Phòng chống bệnh cúm mùa

NTTU – Bài viết nhằm cung cấp những thông tin hiểu biết chung cho quý thầy cô, các bạn sinh viên về phòng chống bệnh cúm mùa

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè – thu, đông – xuân, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A và cúm B).

Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra 7 biện pháp phòng chống bệnh cúm mùa:

  • Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
  • Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà nhất là khi bạn có dấu hiệu mắc bệnh cúm.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi).
  • Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
  • Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
  • Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi TW, cúm mùa có 4 type A, B, C, D. Cúm B là loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau đại dịch COVID-19 các nghiên cứu thấy rằng cúm B gặp khoảng 40%, do cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D.

Các chuyên gia cũng cho hay, cũng giống như mắc cúm A, các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm B bao gồm: sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi, cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh, và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần. Do đó, người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và phù hợp với thể trạng. Khi bị cúm nên lưu ý:

Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Uống đủ 2l nước/ngày và ăn nhiều trái cây, rau xanh, sử dụng thêm các loại nước có bổ sung chất điện giải để cung cấp thêm natri và kali.

Ăn thực phẩm dễ nuốt: Khi cơ thể bị cúm, người bệnh thường không có cảm giác thèm ăn, lúc này cháo, súp hay các thực phẩm loãng sẽ giúp người bệnh dễ ăn mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng.

Ăn thực phẩm nhiều kẽm: kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như tôm, hàu, thịt bò, sò, ngũ cốc, yến mạch…giúp người bệnh cúm chóng phục hồi sức và cải thiện hệ miễn dịch.

Các loại rau củ quả: bệnh nhân cúm cần được bổ sung nhiều loại rau của trong bữa ăn, đặc biệt là các loại rau có màu đậm như cải bó xôi, cải xoăn, súp-lơ…

Bên cạnh những thực phẩm có lợi cũng có không ít những thực phẩm gây hại và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của cúm. Người bệnh nên tránh một số sản phẩm sau:

Các thực phẩm chế biến sẵn: Thức ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ ăn chiên xào gây khó tiêu, dễ khiến người bệnh buồn nôn. Hơn nữa, những thực phẩm này không chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Các loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích như soda, rượu, cà phê… cũng gây mất nước và dễ làm giảm hệ thống miễn dịch ở người bị cúm.

Các thực phẩm cứng sẽ có khả năng gây khó tiêu và làm nặng thêm các cơn ho, đau họng, vì vậy bệnh nhân cúm cũng nên tránh xa.

DS. Huỳnh Thị Chi – Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học (tổng hợp)

Tin tức khácXem thêm