Sàn tri thức Novelind ĐH NTT: Nơi kết nối của những ý tưởng đổi mới sáng tạo vì xã hội
Sáng ngày 11/09/2018, tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cơ sở 300A Nguyễn Tất Thành, P. 13, Q.4, TP. HCM, đã diễn ra Lễ công bố chuỗi sự kiện kết nối cầu – cung qua sàn tri thức Novelind. Chương trình do Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM, Câu lạc bộ Khoa – Viện – Trường CNTT-TT cùng tổ chức, với sự ủng hộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, các ban ngành, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh/thành, Hiệp hội ngành hàng hữu quan. Sàn Tri thức Novelind được lập ra với mục đích chia sẻ và chuyển giao công nghệ, cộng tác nghiên cứu và phát triển, định hướng góp phần tạo lập thị trường khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Chương trình thu hút hơn 250 đại biểu từ các tỉnh/thành, các nhà khoa học, nhà quản lý, các chủ doanh nghiệp, nhà sản xuất… đến tham dự
Đến tham dự buổi lễ, về phía Đại học Nguyễn Tất Thành có: PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Nhà trường; GS. Nguyễn Lộc, Phó Hiệu trưởng; TS. Dương Trọng Hải, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Industry 4.0, người sáng lập Sàn tri thức Novelind. Về phía khách mời có bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; GS.TS. NGND. Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội; PGS-TS. Phan Tiến Dũng, Phó trưởng ban Ứng dụng, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, PGS-TS. Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện AI Việt Nam, đại diện các Sở – Ban – Ngành từ TW đến địa phương. Đặc biệt là sự có mặt của hơn 250 đại biểu từ các tỉnh/thành, các nhà khoa học, nhà quản lý, các chủ doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các nhà sản xuất…
PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời tri ân các đại biểu, khách mời đến tham dự chương trình, đóng góp ý kiến hoàn thiện các tính năng mới của Novelind
Chương trình nhằm công bố về chuỗi sự kiện sắp được thực hiện tại 15 tỉnh/thành của cả nước trong thời gian tới, qua đó hình thành các nhóm đại diện Novelind ở các địa phương, tạo liên kết cộng sinh giữa các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phục vụ kết nối cầu – cung khoa học công nghệ. “Việc một mô hình mới ra đời làm cầu nối, hay còn được gọi là thị trường kết nối nhu cầu của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, viện – trường như Sàn Tri thức Novelind là một hoạt động hết sức cần kíp và hữu ích”, GS.TS. NGND. Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, chia sẻ.
GS.TS. NGND. Nguyễn Hữu Đức đánh giá cao tính ứng dụng của Sàn tri thức Novelind Đại học Nguyễn Tất Thành
Sau một năm ra mắt (11/09/2017 – 11/09/2018), Novelind đã đạt được một số thành tựu trong việc kết nối chuyên gia, nhà khoa học cho Tập đoàn GFS với Dự án nuôi tôm – 200 tỷ đồng; kết nối Đại học Việt – Nhật thực hiện dự án đổi mới sáng tạo vì xã hội với biến đổi khí hậu (đạt 01 giải quốc tế, đang thực hiện); kết nối với tỉnh An Giang thực hiện dự án Nông nghiệp ứng dung Công nghệ cao (đang thực hiện bước sản xuất thử nghiệm trước khi chuyển giao công nghệ); kết nối sản phẩm nghiên cứu thương mại giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Công ty Lasan…
PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng ký kết MOU hợp tác với đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, bà Trần Thị Hồng Lan
Thông qua tọa đàm về kết nối cầu – cung công nghệ giữa doanh nghiệp – viện trường – cơ quan quản lý, các đại biểu cũng đã có cơ hội cập nhật về các chức năng mới nhất của Sàn tri thức Novelind. Đây sẽ là nơi để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh tế, khoa học, kỹ thuật muốn đầu tư dự án và chọn Novelind làm giải pháp kết nối với các Nhà khoa học, các chuyên gia có kỹ năng, kinh nghiệm, tri thức liên quan để tham gia và hiện thực hóa ý tưởng và giải quyết các thách thức. Cũng trong khuôn khổ của chương trình, PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đã tiến hành ký kết hợp tác với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, IP Group về các dự án đổi mới sáng tạo vì xã hội.
Sàn tri thức Novelind được Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bảo trợ như một đơn vị khoa học công nghệ Spin-Off Xã hội, một hình thức “canh tân” công nghệ bậc cao, đặc trưng cho mô hình đại học trong thời đại CMCN 4.0. Với sự ủng hộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, các Viện – Trường – Doanh nghiệp, cơ quan quản lý, đặc biệt là các nhà khoa học Việt Nam trọng trong việc kết nối hợp tác giữa các lĩnh vực khoa học công nghệ, góp phần nâng cao vị thế, giá trị của các sản phẩm khoa học nước nhà, thúc đẩy sự phát triển đất nước hiện đại hóa theo xu hướng hội nhập toàn cầu.