Robot & AI, Logistics & IoT, Công nghệ chế tạo máy số và Tự động hóa – Các ngành học đúng xu thế phát triển

NTTU – Lựa chọn ngành học luôn là vấn đề được tất cả các em sinh viên và gia đình quan tâm từ rất sớm, thậm chí việc lựa chọn này còn tiếp tục được cân nhắc thay đổi sau khi sinh viên đã nhập học với mong muốn chính đáng là tìm được cho mình một con đường phù hợp, đúng đắn và thành công. Quan niệm truyền thống về việc tốt nghiệp đại học là sẽ có một việc làm ổn định và hấp dẫn đã không còn phù hợp với thực tiễn nữa, nhiều sinh viên sau khi ra trường phải trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau mới tìm được một việc làm như ý muốn. Theo các chuyên gia nhân sự thì trong thời đại ngày nay, một sự nghiệp thành đạt sẽ đến với những ai được đào tạo kỹ lưỡng, đầu óc sáng tạo, nhanh nhạy và linh hoạt với mọi biến động trong cuộc sống, điều này có nghĩa là việc lựa chọn một ngành học phù hợp năng lực cá nhân và xu hướng phát triển chính là tiền đề cho một tương lai tốt đẹp.

Vừa qua, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ (KTCN) đã thực một cuộc khảo sát mở đối với sinh viên các khóa đang học, chia làm hai nhóm (2018-2019 và 2020-2021) về tiêu chí chọn ngành học khi nộp hồ sơ tuyển sinh vào đại học. Có 211 sinh viên đã tham gia chương trình khảo sát với kết quả được thể hiện ở các biểu đồ đưới đây.

Tiêu chí được lựa chọn nhiều nhất là “Các ngành học được dự báo có nhu cầu cao trong tương lai” với tỷ lệ lần lượt là 44% (các khóa 2018-2019) và 69% (các khóa 2020-2021). Điều này cho thấy các thế hệ sinh viên về sau đã có nhận thức sâu sắc hơn về sự chuyển dịch nhu cầu lao động của xã hội hiện đại, quan tâm hơn tới các ngành nghề phù hợp xu thế trong tương lai để chọn cho mình một hướng đi đúng đắn hơn. Vấn đề còn lại ở đây chính là các em có thể tiếp cận các nguồn thông tin có độ tin cậy như thế nào, các dự báo phân tích đảm bảo tính khoa học và dựa trên các số liệu nghiên cứu chính thức được công bố và kiểm chứng công khai. Việc tiếp cận một cách đầy đủ các thông tin về nghiên cứu thị trường lao động và xu thế tương lai sẽ giúp các em có nhìn nhận khoa học, thấu đáo và hữu ích cho việc chọn ngành học, chọn bậc học và xây dựng được lộ trình phát triển bản thân phù hợp với điều kiện, năng lực của cá nhân và nhu cầu, xu hướng của xã hội, cộng đồng. Đây chính là trách nhiệm quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp trong việc quy hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người học, người lao động tiếp cận với các chương trình bao trùm về nâng cao kỹ năng, nhằm đáp ứng những nhu cầu về nhân lực trong tương lai.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, các nhóm ngành mới xuất hiện trong giai đoạn từ 2017 – 2020 cho đến năm 2025 rất chú trọng đến tính chuyên sâu, được phát triển từ sự kết hợp của ngành cũ dựa trên việc cải tiến công nghệ, nâng tầm chất lượng đào tạo và rèn luyện tay nghề. Trong một công bố năm 2020, ông Trần Anh Tuấn,  nguyên PGĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM đã đưa ra danh sách 9 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao trong thời gian tới, trong đó nhóm ngành “Kỹ thuật – Công nghệ (Công nghệ chế tạo máy số, ô tô-động lực, tự động hóa, điện – điện tử, cơ điện tử, robots&AI, Logistic&IoT, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp” đứng vị trí thứ 2. Trong giai đoạn đến 2020-2030, nhu cầu nhân lực của Tp.HCM là khoảng 300.000 người/năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 500.000 người/năm và vùng Tây Nguyên khoảng 200.000 người/năm, ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao.

