03 dự án khởi nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đạt giải cao tại Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp năm 2023”

NTTU – Tại vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp tại Trường Đại học Nha Trang 2023, các dự án đến từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã xuất sắc đạt được thành tích cao tại cuộc thi

Tham dự vòng Chung kết cuộc thi, về phía Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có sự tham dự của PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng nhà trường; ThS. Dương Thị Kim Xoa – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp cùng các thầy cô là Cán bộ – Giảng viên hướng dẫn dự án.

Kết quả chung cuộc các dự án khởi nghiệp NTTU đã xuất sắc đạt được thành tích cao với 03 giải như sau:
– Dự án GCC – Phân bón hữu cơ từ vỏ trái cây kết hợp bột sò nguyên liệu đạt giải Nhì
– Dự án ATER – Tảo Algae Skin Care Mask đạt được giải Ba
– Dự án Medilea – Sản phẩm gia tăng hiệu suất từ dịch chiết lá bàng đạt giải Khuyến khích

Dự án ATER trình bày bài thi

Dự án GCC trình bày bài thi

Dự án Medilea trình bày bài thi

Bên cạnh các giải thưởng trong cuộc thi lần này thì các dự án cũng đã xuất sắc đạt giải cao tại các cuộc thi như She Future 2023, Zone Boot Camp 2023 và đặc biệt là giải Ba Chương trình Phát triển dự án Khởi nghiệp Quốc gia 2023.

Được biết, đây là các dự án đến từ Viện Ứng dụng Công nghệ và Phát triển Bền vững, khoa Quản trị Kinh doanh NTTU. Với Giảng viên hướng dẫn chính là ThS. Trần Thành, dưới sự hỗ trợ và ươm tạo của Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp.

Thành viên dự án và Cán bộ GVHD NTTU

Thông tin về các dự án như sau:
Sản phẩm Phân bón GCC được đặc chế từ các vỏ trái cây với mỗi một loại vỏ trái cây có tính chất riêng được phối trộn với bột vỏ của các loại hải sản, bên cạnh việc giải quyết vấn đề môi trường, còn có công năng đặc biệt là tự động cân bằng độ pH cho đất trong quá trình canh tác, sản phẩm hướng tới khách hàng là những hộ nông dân đang canh tác tại các tỉnh miền Tây Nam bộ và nhóm khách hàng có sở thích trồng cây kiểng, bonsai tại TPHCM. Sứ mệnh của dự án là mang đến giải pháp cho việc tuần hoàn chất thải, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và nâng cao giá trị trái cây Việt Nam, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất xanh.

ATER – Mặt nạ Vi tảo phát triển tại Viện nghiên cứu Kỹ thuật Công nghệ cao Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không chứa hóa chất độc hại và đem lại nhiều lợi ích cho da. Dự án này được sinh ra từ hai xu hướng chính, một là nhận thức sâu sắc về cần thiết giảm thiểu lượng khí CO2, một vấn đề quan trọng toàn cầu và vai trò của tảo trong quá trình hấp thụ CO2, giúp duy trì sự cân bằng carbon trong hệ sinh thái biển; hai là sự tăng trưởng không ngừng của thị trường mỹ phẩm, đặc biệt là nhu cầu mặt nạ chăm sóc da ở Việt Nam và châu Á. Sản phẩm mặt nạ tảo lục ATER có điểm nhấn từ các đặc tính nổi bật của tảo Chlorella. Khả năng detoxify, bổ sung chất chống oxy hóa, làm dịu và tái tạo da, cùng với màu xanh lá cây đặc trưng tạo nên sự khác biệt và thu hút, sự độc đáo này không chỉ làm nên sự nổi bật so với các sản phẩm mặt nạ tảo xoắn sẵn có trên thị trường mà còn đảm bảo an toàn và chất lượng cao thông qua quy trình sản xuất và kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Dự án ATER phản ánh sự kết hợp giữa công nghiệp làm đẹp và trách nhiệm với môi trường mở ra một hướng đi mới cho ngành công nghiệp mỹ phẩm tại Việt Nam, hứa hẹn không chỉ làm đẹp cho người tiêu dùng mà còn góp phần vào việc làm đẹp cho hành tinh.

Sản phẩm dịch chiết lá bàng khác biệt với các sản phẩm trên thị trường. Hiện có 2 dòng sản phẩm là Medilea dành cho nuôi trồng thủy hải sản và Medilea Pro dành cho cá cảnh. Một số điểm khác biệt chính đó là quy trình sản xuất và công nghệ giữ cho hàm lượng dược tính của lá bàng hạn chế mất đi trong quá trình làm ra sản phẩm. Sản phẩm đã có đánh giá hàm lượng dược chất như Saponin và Polysaccharides cho thấy nồng độ rất tốt để ứng dụng cho các chức năng. Mức độ cô đặc bằng công nghệ giúp cho lượng sử dụng ít hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, hạn chế làm cho ứng dụng trên cá cảnh sẽ ít bị gây màu nước hồ làm mất mỹ quan. Ngoài ra, dịch chiết lá bàng còn bổ sung thêm một số vi sinh có lợi trong sản phẩm sử dụng cho cá nuôi cho thị trường nuôi trồng thủy hải sản, như một số vi sinh giúp hệ tiêu hóa các thủy sản tốt hơn, hiệu quả hơn trong chuyển hóa thức ăn.

Có thể thấy, các dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn qua từng cuộc thi. Đồng thời khẳng định vị trí trên bản đồ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các Trường Đại học trên cả nước. Thông qua các giải thưởng đạt được trong thời gian qua, các dự án đã cho thấy được sự chuyển mình mạnh mẽ từ những ý tưởng sơ khai đến những dự án có tính khả thi, điều đó một lần nữa khẳng định sứ mệnh và tầm nhìn của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang định hướng đúng đắn để đào tạo ra những nhân tài có tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hội nhập thế giới, trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Giải thưởng tại cuộc thi lần này là một trong những thành tích xuất sắc góp phần chào mừng Kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Tin bài – Hình ảnh: Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp

 

Tin tức khácXem thêm