Xây dựng tương lai ngay từ hôm nay
Các bạn hãy cùng NTTU đọc bài viết, làm một trắc nghiệm nho nhỏ tại đây để cùng gia đình tự rà soát, đánh giá lại bản thân và sau đó bấm vào hình bên dưới để share FB và nhận ngay những phần quà cực kỳ cute nữa nhé!
Đừng quên kêu gọi bạn bè, người thân giúp đỡ và lưu ý thời gian tham gia tính đến trước ngày 15/08/2020
Theo bạn, sai một ly thì đi bao nhiêu dặm? Nếu theo cách tính toán của ông bà ngày xưa sai một ly chỉ đi một dặm, nhưng trong xã hội ngày nay, nếu lựa chọn sai có khi phải đi ngàn dặm mới tìm được điểm đúng. Lựa chọn ngành nghề cho tương lai cũng vậy, nếu chọn sai ngành học bạn phải mất rất nhiều thời gian để bắt lại từ đầu. Vậy phải làm gì để chúng ta có thể đúng ngay tại thời điểm xuất phát? Có 3 NÊN và 2 KHÔNG mà các bạn cần lưu ý:
- Nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và đam mê của bạn.
- Nên chọn nghề mà bản thân, gia đình có điều kiện để đáp ứng:
- Năng lực: đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp;
- Kinh tế: đáp ứng được chi phí đào tạo và nuôi dưỡng nghề…
- Tính cách: phù hợp với tính chất công việc;
- Sức khỏe: đảm bảo với cường độ lao động;
- Nên tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình sẽ lựa chọn như:
- Ngành đó sẽ học gì?
- Trường nào đào tạo?
- Chất lượng đào tạo như thế nào
- Học xong sẽ làm ở đâu?
- Mức thu nhập ra sao?
- Không chọn nghề theo mong muốn của người khác
- Không chọn theo xu hướng đám đông hay lôi kéo của bạn bè.
———————–
Dù đã đăng ký dự thi hoặc sắp tới được trúng tuyển vào trường này, điều đó chưa đủ để xác quyết rằng bạn đã phù hợp với ngành nghề định chọn. Khi ấy, các yếu tố “phù hợp hay không phù hợp với ngành nghề” vẫn là những vấn đề cần phải tiếp tục được đặt ra. Bởi vì, những yếu tố này vẫn liên tục tác động, khiến bạn phải thường xuyên tự rà soát và điều chỉnh lại mình để vững bước trên con đường hướng nghiệp.
Trong các “Ngày hội nghề nghiệp” tổ chức tại Nhà hát Bến Thành với đối tượng mời là sinh viên năm cuối của các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhà tuyển dụng và phía sinh viên đã trao đổi cởi mở về nhiều vấn đề. Trong đó có vấn đề phù hợp hoặc không phù hợp khi học nghề và hành nghề đã chọn.
Một sinh viên đã mạnh dạn nêu băn khoăn: “Bạn tôi trúng tuyển cùng lúc vào ba trường Đại học (với vị trí thủ khoa ở hai trường). Bạn đó đã chọn học ở trường có danh tiếng nhất (để thêm “oai”), nhưng sau gần bốn năm theo học, bạn ấy thốt lên một sự thật của lòng mình: Cốt học để lấy bằng đại học, rồi làm nghề khác chứ không theo nghề đã được đào tạo (!). Vậy xin hỏi: học một đàng, làm một nẻo thì có được coi là phù hợp không? Nhà tuyển dụng có khi nào tuyển sinh viên tốt nghiệp trái ngành nghề không?”.
Thực trạng cho thấy rất nhiều sinh viên hướng tới Đại học hay Cao đẳng cốt không phải để chọn nghề phù hợp!
Như trường hợp trên đây: học cầu mong có được mảnh bằng, còn nghề nghiệp hay việc làm thì… tính sau! Cũng vì để “tính sau”, nên đã có đến con số 90% Sinh viên tốt nghiệp đang phải thất nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp, trong đó có nguyên nhân chính là không phù hợp, dù có bằng cấp. “Ngay cả khi trúng tuyển hay đã tốt nghiệp ở một trường đại học nào đó, điều ấy không hoàn toàn đồng nghĩa với việc phù hợp ngành nghề mà trường đó đào tạo. Đây mới chỉ là chặng đầu của việc nghiệm thử, chưa phải là lúc nghiệm thu về sự phù hợp với nghề” (Lời khẳng định của nhà tuyển dụng đại diện cho công ty Unilever Việt Nam).
