Mỹ phẩm từ thảo dược và tiềm năng của cây thuốc Việt Nam

NTTU – Việt Nam có 10.500 loài thực vật, 1.800 cây thuốc (chiếm 17,1% loài). Trong đó, có rất nhiều loại có giá trị cao là dược liệu quý được thế giới công nhận như: sâm ngọc linh, thông đỏ, hoa hòe, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam, hồi, cây gió bầu, quế, atiso, lan gấm (lan kim tuyến)…

Quốc gia Loài thực vật Cây thuốc %
 Ấn Độ 26.092 4.941 18.9
 Indonesia 15.000 3.000 20.0
 Malaysia 15.500 1.200 7.7
 Nepal 6.973 700 10.0
 Pakistan 4.950 300 6.1
 Philippines 8.931 850 9.5
 Sri Lanka 3.314 550 16.6
 Thái Lan 11.625 1.800 15.5
 Mỹ 21.641 2.561 11.8
 Việt Nam 10.500 1.800 17.1
 Trung bình 13.366 1.700 12.5

Bảng số lượng cây thuốc của một số quốc gia trên thế giới (nguồn: Duke & Ayensu (1985); Govaerts)

Thống kê của Võ Văn Chi trong cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” (2012) với số lượng loài thực vật được dùng làm thuốc là 4.700. Như vậy, số lượng cây thuốc được nghiên cứu khám phá tăng lên theo thời gian. Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính 3.000 – 5.000 tấn. Với chủng loại và số lượng như vậy, Việt Nam được xem là nước có nguồn dược liệu đa dạng và phong phú. Từ thời thượng cổ đến nay, cây thuốc vẫn luôn giữ vai trò trọng yếu trong việc duy trì sức khỏe và hạnh phúc của các cộng đồng người trên toàn thế giới. Việt Nam may mắn nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa nóng ẩm của châu Á với 3/4 diện tích phần lục địa là đồi núi, trải dài từ Bắc xuống Nam. Những điều kiện tự nhiên như vậy đã thực sự ưu đãi cho đất nước ta một hệ thống sinh thái rừng phong phú và đa dạng.

Khi các dòng mỹ phẩm đầy chất hóa học thì mỹ phẩm thiên nhiên lại như chốn đi về “bình yên, giản dị và hiền lành”. Nắm bắt được xu hướng làm đẹp tự nhiên đang “làm mưa làm gió” trên thị trường, với sự lành tính của dược liệu, nguồn nguyên liệu thiên nhiên sử dụng trong mỹ phẩm luôn đưa giải pháp an toàn lên ưu tiên hàng đầu và được ưa chuộng hiện nay. Các loại mỹ phẩm thiên nhiên được thử nghiệm lâm sàng trên mọi loại da đều cho kết quả an toàn, hiệu quả ổn định lâu dài và giá thành vô cùng phải chăng. Bên cạnh đó, một số sản phẩm có thành phần chiết xuất từ lá, rễ, thân cây, có cả tính chất dược học nên vừa có tác dụng trị liệu vừa có tác dụng nuôi dưỡng da cực kỳ hữu hiệu.

Ưu điểm lớn nhất của mỹ phẩm thiên nhiên so với các loại mỹ phẩm thông thường khác là khả năng tương thích với nhiều loại da và chỉ số an toàn cho da rất cao. Bởi lẽ, sản phẩm không chứa các chất bảo quản độc hại, không qua xử lý hóa học, không chứa các thành phần nhân tạo, tổng hợp, luôn được các chuyên gia kiểm chứng chất lượng nghiêm ngặt. Có thể nói rằng, tất cả các loại mỹ phẩm thiên nhiên cũng đều phù hợp với mọi loại da, đặc biệt là với những người có làn da nhạy cảm hoặc gặp các vấn đề về da cũng đều có thể sử dụng được.

Lợi ích và giá trị mỹ phẩm chiết xuất từ dược liệu

Hiện nay xu hướng thay đổi quan điểm từ dùng mỹ phẩm có thành phần hóa học sang mỹ phẩm chiết xuất từ các loại thảo dược thiên nhiên, dù không có tác dụng nhanh chóng nhưng an toàn và đẹp về lâu dài.