Theo kết quả khảo sát “Thực trạng và nhu cầu kỹ năng của lao động trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam giai đoạn 2021-2023” do Viện Khoa học-Lao động và Xã hội và ManpowerGroup Việt Nam thực hiện, phần lớn các doanh nghiệp FDI hiện nay đang ứng dụng các công nghệ hiện đại ở trình độ cao đến rất cao (chiếm 32%) hay trình độ trung bình (63%). Trước làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có ngày càng gia tăng hiện nay, đặc biệt là trong ngành sản xuất, chế tạo. Xu hướng này càng thể hiện rõ hơn khi dòng chảy đầu tư nước ngoài đang hướng tới các ngành sản xuất, chế tạo yêu cầu lao động có trình độ từ trung bình đến cao. Tiến sỹ Trịnh Thu Nga – Phó viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội cho biết hầu hết các doanh nghiệp FDI có định hướng tăng cường ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, chiếm tới 94%. Đây là tín hiệu tích cực cho phát triển kinh tế và nhu cầu việc làm kỹ năng cao trong khu vực FDI trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo công nghiệp công nghệ cao. Cuộc cách mạng sản xuất trên toàn cầu đang diễn ra với sự chuyển đổi mạnh mẽ của hệ thống máy móc. Ông Simon Matthews, Giám đốc khu vực ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông dự báo khoảng gần 50% các vị trí công việc trong ngành sản xuất sẽ thay đổi trong 3-5 năm tới. Những vị trí công việc đòi hỏi kỹ năng ở trình độ cao về số hóa như tự động hóa, robot & trí tuệ nhân tạo, logistic và kết nối vạn vật, công nghệ chế tạo máy số đang gia tăng dưới ảnh hưởng của công nghệ.

Với sự phát triển của kinh tế sẽ kéo theo sự thay đổi về công nghệ, văn hóa và cả ngành nghề làm việc. Theo các chuyên gia dự đoán trong 10 năm tới thế giới sẽ xuất hiện những ngành nghề mới. Cùng với đó, trí tuệ nhân tạo, robot , big data và cả những phát minh mới sẽ đem tới những thay đổi lớn đối với thị trường lao động. Để dự đoán được đâu là ngành nghề hot trong tương lai chúng ta buộc phải hiểu sâu sắc về thị trường lao động cũng như những tác động qua lại của các ngành nghề với nhau. Lựa chọn ngành học đúng đắn cần dựa trên sở thích, thế mạnh của người học và việc quan sát nghiên cứu thị trường việc làm.

Với phương châm giáo dục “Thực học, Thực hành, Thực danh, Thực nghiệp”, các chương trình đào tạo của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được thiết kế và thực hiện có tính gắn kết vô cùng chặt chẽ với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các ngành đào tạo được mở mới trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu tương lai của thị trường việc làm và nhu cầu của người học, lấy người học làm trung tâm và xây dựng một hệ sinh thái ưu tiên giúp sinh viên “học tốt” sau đó mới đến giúp giảng viên “dạy tốt”. Trên quan điểm giáo dục đó, các chương trình đào tạo của Khoa Kỹ thuật Công nghệ được  thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn AUN, thực hiện 5 nguyên tắc sau:

  • Phải đáp ứng được yêu cầu của các bên liên quan: Nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, cựu học viên, nhu cầu xã hội;
  • Phải phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của Trường;
  • Phải phù hợp với xu thế phát triển chung của giáo dục Việt Nam và thế giới;
  • Được xây dựng có tham khảo và đối sánh với chương trình đào tạo cùng ngành của một số trường đại học có uy tín cao trong nước và quốc tế;
  • Chương trình học phải được Hội đồng Khoa học và Đào tạo xét duyệt và thông qua.

Trên cơ sở đó các chương trình đào tạo của Khoa Kỹ thuật công nghệ đã được kiểm định và đánh giá chất lượng cao bởi các tổ chức có uy tín trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và người học. Trong những năm qua, Khoa đã nhận đặt hàng đào tạo kỹ sư công nghệ từ nhiều doanh nghiệp đa quốc gia trong các lĩnh vực về cơ khí chế tạo, điện-điện tử, cơ – điện tử và tự động hóa, robotics, kỹ thuật hệ thống công nghiệp với số lượng lớn và thường xuyên. Đồng thời các chương trình đào tạo của Khoa được cập nhật cải tiến và nâng cao chất lượng định kỳ với mục tiêu bắt kịp và tiên phong trong xu hướng ứng dụng công nghệ cao và số hóa toàn diện. Dưới đây là thông tin tóm tắt về nhu cầu nhân lực được dự báo và phân tích  bởi các chuyên gia và tổ chức có uy tín trong nước và quốc tế về các ngành học của Khoa nằm trong top các ngành nghề được dự báo có triển vọng nhu cầu cao và có thu nhập cao trong tương lai, cụ thể:

Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robots&AI):

Ngành Robot & AI là lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực mới chuyên sâu cho các nhà máy, doanh nghiệp trong thời kì chuyển đổi số với mức độ tự động hóa cao tại Việt Nam và trên thế giới. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của các máy móc – thiết bị công nghệ – dây chuyền sản xuất tiên tiến trong các nhà máy hiện đại, trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Theo dự báo của Tractica, thị trường robot toàn cầu có doanh thu đạt khoảng 237.3 tỷ vào năm 2022, có tỷ lệ tăng trưởng hiện nay là 14%/năm và có đến 1.7 triệu robot công nghiệp sẽ được lắp mới hàng năm trong các xưởng sản xuất trên khắp thế giới. Khu vực có tốc độ tăng nhanh số lượng robot công nghiệp là châu Á, có mức tăng 37%/năm.

Thực tế, nhiều nhà máy của Việt Nam đang dịch chuyển dần sang tự động hóa thay cho hoạt động sản xuất thủ công trước đây. Chẳng hạn, Vinamilk, Trường Hải, Vinfast,… đã chi hàng ngàn tỉ đồng cho tự động hóa. Tuy nhiên, việc triển khai robot ở Việt Nam vẫn còn thấp, theo báo cáo mới đây của World Bank, robot được sử dụng trong sản xuất tại Việt Nam thuộc nhóm thấp trong khối ASEAN-6. Vì vậy, ứng dụng robot trong sản xuất và cuộc sống là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nhiều công bố khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực ngành Robot &AI tại các doanh nghiệp, công ty, cơ quan đơn vị cho thấy, từ nay đến năm 2030, tổng nhu cầu nhân lực ngành Robot & AI trình độ đại học, cần được đáp ứng cho thị trường lao động Việt Nam là rất lớn. Nhu cầu nguồn nhân lực này ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, sự dịch chuyển đầu tư nhà máy sản xuất từ nhiều nước trên thế giới đến Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực: (i) Công nghệ thông tin, công nghệ cao; (ii) Thiết bị điện tử và phụ kiện; (iii) Logistics, thương mại điện tử; (iv) Hàng tiêu dùng, bán lẻ…

Tại tọa đàm “Tương lai ngành AI và Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao” tại sự kiện “AI NOW: ACADEMIC & CAREER”, ông Trần Trung Hiếu, Founder – CEO nền tảng công nghệ tuyển dụng TopCV cho biết, trong vài năm trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng nhân sự AI tại Việt Nam là rất lớn nhưng nguồn cung thì rất thiếu. Tại Việt Nam, nguồn cung nhân sự AI mới đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong nước, chưa kể thị trường nước ngoài còn rất nhiều cơ hội.

Ngành Logistic và Internet vạn vật (Logistic & IoT): Hiện tại, thị trường logistics phát triển nhanh nhất là châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Tốc độ này được dự đoán sẽ tăng tốc khi ngày càng nhiều người tiêu dùng trong khu vực đó giàu có hơn. Việc các doanh nghiệp logistics ngày càng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử hiện nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Tại Việt Nam, sự tăng trưởng của logistics góp phần lớn vào phát triển kinh tế chung. Điều đó thể hiện qua tỷ lệ quan tâm logistics công nghệ chiếm đến 15% trên tổng dân số. Với sự ra đời của các giải pháp tích hợp công nghệ, ngành này đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự tăng trưởng của Việt Nam. Giải quyết những thách thức trong đại dịch như thiếu hụt container, giãn cách xã hội… khiến các doanh nghiệp rút ra nhiều bài học. Việc xử lý các gián đoạn chuỗi cung ứng hiệu quả đã tạo ra quá trình chuyển đổi công nghệ được gọi là Logistics 4.0. Trong giai đoạn này, công nghiệp chế tạo và logistics đẩy mạnh tích hợp hệ sinh thái của mình với các công nghệ tiên tiến, như sử dụng hệ thống Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, quy trình xử lý ngôn ngữ và sản xuất tinh gọn trong quản lý chuỗi cung ứng.

