Trường tư không còn ‘sợ’ trường công

PNO –  Mùa tuyển sinh năm 2018, điểm chuẩn và tỷ lệ nhập học ở nhiều trường đại học ngoài công lập đã vượt xa nhiều trường công lập. Sức hút của trường tư đã trở nên đáng gờm.

Cuộc đua ngang ngửa

Điểm chuẩn cao nhất trong các trường đại học (ĐH) tư ở TP.HCM trước hết phải kể đến Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM. Tại trường này, điểm chuẩn hầu hết các ngành không nhân hệ số dao động từ 15,5-21,5 điểm; trong đó chỉ có ba ngành lấy điểm chuẩn từ 15,5-16,25, phần lớn các ngành còn lại đều lấy từ 18,25-21,5 điểm – một mức điểm khá cao so với phổ điểm chung của năm nay. Trường ĐH Hoa Sen cũng có hàng loạt ngành tuyển sinh ở mức điểm khá cao, từ 18-20 điểm. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lấy từ 15-20 điểm.

Tương tự, các trường ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM đều có điểm trúng tuyển từ 16-20. Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM quyết định không xét bổ sung theo phương thức xét tuyển kết quả thi vì đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay đợt xét tuyển đầu tiên. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dù có tổng chỉ tiêu lên đến 5.100 nhưng chưa hết thời hạn đã có 97% thí sinh xác nhận trúng tuyển. Sức hút của trường này khá lớn khi có đến 51.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển ngay đợt đầu tiên.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH công lập lẹt đẹt với điểm chuẩn tầm tầm. Ví dụ, điểm trúng tuyển cao nhất vào Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường TP.HCM chỉ có 16 điểm và duy nhất ngành quản trị kinh doanh đạt mức điểm này. Còn lại 16 ngành đều chỉ tuyển ở mức 15-15,5 điểm.  

Điểm chuẩn của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2018 từ 15-20 điểm

Năm nay, nhiều trường công lập ở các địa phương, thậm chí là các ĐH vùng, nhưng điểm tuyển cũng chỉ ở mức 13 điểm. Trong tổng số 18 ngành đào tạo của Trường ĐH Tiền Giang thì hết 14 ngành lấy 13 điểm, ba ngành lấy điểm trúng tuyển là 14. 

Theo công bố của Trường ĐH Xây dựng miền Trung, điểm chuẩn trúng tuyển năm 2018 theo kết quả thi THPT quốc gia ở tất cả các ngành đều từ 13 điểm. Như vậy, thí sinh chỉ cần mỗi môn hơn bốn điểm là trúng tuyển. Tương tự, Trường ĐH Tây Nguyên có đến 21 ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, công nghệ lấy chỉ 13 điểm. Trường ĐH Quảng Nam cũng có bảy ngành lấy điểm trúng tuyển là 13. Dù điểm chuẩn thấp nhưng trường vẫn tuyển chưa đủ chỉ tiêu và phải thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung hơn 570 chỉ tiêu hệ ĐH. Đáng chú ý, điểm sàn xét tuyển của năm ngành công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh, Việt Nam học, lịch sử chỉ 12 điểm. 

Đông đảo thí sinh tới làm thủ tục nhập học tại ĐH Nguyễn Tất Thành 

Trừ ba trường ĐH là Y Dược, Ngoại ngữ và Sư phạm, các trường còn lại của ĐH Huế lấy điểm chuẩn chỉ từ 13-15 điểm. Tại Trường ĐH Nông lâm, 21/24 ngành có điểm chuẩn là 13. Trường ĐH Kinh tế cũng có 11/22 ngành lấy điểm trúng tuyển 13 điểm. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngoại trừ ngành báo chí lấy 13,75 điểm thì tất cả các ngành còn lại cũng chỉ 13 điểm là trúng tuyển.

Dù sở hữu “thị trường” thuận lợi hơn nhưng khá nhiều trường ĐH lớn tại TP.HCM cũng có mức điểm chuẩn tương đương trường tư. Cụ thể như Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng chỉ xác định mức điểm chuẩn từ 16-20 điểm. Các phân hiệu ngoài TP.HCM thậm chí chỉ lấy 15 điểm. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có đến 16/22 ngành lấy điểm chuẩn từ 15,5-20 điểm. Trường ĐH Tài chính – Marketing cũng chỉ xác định điểm chuẩn từ 16-21,4 điểm. Xác định điểm chuẩn chỉ từ 15- 20,65 điểm, Trường ĐH Mở TP.HCM giảm từ 2-4 điểm so với năm ngoái. Trong số 28 ngành đào tạo của trường, chỉ có hai ngành nằm ở mức điểm trên 20 điểm. 

Sòng phẳng với người học

Khi chúng tôi đem hiện tượng này “thỉnh giáo” một giáo sư Việt kiều thì ông nói: “Tôi chẳng thấy có gì bất ngờ cả. Thị trường giáo dục cũng phải sòng phẳng, cạnh tranh công bằng. Người học – khách hàng thấy nơi nào tốt hơn, phù hợp hơn thì chọn. Ngày xưa, trường công có đặc quyền được bao cấp trọn gói, học phí rẻ nên ưu thế nhiều thứ. Bây giờ, ưu thế đó không còn nữa thì công hay tư cũng như nhau, giá trị nằm ở thương hiệu và chất lượng. Chỉ có mình còn nặng công – tư. Ở nhiều nước khác, chưa chắc trường công tốt hơn trường tư. Thậm chí với tiềm lực tài chính, nhiều trường tư còn phát triển và nổi tiếng hơn trường công. Tôi cá là không ai dám chê sinh viên trường ĐH tư thục Harvard”.

Lý giải hiện tượng này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, một trường ĐH tư – phân tích: “Trừ một số trường tốp trên có thị phần hoàn toàn khác, ĐH tư với chưa tới, còn lại các trường ĐH công tốp giữa đang là đối thủ cạnh tranh của các trường tư. Thí sinh bây giờ không còn nặng nề trường công hay tư như trước mà bắt đầu tìm đến sự phù hợp về vị trí địa lý, ngành nghề, môi trường… So với cơ chế công lập khó thay đổi thì rất nhiều trường tư bây giờ đều có cơ sở vật chất khang trang, dịch vụ tốt, môi trường giáo dục năng động hơn”. 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh thẳng thắn: “Trừ những ngành nghiên cứu hàn lâm cần đầu vào siêu giỏi thì các trường tư khó cạnh tranh, nhưng nếu so về ngành dịch vụ, công nghệ, sinh viên trường tư thường sẽ lanh hơn, có kiến thức xã hội và kỹ năng tốt hơn. Bởi vì ý thức được thương hiệu ngoài công lập nên trường phải năng động tạo điều kiện để sinh viên va chạm thực tế, tiếp xúc doanh nghiệp từ sớm. Kiểu như phải cố gắng lấy cần cù bù thông minh”.  

Gia Tuệ

Tin tức khácXem thêm