Nhưng chờ tới khi đi làm và dấn thân vào nghề mới nghiệm thấy mình không hợp với nghề… thì đã quá trễ!
Người trúng tuyển vẫn có thể là người vô tình đã chọn lầm nghề. Bởi vì, với ba môn thi tuyển vào một chuyên ngành nào đó, chỉ có thể cho thấy người đó “lọt được đầu vào” chứ chưa khẳng định được người đó sẽ “xuôi được đầu ra”. Họ có thể học tập trầy trật trong những năm ở đại học, và việc tốt nghiệp được hay không vẫn còn là một thách đố lớn lao. Do vậy mới có tình trạng nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng vì không theo nổi hoặc thấy chán nghề. Thực tế đó giúp ta thấu hiểu một điều: Đầu xuôi, có thể đuôi không lọt, nếu còn vướng những trục trặc gì đó mà ta chưa kịp nhận ra để điều chỉnh.
Những trục trặc trong các tình huống lựa chọn không phù hợp với ngành nghề được quy tụ về 1 trong 6 (có khi cả 6) yếu tố sau đây:
1. Năng lực
Đây là yếu tố tương đối dễ thấy nhất, nhưng cũng dễ ngộ nhận nhất khi chọn ngành nghề phù hợp. Có người giỏi toán, cứ tưởng đi vào ngành nào tuyển theo khối A cũng phù hợp. T.N.B – một sinh viên năm thứ ba khoa Công nghệ thông tin thừa nhận: “Nếu biết trước, tôi sẽ không theo ngành này, vì đây là một lĩnh vực Toán ứng dụng, trong khi tôi lại thích Toán cao cấp, Toán cơ bản, nặng về lý thuyết”. Chẳng phải khoa học ứng dụng dễ hơn khoa học cơ bản, mà mỗi bên cso những phức tạp riêng của nó, đòi hỏi một khả năng riêng của sự động não mà không phải ai giỏi toán cũng phù hợp. Bởi vậy mới có những chuyên gia riêng về Toán ứng dụng, khác với những chuyên gia về nghiên cứu Toán cao cấp. Tương tự, có nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học Kinh tế ra, nhưng lại không làm được (hoặc làm không tốt) trong ngành kinh tế, vì Toán kinh tế là một lĩnh vực Toán ứng dụng, thay vì Toán lý thuyết. Mặt khác, số này có thể vững về Toán – Lý – Hóa (khi thi tuyển theo khối A) nhưng lại không vững về Văn – Sử – Địa, mà ngành kinh tế và tư duy kinh tế thì đòi hỏi nhiều kiến thức tổng quát (cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa dân tộc, giá trị nhân văn…).
2. Tính cách
Khi tuyển sinh, không có đề thi về tính cách. Nhưng việc học nghề và hành nghề thì tự nó lại đòi hỏi rất nhiều về tính cách. Những ai học thụ động hoặc thường đối phó các kỳ kiểm tra bằng những “phao cứu hộ”, ắt rằng sẽ “đứt gánh nửa chừng xuân”hoặc họa may tốt nghiệp cũng chỉ là loại “cử nhân điểm 5 vớt”! L.K.P – một sinh viên năm tư Khoa Tài chính kế toán khi đi thực tập đã phải ngơ ngác, không hiểu nổi những kinh nghiệm thực tế trong nghiệp vụ kế toán tại một công ty liên doanh. Tìm hiểu mới biết sinh viên này ngoài lo việc “tụng niệm” để thuộc bài học lý thuyết, giờ còn lại là lao vào mạng Internet để “meo”, “chat”, chơi games hoặc thưởng thức “của ngon, vật lạ” trên màn hình, trong thế giới ảo, chứ không thiết đọc sách, không chịu học hỏi trong thế giới thật. Do vậy, sự trưởng thành của những sinh viên như L.K.P nếu có chỉ là khập khiễng. Họ quên những giá trị “mặt đối mặt” trong đời sống hàng ngày, trong giao tiếp xã hội, giữa cá nhân với thực tế nghề nghiệp và thực tế cộng đồng.
