên tại khu vực phía Nam được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận đạt chuẩn chất lượng và được tổ chức QS Strars Anh Quốc công nhận đạt chuẩn 3 sao.
Nhà thơ Hải Như tham dự lễ khai giảng năm học tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Ông cũng là người viết lời cho ca khúc Bài ca Đại học Nguyễn Tất Thành, sự cộng hưởng của những ca từ và âm nhạc với nhạc sĩ Trương Quang Lục đã tạo nên một ca khúc hào hùng về một ngôi trường mang tên Bác. Với những cống hiến cho nền thi ca nước nhà nói chung và sự phát triển của ĐH Nguyễn Tất Thành nói riêng, dù đã đi xa nhưng nhà thơ Hải Như vẫn sống mãi trong lòng mọi người.
Bài: Phượng Nguyễn
Ảnh: Tổng hợp