(SGGP) – Các trường đại học khuyến khích công bố quốc tế

(SGGPO) Chưa bao giờ các trường đại học (ĐH) Việt Nam lại xem trọng việc công bố quốc tế như hiện nay. Có trường chi từ vài chục đến cả trăm triệu đồng cho mỗi bài báo công bố quốc tế lọt vào danh mục ISI/SCOPUS.
Đây là tín hiệu đáng mừng, song theo nhiều nhà khoa học, điều quan trọng đối với người làm khoa học là phải có đất để dụng võ, phải có chính sách hợp lý để họ yên tâm cống hiến xây dựng “xương sống” vững chắc cho một trường ĐH.
 
Tăng đầu tư, tăng thưởng 
Những năm trước đây, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) với cơ chế đặc thù đã chi tới hơn 30 triệu đồng cho mỗi bài báo của giảng viên được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS. Kết quả của sự “chịu chơi” này, không chỉ tỷ lệ bài báo quốc tế/tiến sĩ của trường tăng đáng kể, mà gần đây, trường cũng có một sinh viên vừa tốt nghiệp đã có đến 6 bài báo quốc tế. Và nay, việc công bố khoa học được xem như là nghĩa vụ bắt buộc của giảng viên.
Mới đây, Trường ĐH Kinh tế TPHCM công bố treo thưởng đến 200 triệu đồng cho bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/SCOPUS.
Chính sách này đã gây sự chú ý cho rất nhiều trường. Tuy nhiên, những người trong cuộc thì cho rằng mức thưởng này không hề cao, vì đối với lĩnh vực kinh tế, để có được bài báo khoa học lọt vào danh mục ISI/SCOPUS thì khó hơn rất nhiều so với các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật… 
Các trường đại học khuyến khích công bố quốc tế ảnh 1
Các trường ĐH đang nỗ lực để đẩy mạnh công bố quốc tế.
Có 19/23 trường ĐH công lập thí điểm tự chủ từ 2015-2017 cũng có bước nhảy vọt về số lượng cũng như chất lượng các bài báo công bố quốc tế. Trong giai đoạn 2013-2016, số lượng các bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên nhiều nhất (số lượng năm 2016 gần gấp đôi so với năm 2014 – từ 848 bài tăng lên 1.651 bài). Số hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng gần gấp 3 trong giai đoạn 2013-2015. 
Trong số 60 trường ĐH ngoài công lập của cả nước, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Duy Tân là 2 trường dẫn đầu về đầu tư cho khoa học, nghiên cứu khoa học cũng như về số bài báo quốc tế lọt vào danh mục ISI/SCOPUS.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện thu hút khá nhiều tiến sĩ trẻ từ nước ngoài về để nghiên cứu. Trong năm 2017, trường đã có gần 70 bài báo ISI/SCOPUS, mỗi bài được thưởng khoảng 30 triệu đồng…
Nghiên cứu phải là nghĩa vụ  
Một trường ĐH mà chỉ biết đào tạo, không có nghiên cứu khoa học, thì không thể gọi là ĐH. Câu nói này cũng được vị thủ lĩnh ngành giáo dục liên tục lưu ý với các trường và cam kết trong các chiến lược phát triển giáo dục ĐH. Như vậy, nghiên cứu khoa học của các trường ĐH phải được xem là nhiệm vụ bắt buộc thì mới thúc đẩy các giảng viên làm việc, sáng tạo. 
Tiến sĩ Bạch Long Giang, Trưởng phòng Khoa học công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Một nhà khoa học không phải đợi có thưởng cao hay thấp mới làm nghiên cứu, mà họ xem đó như là nhiệm vụ phải làm, hơn hết còn là niềm đam mê. Dù một trường ĐH xác định phát triển theo hướng nào thì trong đó giảng viên phải có nghĩa vụ nghiên cứu khoa học. Nếu chỉ lo đào tạo thì chắc chắn trường đó sẽ khó tồn tại lâu dài. Đối với Việt Nam hiện nay, chúng tôi xác định nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các đề tài với các địa phương áp dụng sản xuất là trọng tâm. Hàng năm, trường dành hơn 10 tỷ đồng để thực hiện các đề tài, các giải pháp sản xuất cho các tỉnh, thành”. 
Một tiến sĩ trẻ hiện có gần 90 bài báo quốc tế thẳng thắn: “Một ĐH muốn có tên tuổi, muốn hội nhập thì phải có uy tín. Muốn có uy tín thì công bố quốc tế là một trong những điều quan trọng nhất. Việc khuyến khích hay treo thưởng cho các công bố quốc tế ở nhiều trường ĐH Việt Nam hiện nay cho thấy các trường đang thật sự chú ý và xem nghiên cứu khoa học là thông số quan trọng. Tuy nhiên, các trường phải xác định, để thúc đẩy nghiên cứu khoa học thì phải có cơ chế linh hoạt, có môi trường cho các nhà khoa học được phát huy tính sáng tạo và đảm bảo họ phải sống được bằng chính năng lực khoa học của họ. Nếu chỉ dừng lại ở treo thưởng thì có tiền tỷ cũng không thể thu hút các nhà khoa học làm nghiên cứu”.
Một cựu lãnh đạo của ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: “So với khu vực, công bố quốc tế và bằng sáng chế chúng ta quá ít. Các trường ĐH Việt Nam phải mạnh dạn có những cơ chế đột phá để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Cơ chế này phải có sự thay đổi đồng bộ từ chính sách đầu tư, cơ sở vật chất và phải có tầm nhìn. Hiện nay, những trường tự chủ và một số trường ngoài công lập đang có nhiều cơ hội để bứt phá trong phát triển nghiên cứu khoa học”.

THANH HÙNG

Tin tức khácXem thêm