Vào đời và ra nghề, có những tính cách của ta giúp ăn nên làm ra. Ngược lại, nếu có những tính cách khác, nếu không biết chế ngự, sẽ khiến ta tán gia bại sản.
3. Sở thích
Có không ít người coi sở thích của mình là một sở trường. Họ cứ tưởng thích ngành nghề nào là đương nhiên có sở trường về ngành nghề đó. Có nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học và đi làm đúng nghề đã được đào tạo, nhưng tới đó mới hiểu ra rằng “cái thích” của mình về nghề đó là một sự ngộ nhận. Sự ngộ nhận ấy ít nhất bị rơi vào một trong hay tình huống sau:
a/ Thực ra, cái sự thích của mình trước đây chỉ là “thích thế thôi”, “thích nhất thời” theo cảm tính, chứ không phải là một sở thích ổn định, lâu bền, có cơ sở lý trí và có chí thú nuôi dưỡng sở thích đồng hành với sự nghiệp.
b/ Đó là sở thích khá ổn định, rất tâm nguyện, thích đến đam mê, đầy tâm huyết. Nhưng khốn nỗi…tiềm năng và nội lực lại không phù hợp để theo đuổi ý thích, không đủ sức vượt qua những chướng ngại của nghề để đích tới nhưng mong muốn (lực bất đồng tâm).
Bởi vậy, không phải cứ ai thích làm giàu là hợp với ngành kinh tế, thích bay nhảy là hợp với ngành du lịch…càng ngày, người ta càng ngộ ra rằng: sở thích, sở trường và năng khiếu là ba lĩnh vực không phải với ai và khi nào cũng đồng nhất. Có khi giữa chúng là “chọi” nhau trong một con người.
4. Sức khỏe
Không ai phủ nhận sức khỏe thể chất đối với công việc và ngành nghề. Tuy vậy, để chọn ngành nghề, chẳng phải ai cũng nghĩ rằng, người thiếu sức khỏe cơ bắp vẫn có thể theo được ngành lao động trí óc, người kém khả năng vận động (do khuyết tật) có thể làm nghề tĩnh tại. Đặc biệt, ít ai thừa nhận rằng, người mạnh mẽ về thể chất vẫn có thể là người không làm được nhiều công việc cần đến sự dẻo dai và bền chí trong một nghề. Bởi vậykhi chọn một ngành nghề để hướng tới, bạn đừng chỉ nghĩ đến sức khỏe thân xác. Quan trọng hơn hãy nghĩ tới sức khỏe tinh thần và chí khí tâm lực. Thiếu hai điều kiện này của sức khỏe thì dù có “đô con” cũng bằng thừa. Nghề nào cũng có cái “nghiệp”. Sức khỏe tốt là sức khỏe giúp ta vượt qua cái nghiệp của nghề. Trong số những sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí ra trường không theo được nghề phóng viên, có nhiều người không đủ sức khỏe tinh thần để kham nổi sự căng thẳng của nghề, dù thể chất tốt.
5. Kinh tế
Phù hợp với túi tiền là yếu tố thực tế nhất, liên quan tới hoàn cảnh kinh tế của gia đình và khả năng kiếm ra tiền của bạn. Thay vì dựa vào sự hỗ trợ từ ngoài, bạn hãy ưu tiên xét từ điều kiện bên trong. Trước mắt là việc hạch toán: tốn bao nhiêu cho việc theo 4-5 năm ở bậc đại học để có được một nghề?
6. Xã hội
Đây là một yếu tố khách quan, nhưng rất hệ trọng. Khi “một con cá lội, trăm người thả câu” thì xác suất câu được chỉ 1% và khả năng thất nghiệp lên tới 99%. Bởi vậy, để phù hợp với nhu cầu thị trường, bạn không nên lao vào những nghề đã có đông người chen chân. Cũng không nên tập trung quá nhiều vào mục tiêu thi đại học, trong lúc xã hội đang “thừa thầy thiếu thợ”.
Không nhất thiết phải chọn đúng nghề thời thượng mới hội nhập nghề nghiệp và “ăn nên làm ra”. Có một nghề không mang tính thời thượng nhưng lại có tính xã hội rất cao, đó là nghề công tác xã hội. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu công tác xã hội càng bức bách và người làm công tác xã hội sẽ ngày càng đông trong cộng đồng dân cư.