Theo thời báo tài chính Việt Nam, nhu cầu nhân lực logistics của Việt Nam đến năm 2025 là khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, trong số khoảng 1,2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Ngành Công nghệ chế tạo máy số: Nhiều doanh nghiệp hiện đang đối mặt với bài toán thiếu nhân lực ngành cơ khí chế tạo máy, đặc biệt trong xu hướng ứng dụng công nghệ số trong chế tạo hiện nay. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM, công nghệ chế tạo máy số và tự động hóa là một trong bốn ngành kinh tế chủ lực cần nhiều lao động với nhu cầu khoảng hơn 8.000 người/năm.

Thống kế trong những năm qua cũng cho thấy ngành chế tạo máy là một trong 10 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực tuyển dụng đều đặn qua các năm. Hiện nay các ngành kĩ thuật đang càng góp mặt sâu hơn vào quá trình thiết kế và thử nghiệm các công nghệ mới như thiết bị tự động hóa hay Robot cao cấp. Do vậy, cơ hội việc làm cho các kĩ sư công nghệ chế tạo máy số hay các kĩ thuật viên đang không ngừng tăng lên. Theo dự đoán, từ năm 2018 đến năm 2028 sẽ cần khoảng 229.000 vị trí công việc cho các kĩ sư lĩnh vực này.

Ngành Ô tô: Công nghiệp ô tô được nhận định là một ngành đi đầu và kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Tại Việt Nam, tuy công nghiệp ô tô đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển, nhưng cũng đã có những đóng góp có ý nghĩa cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cùng với sự phát triển của ngành công nghệ ô tô, cơ hội việc làm cho hàng trăm nghìn lao động với trình độ tay nghề cao đang cực kỳ rộng mở. Theo những nghiên cứu mới đây, các tập đoàn ô tô hàng đầu của Đức, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc như BMW, Toyota, Honda, Ford, GM hay Kia, Huyndai,… tại Việt Nam đều đặn tổ chức tuyển dụng hàng năm nhưng “nguồn” vẫn không đủ. Ngoài ra, các doanh nghiệp ô tô lớn của Việt Nam như VinFast, Trường Hải, Huyndai Thành Công đều có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất nên nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật ô tô sẽ tiếp tục tăng lên.

Vì vậy, nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật ô tô sau khi được đào tạo sẽ không phải lo lắng về vấn đề việc làm. Thậm chí, những nhân lực được đào tạo bài bản sẽ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn trong tương lai.

Việt Nam là quốc gia có gần 100 triệu dân, kinh tế phát triển, đời sống ngày càng nâng cao do đó nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng nhiều, đủ để các doanh nghiệp ô tô đầu tư sản xuất với quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện nay dung lượng thị trường trong nước chưa phát triển so với tiềm năng, do thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành.

Nhóm ngành Điện – điện tử, Cơ điện tử, Tự động hóa: Cũng giống như ngành Công nghệ chế tạo máy số và ngành ô tô, lĩnh vực điện điện tử, cơ điện tử và tự động hóa có nhiệm vụ thử nghiệm và đánh giá những công nghệ mới.. Sự phát triển không ngừng của công nghệ đã và đang khiến cho nhu cầu tuyển dụng kỹ sư kỹ thuật điện tử tăng mạnh. Theo dự đoán nhu cầu này sẽ còn tiếp tục tăng ổn định trong những năm sắp tới.