Về kinh tế
• Sản phẩm được làm từ các dược liệu dễ trồng, không đòi hỏi nhiều về chăm sóc, thu hoạch dễ dàng và luôn có sẵn nguồn cung ứng dồi dào trong nước
• Đảm bảo sinh kế và nguồn thu nhập ổn định cho nông dân
• Thu hút các vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển nguồn dược liệu phong phú vốn có của Việt Nam

Về con người
• Học tập và làm theo danh y Tuệ Tĩnh “Nam dược trị Nam nhân” (dùng thuốc Việt Nam chữa bệnh cho người Việt Nam)
• Thành phẩm từ nguyên dược liệu có sẵn trong nước, cập nhật thêm tác dụng và công dụng của các cây dược liệu trong nước cho người dân
• Giúp người dân có thói quen dùng các sản phẩm được chiết xuất từ dược liệu để cải thiện vẻ đẹp một cách tự nhiên.

Thân thiện với môi trường
• Môi trường là một trong những tiêu chí ưu tiên, do đó, các nhà vườn trồng dược liệu để cung cấp cho thị trường, còn tăng diện tích đất che phủ, hạn chế xói mòn và nâng cao ý thức khai thác gắn với bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu
• Sản phẩm từ thảo dược không thí nghiệm trên động vật nhằm cân bằng hệ sinh thái và giúp bảo vệ động vật
• Không dùng các loại dầu khoáng, dầu cọ, nước thải xám, chất bảo quản, hạn chế tối đa tác hại của các chất thải công nghiệp thải ra môi trường

* Một số hãng mỹ phẩm thảo dược được yêu thích hiện nay: Cocoon, The Herbal Cup, BioLak, Sukin, Klairs…
• Mỹ phẩm là sản phẩm được chế tạo nhằm chăm sóc da bằng khả năng nuôi dưỡng, bảo vệ, hay trang điểm, làm tăng thêm vẻ đẹp bên ngoài của người sử dụng, mỹ phẩm hoàn toàn chỉ mang tính chất làm đẹp và chăm sóc đơn thuần.
• Với các loại sản phẩm từ thiên nhiên đang trở thành một xu hướng bền vững trong ngành công nghiệp làm đẹp như: dầu gội, sữa tắm, xà phòng, son, tinh chất dưỡng ẩm, tinh dầu, sữa rửa mặt,….

An toàn – yếu tố hàng đầu trong việc lựa chọn dược mỹ phẩm của người tiêu dùng thông minh

Từ xa xưa ông bà ta dùng các thảo dược từ thiên nhiên cho mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người già hay phụ nữ mang thai để gội đầu, chăm sóc cơ thể như: tràm trà, dầu dừa, bồ kết, cỏ mần trầu, vỏ bưởi, lá chanh, xả, trầu không, nghệ, hoa hồng… Điều đó cho thấy, không chỉ ngày nay mọi người mới bắt đầu quan tâm đến sự lành tính và tính an toàn của dược liệu. Với người tiêu dùng Việt Nam, an toàn chính là yếu tố hàng đầu luôn được xét đến khi lựa chọn sản phẩm. Và an toàn chính là thế mạnh hàng đầu mà dược mỹ phẩm mang đến cho mọi đối tượng. Người dùng sẽ chọn những sản phẩm phù hợp với giá trị của họ.

Với nguồn nguyên dược liệu phong phú và cách sử dụng thuốc dựa vào kinh nghiệm dân gian như nước ta, sẽ rất phù hợp và hỗ trợ mạnh cho quá trình sàng lọc ban đầu. Việc sử dụng nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu để chiết xuất các hoạt chất mới có dược tính mạnh hơn, ít độc hơn, giúp đem lại khả năng bào chế ra những sản phẩm mới an toàn cao hơn. Yếu tố đảm bảo cho các chỉ tiêu của dược liệu, thành phẩm trước khi ra thị trường đều được kiểm soát chặt chẽ theo công văn số 340/YDCT-QLD ngày 22/4/2021 của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ dược liệu, thuốc cổ truyền.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, ước tính 80% dân số thế giới chăm sóc sức khỏe dựa vào dược liệu thảo dược với các thành phần hoạt tính tự nhiên. Mỹ phẩm thảo dược đến từ thiên nhiên luôn phải trải qua các quy trình kiểm định nghiêm ngặt để mang đến sự an toàn tốt nhất trong từng sản phẩm và phù hợp với độ tuổi sử dụng. Ngày nay, với các phương pháp chiết xuất ra các hoạt chất tinh khiết an toàn hơn so với phương pháp chiết xuất thủ công.Từ những điều đó cho thấy các loại mỹ phẩm chiết xuất từ thảo dược có sự lành tính, an toàn với mọi loại da và phù hợp với mọi lứa tuổi.