Sáu yếu tố trên đây là sáu điểm tựa, giúp bạn trẻ căn cứ vào đó để nghiệm lại mình đang phù hợp hay chưa với ngành nghề muốn hướng tới. Đừng nóng vội, đừng chủ quan để không đốt cháy giai đoạn mà cũng tránh sự áp đặt vô lối khi tự chọn nghề cho tương lai của bạn.
Vì vậy, trước ngưỡng cửa quyết định của sự nghiệp, của tương lại, để tự hướng nghiệp tốt, đối với các bạn học sinh THPT, việc chọn ngành gì, nghề gì nên được thực hiện theo các bước tự đánh giá cơ bản như sau:
1. Tự xác định sở thích bản thân
Tự nhận diện bản thân nhằm xác định được bạn thích gì ? nghề nghiệp nào là phù hợp với bạn ? bằng cách tự trả lời các câu hỏi theo các bước sau hoặc trả lời các câu hỏi “Xác định các nhóm sở thích nghề nghiệp nổi trội”.
– Nhận dạng về sở thích hay sự quan tâm của bạn. Hãy quan tâm đến những việc đang diễn ra xung quanh, xem báo đài để bắt đầu bằng việc tự trả lời câu hỏi về những công việc mình yêu thích, những lĩnh vực nghề nghiệp nào bạn có thể làm hoặc thậm chí những ngành học nào mình ưa thích và điều quan trọng phải giải đáp được vì sao bạn thích.
– Nhận dạng tính cách, sở thích, kỹ năng và giá trị của bạn. Mỗi cá nhân đều có thể thành công hoặc phát huy lợi thế của mình nếu được làm môi trường phù hợp với tính cách và giá trị của mình. Để nhận dạng nhận dạng tính cách, sở thích, kỹ năng và giá trị của mình, bạn tự trả lời các câu hỏi: Bạn khá nhất ở lĩnh vực nghề nghiệp nào; Bạn thích hoặc bạn thành công nhất ở những hoạt động nào hoặc thế mạnh của bạn là gì? Như vậy, đầu tiên phải xác định được trong những nghề bạn yêu thích thì nghề nào là phù hợp với bạn.
2. Phương pháp xác định ngành nghề – trường tương ứng
Sau khi tự nhận diện bản thân, xác định nghề phù hợp với mình, bước tiếp theo bạn sẽ tìm trường có ngành học phù hợp nhất với sở thích nghề nghiệp của mình. Điều quan trọng nhất của giai đoạn này chính là quá trình tự tìm hiểu của học sinh nhằm thu thập thông tin về các trường ĐH, CĐ, TCCN, CĐN, TCN và thiết lập mục tiêu cá nhân.
Đây giai đoạn rất quan trọng, bởi nếu đủ thông tin sẽ giúp bạn có cơ sở để xác định chính xác hơn những sở thích hay sự quan tâm của bạn mà bạn đã trả lời ở phần 1. Để thực hiện việc này, các bạn có thể tham khảo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (với 642 ngành kinh tế cấp 5), danh mục giáo dục đào tạo cấp IV – trình độ cao đẳng, đại học (với khoảng 500 ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và trên 130 ngành TCCN).
3. Tự xác định lực học
Đây là bước mà nhiều học sinh thường “nhắm mắt” bỏ qua, hoặc “đại khái” để tự hài lòng hoặc hy vọng vào sự may mắn. Thực tế Tuyển sinh đại học, cao đẳng đã chứng minh cơ hội trúng tuyển tùy thuộc vào sức học của mỗi học sinh. Nếu đại khái, xuê xoa, bỏ qua tự đánh giá năng lực hoặc sức học của bản thân thì làm tăng nguy cơ giảm khả năng trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích.
Để nhận diện sức học của mình, học sinh làm theo mẫu ở mục 6 – Kế hoạch – bên dưới, lưu giữ, đối chiếu với từng học kỳ. Việc xác định năng lực sớm nhằm giúp học sinh có kế hoạch tự điều chỉnh việc học nhằm quyết tâm thực hiện được mơ ước của mình. Nếu sức học quá chênh lệch với ước mơ, nên học ở một trường khác, bậc học phù hợp để có nghề nghiệp mà mình yêu thích, và đủ sức vào theo các tiêu chí tuyển sinh của trường đó.
