Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nghiệm thu thành công nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN cấp Thành phố

NTTU – Ngày 15/3/2021, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống hàn cao tần không tiếp xúc công suất 250kW cho dây chuyền sản xuất ống thép hàn”. Đây là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố – Chương trình Nghiên cứu chế tạo máy CNC và công nghệ 3D giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025, do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chủ trì

Đề tài có mục tiêu: (1) Tạo sản phẩm mới là thiết bị chủ lực hàn cao tần trong dây chuyền tự động sản xuất ống thép hàn, với mục tiêu tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm đầu cuối; (2) Góp phần phát triển công nghiệp chế tạo máy, đóng góp thiết thực trong việc làm chủ công nghệ và thiết kế dây chuyền sản xuất ống thép hàn hoàn chỉnh để cạnh tranh và thay thế thiết bị nhập ngoại.

Trong thời gian thực hiện (18 tháng) đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu bao gồm tổng quan khảo sát các thiết bị hàn cao tần cho sản xuất ống thép hàn, triển khai các nghiên cứu cơ sở phục vụ thiết kế, tiến hành thiết kế, chế tạo và ứng đưa vào thực nghiệm các tính năng của sản phẩm.

Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Các vấn đề chính mà đề tài đã nghiên cứu giải quyết bao gồm: (1) Xác định rõ các ảnh hưởng của các thông số thiết bị hàn cao tần (như tần số, điện áp, nhiễu hài,…) đến chất lượng mối hàn ống thép và chi phí năng lượng sản xuất. Đề tài đã nghiên cứu ứng dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng này. (2) Đề tài đã áp dụng các giải pháp nêu trên, đồng thời ứng dụng các kỹ thuật về điện tử công suất, sử dụng các linh kiện mới, tiến hành thiết kế, chế tạo thiết bị điện tử cao tần tới 320 kHz, công suất cao làm việc ở 250 kW, với hệ số công suất đạt tới 0,85, độ mấp mô sóng < 2%. Hệ thống đã được thử nghiệm thực tế và đảm bảo thay thế cho thiết bị nhập ngoại.

Với những nội dung nghiên cứu chính đã được thực hiện, đề tài được đánh giá là mang lại lợi ích kinh tế, xã hội rất thiết thực. Ngoài việc giải quyết được bài toán kỹ thuật mang lại giá trị kinh tế cho khách hàng cho bản thân doanh nghiệp, đề tài này còn góp phần nâng cao sự tự tin của giới nghiên cứu trẻ khi đứng trước những thách thức công nghệ mới, cạnh tranh với nước ngoài, góp phần với đất nước trên con đường hội nhập và xây dựng thành công một nước Việt Nam “công nghiệp hóa hiện đại hóa”. Đây cũng là niềm vinh dự và là động lực thôi thúc để nhóm thực hiện đề tài hoàn thành tốt nhiệm vụ đề xuất này.

Về mặt hiệu quả xã hội, do đặc thù lĩnh vực hoạt động là khoa học công nghệ là lĩnh vực vốn có nhiều thách thức: thách thức về công nghệ, thách thức về chi phí nghiên cứu (R&D), thách thức về vốn đầu tư, thách thức về tiếp cận nhu cầu (niềm tin của các doanh nghiệp với sản phẩm công nghệ Việt Nam còn thấp…) nên sự hỗ trợ kinh phí từ nhà nước để chia sẻ rủi ro trong nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Với thành quả đạt được nhóm nghiên cứu cũng tự hào “tinh Thần Việt” để thổi thêm ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho nước nhà.

Sau khi xem xét và thẩm định các kết quả mà nhóm nghiên cứu đã đạt, Hội đồng đồng ý nghiệm thu đề tài.

Phòng Khoa học Công nghệ

Tin tức khácXem thêm