Tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em
NTTU – Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh cực kỳ phổ biến, đứng hàng thứ 2 sau nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em, tỉ lệ nhập viện cao gấp 3 lần so với tiêu chảy do nguyên nhân khác. Tại Việt Nam, 55% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do Rotavirus
Rotavirus là gì?
Rotavirus được Ruth Bishop, Geoffrey Davidson, Ian Holmes, và Brian Ruck phát hiện vào năm 1973 trong mẫu sinh thiết niêm mạc ruột và phân của trẻ em qua đời vì tiêu chảy ở Úc. Rotavirus thuộc họ Reoviridae, trong đó Rotavirus nhóm A gồm 10 serotype là tác nhân gây bệnh chính ở người và động vật.
Con đường lây nhiễm
Virus lây truyền chính qua đường phân miệng hoặc gián tiếp qua các vật dụng, thức ăn nước uống bị ô nhiễm, có khi qua hô hấp. Rotavirus có thể tồn tại nhiều ngày trong phân ở nhiệt độ thường nhưng dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ cao hơn 45oC. Trẻ em dưới 1 tuổi có nguy cơ lây nhiễm cao do trẻ thường xuyên tiếp xúc với các đồ vật bằng tay, thói quen mút tay, đưa tay lên miệng… Người và một số động vật như trâu, bò, chó, cừu, khỉ… đều có thể là ổ chứa virus, chúng có thể gây bệnh trên một số loại động vật này từ lúc chưa trưởng thành và lây sang con người. Đặc biệt, Rotavirus ở động vật có khả năng lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc tái tổ hợp với các chủng rota gây bệnh trên cơ thể người.
Triệu chứng
Rotavirus gây viêm dạ dày – ruột cấp tính với thời gian ủ bệnh thường chỉ 1 – 2 ngày. Bệnh thường khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt và nôn mửa, sau đó là tiêu chảy mất nước nghiêm trọng. Bệnh nhân có các dấu hiệu mất nước như giảm đi tiểu, khô miệng và họng, khóc ít hoặc không có nước mắt, thường xuyên buồn ngủ, quấy khóc… Mất nước và mất điện giải là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nếu không điều trị kịp thời. Nhất là ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 6 tháng dễ bị mất nước và trở bệnh nặng mà người nhà không kịp phát hiện. Trẻ mắc Rotavirus thường có các biểu hiện gồm:
- Nôn: xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2–3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu tiêu chảy. Mỗi ngày có thể nôn vài chục lần.
- Sốt: thường sốt nhẹ và vừa, ít khi sốt cao, thường xuất hiện và kéo dài 2–3 ngày đầu. Tuy nhiên một số trường hợp sốt cao trên 40 độ C có thể gây có giật.
- Tiêu chảy: thường xuất hiện sau triệu chứng sốt và nôn giảm, trẻ đi phân lỏng toàn nước trên 3 lần/ngày, có thể trên 10 lần, có trường hợp vài chục lần, không có nhầy máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, kéo dài từ 3–8 ngày.
- Đau bụng: phần lớn trẻ quấy hơn bình thường.
Điều trị
Điều trị tiêu chảy do Rotavirus chủ yếu là bù nước và điện giải, kết hợp với nâng cao thể trạng cho bệnh nhân đến khi hồi phục hoàn toàn. Cần lưu ý tiêu chảy cấp do Rotavirus không thể điều trị bằng kháng sinh nên cha mẹ không nên tự ý sử dụng các loại kháng sinh cho bé. Nên cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường, có thể sử dụng nước sôi để nguội, cháo loãng, canh rau, nước khoáng không gas hoặc uống oresol theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ. Trẻ nhỏ còn bú mẹ, mẹ có thể tăng số lần và lượng sữa để bù nước, cần chú ý vệ sinh đầu vú mẹ, tiệt trùng bình, núm vú, dụng cụ pha sữa… Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp theo lứa tuổi, chia nhỏ nhiều bữa nhỏ, ăn từng thìa nhỏ, không cố ép trẻ ăn, nếu trẻ nôn trớ, cho trẻ nghỉ rồi ăn chậm hơn. Hạn chế thức ăn, uống có chứa nhiều đường: sữa tươi, bánh kẹo công nghiệp… vì có thể là tăng tiêu chảy. Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này có thể làm giảm nhu động ruột, gây liệt ruột khiến phân không thải ra ngoài, virus sẽ ứ đọng lâu hơn gây chướng bụng, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc, thậm chí tử vong. Đưa trẻ đi khám nếu sau ba ngày trẻ không đỡ hoặc có một trong các dấu hiệu: đi ngoài nhiều, phân tóe nước, ăn hoặc uống kém, sốt cao liên tục không hạ, mắt trũng sâu, khô miệng, cảm giác khát nước, nôn liên tục, có máu trong phân…
Chẩn đoán
Chẩn đoán Rotavirus bằng test nhanh tìm kháng nguyên trong phân, kỹ thuật PCR tìm RNA virus trong phân, dịch hút tá tràng… hoặc chẩn đoán miễn dịch tìm kháng thể trong huyết thanh.
Chủ động chủng ngừa vaccine là cách phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota hiệu quả nhất. Hiện nay, đã có vaccine đường uống phòng ngừa Rotavirus dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Miễn dịch do mắc phải hoặc do uống vaccine sẽ giúp cơ thể trẻ tạo miễn dịch suốt đời. Theo một số nghiên cứu, việc sử dụng vaccine giúp giảm 74–87% nguy cơ mắc bệnh và giảm 85–100% trường hợp mắc bệnh nặng. Phác đồ chủng ngừa virus Rota hiện nay bao gồm 2 liều hoặc 3 liều tùy loại vaccine. Theo khuyến cáo, trẻ từ 6 tuần tuổi đến 8 tháng tuổi nên được uống vaccine Rota càng sớm càng tốt để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
ThS. Lê Quang Hạnh Thư – Khoa Kỹ thuật Xét nghiệm y học (tổng hợp)