4. Tìm hiểu nhu cầu nhân lực các ngành nghề
“Trong vài năm tới ngành nào là thu hút nhân lực? Ngành nào lương cao? ….“ là những câu hỏi thường gặp trong các buổi tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh. Bình quân hàng năm có đến 80% học sinh có nguyện vọng học tiếp đại học, cao đẳng. Trong khi đó cơ cấu nguồn nhân lực tính đến 2015 là 59% sơ cấp nghề, TCCN là 23%, cao đẳng 6,6%, đại học 10,8%, sau đại học 0,7%, đến 2020 lần lượt là 54,2% – 27,1% – 6,8% – 11,3% – 0,7%. Như vậy, bình quân trong cả nước, học sinh chọn ngành học ở trình độ nghề, TTCN, cao đẳng nghề có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Ngoài ra, mỗi ngành nghề khác nhau, địa phương khác nhau thì nhu cầu nhân lực theo cơ cấu đào tạo tất yếu là khác nhau, ví dụ, nhu cầu nguồn nhân lực trình độ CĐ, ĐH ngành CNTT là 65%, ngành GTVT là 36,5%, ngành du lịch 28,5%, ngành năng lượng hạt nhân 83%, ngành ngân hàng 83%, ngành tài chính 50%…
Có địa phương định hướng tăng các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ, xuất khẩu, gia tăng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, nhưng học sinh của tỉnh không mặn mà khi chọn các ngành học này.
Nếu có dự tính sẽ làm việc ở địa phương nào thì học sinh nên tham khảo nhu cầu nhân lực của địa phương đó.
5. Khi con viết tiếp ước mơ cho cha mẹ – Con chọn hay cha mẹ chọn?
Thực tế cho thấy có không ít cha mẹ can thiệp trực tiếp vào cuộc sống của con, đưa ra những chọn lựa thay con và cho rằng đó là cách làm tốt nhất cho con mình. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng mình là người đi trước, từng trải nhiều sẽ hiểu điều nào tốt cho con.
Mỗi nhà mỗi cảnh, lại có nhà, cha mẹ kỳ vọng vào con viết tiếp ước mơ còn dang dở thời trẻ của mình, muốn con thành đạt hơn mình. Một bà mẹ kiên quyết muốn con phải vào bằng được ngôi trường ấy, học ngành ấy để sau này ra trường làm công việc ấy – những gì trước kia chị ấp ủ nhưng không thực hiện được. Con cái bỗng trở thành người viết tiếp ước mơ cho cha mẹ.
Tâm lý chung của cha mẹ khi định hướng con chọn ngành, nghề tương lai thương mong con chọn ngành dễ xin việc, đáp ứng xu thế xã hội. Không thể phủ nhận sức nóng của đề tài chọn trường, chọn nghề của con trong câu chuyện giữa những ông bố bà mẹ với nhau. Mối quan tâm khi gặp nhau hỏi han cũng thường là: “con anh/chị nộp trường nào?”. Người hướng được con theo ý mình thì hớn hở, người lại lắc đầu ngao ngán: “trứng mà đòi khôn hơn vịt!” khi con không nghe theo ý mình.
Chuyện cha mẹ mong muốn lựa chọn điều tốt cho con sẽ chẳng có gì đáng bàn cãi nếu không có những câu hỏi đặt ra như: liệu con mình có hứng thú với nghề mà ba mẹ đã chọn? Các bạn có năng lực theo đuổi nghề ba mẹ kỳ vọng? Chuyện cha mẹ muốn là một chuyện, khả năng và sở thích của con thế nào lại là chuyện đáng quan tâm hơn.
Cha mẹ nào cũng mong điều tốt cho con mình. Tuy nhiên, nếu mong muốn của cha mẹ khiến con trẻ phải gồng mình làm điều không thích, vượt quá khả năng bản thân thì hậu quả sẽ thật tai hại. Có không ít trường hợp, con vì không muốn phụ lòng cha mẹ, ngoan ngoãn chọn trường như cha mẹ mong muốn nhưng quá trình học sau này chẳng hứng thú gì. Kết cục là kết quả học tệ hại, không theo kịp hoặc có nhiều bạn vì chán nản nên bỏ dở ngành học đó, quay trở lại ôn luyện thi vào trường khác.