Xã hội phát triển, hiện đại hoá năng suất lao động là nhu cầu cần thiết, đòi hỏi sự chuyên môn hoá của thiết bị tự động, yêu cầu máy móc cần phải gọn nhẹ hơn, linh động hơn, uyển chuyển hơn và thông minh hơn, đòi hỏi đội ngũ nhân lực vận hành phải giàu kiến thức, kinh nghiệm, sáng tạo để vận hành và điều khiển các công cụ máy móc đó.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TpHCM trong báo cáo thị trường lao động ngày 30/12/2021, về nhu cầu nhân lực của 04 ngành công nghiệp trọng điểm tại TpHCM thì ngành sản xuất hàng điện tử chiếm 5,46% tổng nhu cầu nhân lực. Về nhu cầu nhân lực theo cơ cấu nghề, thì nhóm ngành Kỹ thuật điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp – Điện tử chiếm xếp thứ 11 trong 15 nhóm nghề có nhu cầu nhân lực cao nhất năm 2021. Cũng theo dự báo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TpHCM đến năm 2025, đối với nhóm ngành Điện – Điện tử, Cơ điện tử và Tự động hóa sẽ cần khoảng 16.200 người/năm.

Ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp (KTHTCN)

KTHTCN là ngành kỹ thuật lâu đời và phổ biến tại các nước phát triển trên thế giới, và hiện đang có nhu cầu nhân lực rất lớn tại Việt Nam. Ngành học này đào tạo ra các kỹ sư cải tiến hệ thống sản xuất và dịch vụ, các chuyên viên kế hoạch và hoạch định sản xuất, các kỹ sư quản lý và điều hành hệ thống sản xuất và dịch vụ, các kỹ sư quản lý chất lượng, dự án, và kho bãi, các kỹ sư phân tích và mô phỏng nhằm hoạch định và đưa ra các giải pháp tối ưu hoạt động của các hệ thống sản xuất và dịch vụ. Ngành KTHTCN luôn cập nhật và phát triển các công nghệ tiên tiến như Trí Tuệ Nhân Tạo (AI), IoT (Internet of things), big data, machine learning, blockchain, smart contract, robotics nhằm tối ưu hóa các hoạt động của hệ thống sản xuất và dịch vụ.

Sinh viên học ngành KTHTCN sẽ được trang bị những kiến thức quản lý và điều hành hệ thống sản xuất, quản lý vật tư và hoạch định tồn kho, các kỹ thuật tối ưu hóa nguồn lực sản xuất, kỹ thuật hỗ trợ ra quyết định, quản lý và kiểm soát chất lượng, logistics và chuỗi cung ứng, kỹ thuật điều độ nguồn lực, thiết kế hệ thống thông tin…

Chính vì kỹ sư KTHTCN có thể cải tiến quy trình và tối ưu được các nguồn lực như: thời gian, tiền bạc, sức lao động, năng lượng… Vì vậy, nhu cầu nhân lực cho ngành hệ thống công nghiệp ngày càng tăng và phổ rộng hơn. Tổ chức nào quan tâm đến cải tiến và quản lý hoạt động hiệu quả đều cần đến kỹ sư KTHTCN.

Hiện nay, Ngành KTHTCN mới chỉ đào tạo tại một số trường đại học phía Nam, trong đó có Đại học Nguyễn Tất Thành. Với nhu cầu hiện nay, 100% sinh viên tốt nghiệp ngành KTHTCN được đảm bảo có việc làm đúng ngành nghề, với mức lương cao hơn so với mặt bằng chung;

Với mục đích hỗ trợ thông tin cho các thí sinh/sinh viên có cơ sở lựa chọn ngành học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và nhu cầu của xã hội sau này, để khởi đầu hành trang lập thân lập nghiệp sau 12 năm đèn sách và hướng tới một tương lai tươi đẹp nhất; đồng thời nhằm truyền tải thông điệp Đoàn kết-Hội nhập-Năng động-Trí tuệ-Trách nhiệm (ĐHNTT) theo đúng tôn chỉ giá trị cốt lõi của Nhà trường, Khoa Kỹ thuật-Công nghệ chia sẻ bài viết này từ quan điểm của tập thể giảng viên và các đối tác có trách nhiệm với nội dung tóm lược ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Hy vọng các thông tin trên đây sẽ hữu ích cho các em trong hành trình mở mang và chinh phục tri thức, giúp các em có lựa chọn tốt nhất cho bản thân và có thể đóng góp nhiều nhất cho sự thịnh vượng, phát triển của đất nước. Các thí sinh/sinh viên cần được hỗ trợ chi tiết hơn, xin vui lòng liên hệ với Khoa theo số hotline 0972120603 và địa chỉ email fet@ntt.edu.vn.

TS Hoàng Thịnh NhânKhoa Kỹ thuật – Công nghệ tổng hợp

Tin tức khácXem thêm