Định hướng phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm từ thảo dược của Việt Nam

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa và được thiên nhiên ưu ái về thảm thực vật đa dạng, phong phú. Nhiều dược liệu đã được sử dụng để tách chiết các hoạt chất như: chiết curcumin từ nghệ vàng (Curcuma longa), β-caroten và lycopen từ gấc (Mormodica cochichinensis), papain từ đu đủ (Carica papaya), teca centella asiatica từ cây rau má (Centella asiatica), EGCG từ cây chè xanh (Camellia sinensis), diosdenin từ củ mài (Dioscorea deltoidea), menthol từ bạc hà (Metha arvesis)… Các hoạt chất tự nhiên làm nên các loại mỹ phẩm chăm sóc cơ thể một cách trọn vẹn theo cách mà thiên nhiên trao cho con người.

Dược liệu còn mở đường cho ngành hóa dược phát triển. Phải kể đến nguồn tài nguyên sinh vật biển nhiệt đới, phong phú về số lượng, giàu có về hàm lượng. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra những hợp chất quý từ các loại rong biển, tảo biển cung cấp giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều tác dụng làm đẹp, làm thuốc, đặc biệt là các chất có tác dụng chống ung thư, chất kháng khuẩn, chống viêm, chất chống oxy hóa có nguồn gốc từ biển: polysaccharides, collagen, peptides và chitin có hoạt tính sinh học là những thành phần chức năng triển vọng… Hiện nay, ngành công nghiệp mỹ phẩm từ thảo dược được săn đón và phát triển không chỉ ở nước ta mà còn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, mỹ phẩm thảo dược thuần tự nhiên là điểm sáng trong tương lai của ngành công nghiệp này.

Ngày nay, khách hàng không chỉ muốn nhìn thấy một sản phẩm với thông điệp là “không chứa chất có gây ung thư da”, mà họ còn muốn biết được những thành phần chất lượng bên trong sản phẩm. Chẳng hạn, thông điệp “không chứa paraben” có thể giúp tăng trưởng doanh số đến 2,4%, thì đi kèm với một thành phần tự nhiên nào đó bên trong có thể giúp tăng trưởng doanh số đến 12%. Thông điệp về những thành phần thảo dược trong sản phẩm trở nên rất tiềm năng cho xu hướng dược mỹ phẩm hoặc các sản phẩm mỹ phẩm an toàn. Đón đầu những xu hướng trên đây, các công ty mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân ở Việt Nam có thể phát triển tốt hơn, trong bối cảnh phát triển kinh tế đầy triển vọng. Chắc chắn sẽ có thêm những cái tên mới trong ngành mỹ phẩm, những thương hiệu sở hữu nguồn vốn đầu tư dồi dào và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại để tạo nên cú bứt phá cho phân khúc tiềm năng này.

Theo số liệu thống kê, lĩnh vực chăm sóc cá nhân Việt Nam tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực, cao hơn cả Thái Lan, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Trong đó, phân khúc cao cấp chiếm đến 31%. Với ngành làm đẹp và chăm sóc cơ thể, người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm cao cấp, 43% đối với mỹ phẩm, 37% cho sản phẩm chăm sóc răng miệng, 36% cho sản phẩm chăm sóc cơ thể (body), và 32% cho chăm sóc tóc. Người Việt cũng lo lắng rằng những thành phần nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài (80%), và họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn để đảm bảo sản phẩm họ mua không có chất độc hại (79%). Chính những tiềm năng này là tiềm lực để thúc đẩy định hướng thực hiện nghiên cứu và phát triển các thương hiệu dược mỹ phẩm chất lượng chuẩn quốc tế, dựa trên cơ sở phát huy tinh hoa y dược cổ truyền, phù hợp nhu cầu làm đẹp, chăm sóc cơ thể và cơ địa của người Á Đông. Gắn bó với tinh hoa y dược cổ truyền phương Đông trong hàng trăm năm qua để đem lại vẻ đẹp tự nhiên, bền vững.

Bài: Nguyễn Thị Thu Hiền (tổng hợp)

Ảnh: Internet

Tin tức khácXem thêm