Nói về chuyện bất đồng giữa phụ huynh và con cái, những cha mẹ được đánh giá cao lại là những người chỉ mang tính định hướng cho con, còn lại con trẻ được quyền quyết định lựa chọn của mình. Họ chọn cách phân tích cho con hiểu đặc thù từng ngành nghề, còn lại lựa chọn là ở phía con trẻ. Họ chỉ đóng vai trò đi bên cạnh con, chỉ rõ những tốt xấu và sẵn sàng cho con trải nghiệm.
Bước vào kỳ thi quan trọng, phụ huynh đừng vì những bất đồng trong mong muốn chọn trường, chọn nghề khiến tâm lý con trẻ thêm căng thẳng. Khi cùng nhau tìm tiếng nói chung, con cái sẽ thấy cha mẹ không phải người áp đặt mà là người bạn đường đồng hành tiếp sức cùng con.
6. Lập kế hoạch định hướng nghề nghiệp
Lập sổ tay hướng nghiệp chính là quá trình tự hướng nghiệp bản thân, kiểm soát, điều chỉnh hành vi nhằm vượt qua những khó khăn, cản trở để đạt mục tiêu cao nhất.
Việc nhận diện tính cách, kỹ năng, giá trị và sức học nhằm giúp học sinh vừa tự khám phá mặt mạnh, vừa xác định chính xác những hạn chế của bản thân để có những điều chỉnh phù hợp, chứ không làm triệt tiêu ước mơ của mình. Nếu quyết tâm, nên bắt đầu sớm bài hướng dẫn này, có thể ngay từ học kỳ đầu tiên của lớp 10, và nên tự thực hiện theo từng học kỳ và bắt đầu bằng những mơ ước của mình về nghề nghiệp đến thực tế của bản thân
Bảng tự định hướng nghề nghiệp – kế hoạch sự nghiệp
Vậy, sau khi đã xác định được nghề nghiệp phù hợp, muốn trúng tuyển vào Đại Học Nguyễn Tất Thành, bạn sẽ chọn phương thức nào trong 5 phương thức của năm 2020 dưới đây:
► Phương thức 1: Xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 theo tổ hợp môn.
►Phương thức 2: Xét tuyển kết quả học bạ đạt 1 trong các tiêu chí (riêng các ngành sức khỏe áp dụng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT):
– Điểm tổ hợp các môn xét tuyển lớp 12 đạt từ 18 trở lên.
– Tổng điểm trung bình cả năm lớp 10, 11 và điểm trung bình năm lớp 12 đạt từ 18 trở lên.
– Điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt từ 6.0 trở lên.
► Phương thức 3: thi tuyển đầu vào do trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức.
► Phương thức 4: xét tuyển kết quả bài thi kiểm tra đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. HCM.
► Phương thức 5: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển các thí sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế; xét tuyển các thí sinh người nước ngoài đủ điều kiện học tập hoặc theo diện cử tuyển.
Với 5 khối ngành: Sức khỏe, Kinh tế, Kỹ thuật Công nghệ, Xã hội Nhân văn, Mỹ thuật – Nghệ thuật với 48 chương trình bậc đại học, bạn đã chọn được ngành học yêu thích của mình chưa? (thông tin thêm tại đây)
———————–
Các bạn hãy cùng NTTU làm một trắc nghiệm nho nhỏ tại đây để cùng gia đình tự rà soát, đánh giá lại bản thân và sau đó bấm vào hình bên dưới để share FB và nhận ngay những phần quà cực kỳ cute nữa nhé!
Đừng quên kêu gọi bạn bè, người thân giúp đỡ và lưu ý thời gian tham gia tính đến trước ngày 15/08/2020.
Liên hệ nhận quà: Trung tâm Tuyển sinh – Đại học Nguyễn Tất Thành, 300A Nguyễn Tất Thành P. 13, Q. 4, TP. HCM.
► Thí sinh đăng ký tại đây để được tư vấn chi tiết hơn:
———————————————————————————————-
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Trụ sở chính: 300A – Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
Điện thoại: 1900 2039 Fax: (028) 3940 4759
Hotline: 0902 298 300 – 0906 298 300 – 0912 298 300 – 0914 298 300
Tổng hợp